22.10.18

Ý nghĩa của khung hình rung lắc | FM#4

First Man, Cảm Nhận First Man, Đạm Nhiên, Góc Nghệ, Góc O
#FirstMan là phim đặc tả về người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Tựa tiếng Việt của bộ phim vì vậy được đặt lại là “Bước Chân Đầu Tiên”.

Về phần mình, một khán giả, đây cũng là lần đầu tiên tôi có mặt tại rạp chiếu này. Bước chân đầu tiên có nguyên do bởi 4 ký tự IMAX. Nguyên do thứ nữa là sự sợ hãi. Tôi sợ rằng phim này sẽ nhanh chóng biến mất như trường hợp của Three Billboards, một phim mà tôi rất thích. Vậy nên, 10km đường xa và cái giá vé cao ngất 180.000 vnd không khiến tôi bận lòng. 

Để phân tích vào nỗi sợ thì tôi có rất nhiều bằng chứng. Còn về IMAX thì tôi không có dữ kiện nào. Tôi đã từng xem Tháng Năm Rực Rỡ trên một màn hình rất to, to nhất cách đó về trước. Còn bây giờ, với First Man, lịch sử được viết lại. Tôi có thể tóm tắt về IMAX, “từ sàn đến trần”. Nhìn vào phim như thể nhìn vào một ngôi nhà và thực sự ghế ngồi ở giữa hàng L khiến tôi thấy mình như đang ở trong một ngôi nhà. Mà nhà là mô tả không đúng lắm. Một góc sân vận động thì đúng hơn.

Tôi không biết quyết định chọn hàng L của mình có đúng đắn không? Có lẽ phải là hàng cuối. Điểm ngồi này nhanh chóng kéo tôi vào những cơn rung lắc của khoan thuyền ngay từ chuyến du hành khỏi trái đất ở đầu phim. Hệ quả là một cơn đau hay là xây xẩm hoặc một trạng thái chóng mặt, hoa mắt đã xuất hiện ở vùng não theo hướng 11 giờ. 

Dứt khỏi trạng thái lơ lửng không trọng lực, tưởng rằng những thước phim đặt ở khung cảnh đời thường sẽ khiến tôi bình ổn trở lại. Nhưng không! Sự rung lắc ở các góc quay vẫn đeo bám quyết liệt. Lạ lùng!

Trong lần xem đầu tiên, tôi không hề có cảm giác này. Một sự xê dịch tưởng như là sai sót về mặt kỹ thuật quay hình này không hề được tôi lưu tâm với một màn ảnh thông thường. Chuyển sang phòng chiếu IMAX, tôi phát hiện ra sự đong đưa ngay từ đầu phim. Và hẳn nhiên đây không thể nào là một sai sót. Sự bất toàn này phải có ý nghĩa!

Rung lắc trong hầu như mọi diễn biến nhưng sẽ có một trường đoạn mọi rung lắc hoàn toàn biến mất. Thực tế đúng y như tiên liệu! Chính điểm này khiến tôi phải tái hồi lại mọi suy nghĩ về điểm tưởng như là cố tình gây khó chịu của bộ phim mà thật ra là có động cơ và lý do rất hợp lý.

Trước tiên cần phải xét đến đời sống của một phi hành gia. Ở trong tình trạng không trọng lực thường xuyên. Không những trên không gian. Mà còn là những tháng ngày phải giam mình cho các cuộc thử nghiệm kinh hoàng. Tôi tự hỏi liệu rằng thân thể và tâm lý của họ có phải chịu những dư chấn nào không? Có đầy đủ bằng chứng về sự biến đổi ở xương sống, sự giảm thiểu các mô cơ và máu huyết. Nhưng còn chức năng thị giác, còn những vấn đề tâm lý thì sao?

Trở lại với khái niệm điểm nhìn của điện ảnh, bộ phim lấy Neil Amstrong là nhân vật chính. Điểm nhìn của bộ phim vì vậy chính là đôi mắt của Neil. Về mặt thủ pháp hình ảnh, ấn tượng thị giác rung lắc này có ý nghĩa gì, ẩn tàng cho thông tin gì về tâm lý nhân vật?

Thử một lần giả sử tôi sẽ yêu một ai đó, một công việc nào đó mà tình yêu ấy là tất cả sự sống của tôi. Điều gì sẽ xảy ra? Không ai khác, không nơi nào khác cho tôi sự thăng bằng ngoài người ấy, ngoài những nơi có sự hiện hữu của người ấy. Không công việc nào, không không gian làm việc nào cho tôi cảm giác được thật sự lao động, thật sự cống hiến.

Tách tôi ra khỏi người đó, nơi đó sẽ còn là gì?

Là chênh vênh. Là chơi vơi. Là vô định. Là lạc nhịp. 

Đằng sau khung hình rung lắc là những vô ngôn muôn trùng.

#Nhiên