25.8.18

Căn tính Đà Lạt | TNRR#12

Tháng năm rực rỡ, Nguyễn Quang Dũng, đạm nhiên, Góc O, Góc Nghệ
Đây là quyển mình dự định đọc sau khi xem Tháng Năm Rực Rỡ (TNRR). Mình nghĩ sách sẽ hay, thậm chí rất hay. Tại sao mình chọn sách này?

Vì phim. Vì đạo diễn hoặc có thể là biên kịch đã chọn Đà Lạt làm bối cảnh cho phim. Khi xem phim, nhìn thấy một nơi chốn nào đó, người ta dễ thấy mình trong đó, dễ đồng nhất mình vào trong khung cảnh đó. Nếu phản ứng đồng nhất xảy ra tận thấu, người đạo diễn thành công. Nếu sự nhập vai từ khán giả chỉ là nửa chừng, người đạo diễn thất bại. Còn nếu người xem thật sự muốn sống, muốn nghĩ suy như con người ở nơi đó, thời đó, họ đặt một câu hỏi to đùng, “Có thật là như vậy không?”, họ lên đường. Họ truy lùng một câu trả lời sâu sát và thỏa đáng. Người đạo diễn đã có tri âm.

Khi mình xem TNRR đến lần hai, quả là mình đã chớm lên một nét tư duy như vậy. Mình đã nghĩ đến cái gọi là căn tính. Thầm thì, “Căn tính Đà Lạt là gì? Một người Đà Lạt chánh gốc sẽ như thế nào?”. Thầm thì đó không sắc nét thêm để hóa nên hành động. Chúng mờ đi, mờ nhạt đi dần dần.

Có lẽ tình yêu của mình dành cho phim, sau nữa là Đà Lạt không sâu, không lớn để bàn chân khởi bước trên hành trình đi tìm căn tính thành phố ấy? Mình không biết có ai sau khi xem phim này sẽ lên tiếng về tính xác thực của Đà Lạt những năm nghìn chín bảy mươi không? Có ai viết ra, chỉ ra hết những điểm thuận, điểm nghịch, những cái được và chưa được của sự phục dựng trong tác phẩm này? Và quan trọng hơn là họ viết bằng tình yêu chơn thiệt, viết bằng mong muốn đối thoại chứ không phải là sự hiềm hận và trấn áp?

Mình đặt những câu hỏi như vậy và đoán là xác suất có kết quả sẽ rất thấp. Thế nên mình quay về tìm hiểu căn nguyên của sự mờ nhạt nơi mình. Tại sao mong muốn lên đường ấy chỉ mới chớm nở rồi tàn tắt đi?

Nguyên do thứ nhất. 

Bối cảnh Đà Lạt thuộc về tiền truyện. Đúng hơn, bộ phim có 2 tuyến thời gian. Một khi đã có 2 nhánh trong 1 phim thì phải có cái chính, cái phụ. Đà Lạt là phụ. Công năng của phụ là làm nền cho mạch chính, những gì xảy ra ở Sài Gòn hai nghìn. Đà Lạt là quá khứ, sự tinh khôi vang bóng. Người ta không muốn tìm về Đà Lạt mà là sống lại với những tinh khôi ngày nào. Đà Lạt không phải con dao mà chỉ là cái thớt. Và trên đó, người ta thấy được lai lịch của nhân vật cũng như tình cảm nguyên thủy của họ. Đà Lạt giống như một chứng nhân, là khung nền cho tác phẩm. Những đổi thay ở thành phố này không cứa vào da thịt hay tâm hồn của các nhân vật những vết thương nào. 

