Lần xem thứ 6 của tôi không thuận lợi về mặt thời tiết.
Trước giờ chiếu, trời mưa rất to. Thật may khi vừa xuống xe Mười Bốn, mưa đã nhẹ hạt. Phim dài 45 phút. Thời gian trong rạp là 1 tiếng. Không biết bấy giờ thế nào. Chỉ biết rằng, khi trở ra thì mưa bay mờ mịt ở cổng rạp. Phải ngồi đợi hơn nửa giờ mới có thể ra về.
Cứ ngỡ phim sẽ dừng chiếu sau 1 tuần lễ công chiếu. Nào ngờ sang đến tuần thứ 2 vẫn còn sót lại một rạp, có lẽ là rạp nhà của Những Cánh Én Đầu Tiên (NCEĐT). Dẫu vậy, giờ chiếu nằm ở mốc 13:00. Đây là thử thách chứ không còn là chuyện thưởng ngoạn nghệ thuật. Đối với khán giả khối văn phòng, nếu quan tâm thì chắc họ sẽ tận dụng giờ nghỉ trưa và xin phép cấp trên ra ngoài lâu hơn trong khoảng từ 13:00 đến 14:00.
Liên tiếp 4 ngày từ thứ 2 (19.8) đến thứ 5 (22.8) đều chỉ 1 suất chiếu vào lúc 13:00 tại rạp số 4. Tôi thu xếp xem được 2 buổi. Với buổi ngày thứ 4, tôi thử chọn hàng D. Hàng gần nhất trong 2 lần xem tại rạp này. Nguyên do vẫn chỉ là muốn ở gần màn hình hơn. Qua đó cho phép bản thân có được cảm giác ở trong buồng lái chân thật hơn. Nghĩa là muốn được nếm thấu sâu hơn cảm giác được bay trên bầu trời, được tham gia vào không chiến ngày 4.4.1965, được nhìn ngắm quê hương Thanh Hóa từ trên cao, được có mặt cùng biên đội Hanh-Giấy-Huân-Năm bảo vệ cầu Hàm Rồng, được thâu nhận tình đồng đội của trung đoàn Sao Đỏ, khi đông đủ, khi lẻ loi, trơ trọi.
Kinh nghiệm ở lần này thì việc xem ở hàng D khiến cho mắt nhìn phải hướng lên cao hơn so các hàng sau. Cổ với tuy không gây mỏi nhưng hẳn là xem ở các hàng E, F, G, H sẽ cho ấn tượng thị giác tốt hơn. Có lẽ với rạp số 4 này, vị trí tốt nhất là hàng F,G,H. Các ghế số 4, số 5 là đẹp nhất.
Xem đến lần thứ 6, tôi vẫn chưa thôi kinh ngạc trước khả năng vẽ hình của nhóm làm phim Việt. Theo dõi một số xưởng phim ở cường quốc phim hoạt hình Nhật Bản, thời gian để ra đời 1 phim điện ảnh chiếu rạp theo tính toán của tôi là 2 năm. Chẳng biết xưởng Én Bạc ở Đà Nẵng đã mất bao lâu để cho ra NCEĐT. Nhờ đợt xem này, tôi biết rằng nếu có bất kỳ xuất phẩm nào từ Én Bạc tôi sẽ ủng hộ bằng cách đến rạp. Chọn thể loại tài liệu nhưng cách thể hiện của Én Bạc thật sự rất ấn tượng, vừa có tính mỹ thuật cao, vừa cho thấy tính logic bài bản. Bộ phim này xứng đáng là tư liệu hữu ích cho những tiết học lịch sử. Nói như vậy, không có nghĩa là phim sẽ chiếu trong màn chiếu phóng to lên tường hay các thiết bị di động. Ở các thể thức như vậy, giá trị của bộ phim sẽ giảm. Chất lượng hình ảnh, âm thanh (đặc biệt là âm nhạc, tiếng nền) chỉ phát huy hết tất cả vẻ mỹ lệ và hoàn hảo trong không gian của một rạp chiếu quy chuẩn. Chính vì ý thức được điều này nên tôi cố gắng thu xếp xem được nhiều nhất trong thời gian phim còn được trình chiếu tại rạp.
Phim chỉ dài 45 phút. Tưởng như vẫn còn quá ngắn so với thời gian chuẩn của một tác phẩm hoàn chỉnh. Sau mấy lần xem, tôi vẫn có suy nghĩ nên phát triển thêm phần lý lịch 4 phi công, tạo thêm tự sự cho những hoạt động ở hậu phương và tăng thêm độ dài ở phần hậu chuyện. Tuy nhiên, tôi cũng đồng thời nhìn thấy cái khó của thể phim tài liệu. Không thể hư cấu tăng giảm tình tiết. Còn chuyện vẽ thêm thì e rằng kinh phí là chưa đủ. Thế nên, tôi vẫn giữ sự hài lòng chừng mực với tác phẩm này. Mỗi lần xem, đặc biệt là phần “minh họa điện ảnh” vẫn nhìn thấy thêm nhiều hình ảnh mới và lắng yên hơn với những khoảnh khắc điện ảnh trong mỗi khung hình.
#Nhiên
21.8.2019
T/B:
- 13:00 hôm nay thứ 5 (22.8.2019) có lẽ là suất chiếu cuối cùng của NCEĐT tại Sài Gòn. Còn ở Cần Thơ, suất chiếu sớm hơn một chút. 11:45