16.10.18

Thị Mai | SFW#1

Thị Mai, Tuần phim Tây Ban Nha, Eye on Spain, Đạm Nhiên, Góc Nghệ, Góc O, Spanish Film Week
Nhìn vào danh sách, tôi thấy có đến 4/5 phim trong Tuần phim Tây Ban Nha 2018 mang giữ trong mình chất hài. Không hiểu hài hước có phải là một phần trong huyết quản của người Tây Ban Nha?

“Thị Mai”. Một cái tên thuần Việt xuất hiện. Hiểu theo đúng sự lý giải của nhân vật chính trong phim thì “Thị Mai” có nghĩa là ngày mai. Ẩn ý có thể hiểu thêm là sự hy vọng. Tiêu đề Việt Nam. Bối cảnh chính của phim cũng là Việt Nam (Hà Nội). Mọi nguồn cơn cho chuỗi hành động và vòng cung tâm lý chủ đạo của bộ phim cũng là một trái tim Việt Nam. Tinh thần của bộ phim tươi vui, sảng khoái, thậm chí trào lộng ở nhiều tình tiết. Có quá nhiều lý do hợp lý hợp tình để Thị Mai là bộ phim mở màn cho Tuần Phim Tây Ban Nha.

Nội dung tóm lược của “Thị Mai” có thể biên chép thành 1 hàng cô đọng:

- Bà đi tìm cháu

Bộ phim đặt nền tảng trên tính nữ. Năm phát hành là 2018. Dường như 2017 kéo dài sang cả 2018, tính nữ đã thật sự sắm vai chính trong phần lớn các chuyện phim được ưa thích hoặc gây chú ý trên toàn thế giới. “Tính nữ” trong Thị Mai lại càng ấn tượng với tôi hơn. Vì lẽ không khai thác ở phần thân thể khiêu gợi hay tuổi trẻ nổi loạn mà là tuổi trung niên và tình thương yêu. Âu và Á tuy khác nhau về mặt quốc tịch. Nhưng tình mẹ thương con, tình bà thương cháu thì lại không xa cách nhau. Tưởng xa mà gần. Tưởng dị mà đồng. Tưởng riêng mà chung. 

Sau cái chết bất ngờ của đứa con gái duy nhất, niềm hy vọng về ngày mai bỗng đâu thắp sáng trở lại. Tin tức về một bé gái Việt Nam cách xa ngàn dặm (đang chờ hoàn thiện thủ tục nhận nuôi từ đứa con gái) đã khiến cho người bà bất chấp mọi ngáng trở để lên đường. Đi cùng bà có thêm 2 người bạn thân. Cả ba người phụ nữ này cộng thêm một anh chàng đồng tính kết thân ở sân bay đã cùng nhau vượt qua mọi gian khó về thủ tục hành chính và cả lòng người để thực hiện ước nguyện của con gái. Hành trình bà đi tìm cháu cũng đồng thời là hành trình để bà và tất cả những người bạn đồng hành nhận ra ý nghĩa của sự sống, của hy vọng và của ngày mai. Chính “Thị Mai” đã khiến họ hồi xuân, khiến họ nhận ra đâu mới là niềm vui thật sự trong đời. Người bà đã tìm thấy chính mình, đã tái sinh trong hành trình tìm cháu. Ai đã giúp ai? Ai mới thật sự nuôi ai? Thật khó nói! Vì trong tình yêu, không có toan tính, không có thua thiệt. Trong sự hy sinh, trong sự hiến dâng, kẻ vì tình thấy mình được sống.

Bộ phim còn là một trải nghiệm thú vị để người xem có thể kiểm chứng độ sâu trong hiểu biết văn hóa Việt Nam của đạo diễn. Việt Nam trong ánh nhìn Tây Ban Nha sẽ hiện ra như thế nào? Tự thân câu hỏi ấy thôi đã là một niềm hào hứng kỳ diệu. Một bộ phim hài. Nhưng chất hài vừa vặn. Nụ cười không vô lối, không gắng gượng. Và trên tất cả vẫn là tình sâu, lòng bao dung, đôn hậu. Mà không hàng rào ngôn ngữ, văn hóa, pháp lý nào có thể cản ngăn.