Nguyên do thứ hai. Tư tưởng chủ đạo của tác phẩm này là gì? Theo mình đó là vẻ đẹp tình bạn. Bộ phim là bài ngợi ca tình bạn, thứ tình cảm lành mạnh, có khả năng dưỡng nuôi và chữa lành rất nhiều hoang hóa nơi con người. Đà Lạt là tuổi niên thiếu, là những ngày thơ, là khung trời mơ mộng trong lòng toàn bộ tuyến nhân vật chính. Dưới con mắt của những cô gái đôi bảy, đôi tám, thành phố ấy vẫn còn là một mặt hồ trong veo và phẳng lặng. Sự biến động về chính trị và nhiều mặt ở thành phố này tựa như cảnh vật lướt qua ô cửa toa tàu. Họ không phải là những tâm hồn lạc thời. Họ chỉ lạc nhau, muốn tìm nhau. TNRR giải quyết vấn đề lạc. Một nhóm bạn lạc nhau và muốn tìm lại nhau. Vậy nên cần có một lời giải thích về tình bạn, về sự khắng khít từng có của nhóm người này. TNRR không giải quyết những nỗi lạc khác. Một bộ phim không thể là đáp số cho nhiều vấn đề.

Quá khứ trong TNRR là ước mơ. Nhưng không phải là ước mơ trở về. Quá khứ đó là nguồn cảm hứng để vui sống trong hôm nay. Đà Lạt do vậy cứ lùi dần, lùi dần, trở về đúng nghĩa của một cái thớt, không phải là con dao đẽo gọt nên tinh thần của tác phẩm này.

Trên đây là 2 nguyên do chính mình tự giải thích cho việc dừng lại việc truy lùng tính xác thực về mặt lịch sử, xã hội trong tuyến tiền truyện của TNRR. Hẳn nhiên, nhà làm phim một khi đã tiến hành phục dựng, họ phải nỗ lực sao cho ăn khớp. Và họ phải có trách nhiệm thỏa mãn tất cả người xem, dầu cho là những người khó tính nhất, những người có xu hướng đòi hỏi tính CHÂN, tính hiện thực, tính chuẩn xác trong công việc phục dựng. Mình e rằng và có phần chắc chắn, sẽ có những người Đà Lạt, họ yêu, họ từng sống, họ từng đau cùng những đổi thay của Đà Lạt trong tuyến thời gian 70, 80 sẽ không hiền như mình. Họ chẳng phải lên đường trong tâm tưởng gì cả. Ngay khi xem, (nếu có đi xem), cái gì đúng, cái gì không, cái gì gần đúng, họ sẽ thấy ngay. Mình không biết họ sẽ phản ứng bằng lời nói hay chữ viết. Nếu có chữ, mình hy vọng được đọc. Đó sẽ là dữ liệu quý để mình nâng hiểu biết về thành phố Đà Lạt lên một bậc mới.

Với phần đông người xem, mình nghĩ rằng sẽ có người phát hiện vài nét bất ổn về Đà Lạt xưa nhưng họ cũng như mình. Sẽ dừng lại. Nguyên do vì sao? Đây là nguyên do cuối, nguyên do thứ ba, nguyên do thuộc về đám đông và cả mình cũng phải công nhận. 

TNRR có sự huyên náo đầy thu hút về mặt âm nhạc. TNRR cũng sở hữu một dàn diễn viên có nội lực, có sắc vóc. Quan trọng là nữ chính, người anh hùng, trái tim của tác phẩm đã làm tròn vai trò chứng nhân và cũng là hạt nhân. TNRR lại còn thừa hưởng những của báu trong dàn xếp cốt truyện từ kịch bản gốc. Tất cả lợi thế này cuốn hút thị giác và khiến cho tình cảm người xem hướng về trọng tâm, hướng về con dao. Tình bạn. Họ để cho mình được ngọt cứa. Và tận hưởng những nỗi đau ngọt ngào.

Quyển sách mà mình có linh tính hóa ra hay thật. Hay ngay từ lần dở đầu tiên. Một tấm bản đồ rớt ra. Thêm một tấm bưu thiếp nữa. “Lê Uyên Phương!”, mình reo lên sung sướng. Mình chưa đọc hết sách đâu. Cũng chỉ mới dừng lại ở vài trang đầu. Nhưng ít ra là mình đã nhìn thấy dung nhan tình yêu. Dung nhan mà mình không thể nhìn thấy (cũng có đòi hỏi được thấy đó!) trong TNRR.

#Nhiên