6.8.19

ĐẾN TỪ LĂNG ÔNG | CLTNNC#22

Cải lương – Trăm năm nguồn cội, Cải lương, Trăm Năm Nguồn Cội, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, Góc 0, Góc Nghệ, Góc Không, Quang Thảo, Lăng Ông, Lê Văn Duyệt, Lăng Ông Bà Chiểu, Mả Biền Tru, Đồng Tập Trận, Gia Định Thành
Đây là quyển thứ tám tôi góp vào góc đọc Ý Mai. Với tôi, quyển sách nào cũng có giá trị. Có thể là nội dung. Có thể là hình thức. Có thể là kỉ niệm. Có thể có hai trong ba điều vừa kể. Có thể có đồng thời một lúc cả ba. 

Tôi có khoảng 3 giờ đồng hồ tại Ý Mai để đọc “Di sản Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt”. Dự định thời gian của tôi không dài đến vậy. Nhưng cơn mưa ngày đầu tiên của tháng tám khiến tôi nán lại lâu hơn… với nơi này và với cả sách. 

Tôi chưa thể kết luận về nội dung. Về hình thức, bìa sách dàn chữ theo trục dọc. Người thiết kế hẳn là có ý nhấn mạnh vào bức tượng Tả quân. Thế nên một hàng chữ được in chìm sau mặt tượng. Bức tượng Tả Quân đã không dưới một lần xuất hiện trên các bìa sách có chung chủ đề. Vậy nên về mặt thị giác, sự trình bày này không có gì thu hút tôi. Khi lật vào bên trong, bàn tay tiếp xúc ngay với những trang giấy láng mịn khác hẳn với loại giấy in thông thường. Rất tiếc mảng kiến thức về chất liệu giấy tôi không am tường nên không thể luận bàn gì thêm. Đây là quyển vừa mới ra mắt vào quý IV năm ngoái, lần in đầu tiên. Chưa biết đã tái bản hay chưa. Như vậy, trong số các quyển trên kệ ở Ý Mai, đây là quyển mới nhất.

Sự “mới” hay tính “mới” của sách tiếp tục hiện rõ ở mảng giá trị thứ ba. Đó là kỷ niệm. Đây là quyển tôi lấy về từ Lăng Ông ngay trong trưa cùng ngày. Tức buổi sáng đi lấy, buổi trưa ghé tiệm. Bức tượng tôi vừa đảnh lễ buổi sáng và bức tượng in trên bìa sách, cảm giác quỳ 5 vóc sát đất, cảm giác cầm sách trên tay đi theo vòng tròn quanh lăng, con đường, trường học, khu cư xá từng mang tên Đức Thượng Công, sẽ không ai có được một cảm giác thầm lặng, riêng tư như tôi được. Đây là lần thứ 3 tôi đến lăng và cũng là lần dừng bước lâu nhất. Tôi tham gia đầy đủ mọi thể thức cần thiết đối với một người hành hương. Hơn thế nữa, tôi vào thẳng phòng điều hành của khu di tích lịch sử (đã hẹn từ trước). Câu chuyện về sách, về lăng, về Tả Quân với tác giả nhờ vậy mà chân thực gấp thêm nhiều lần.

Vì sao một góc đọc chuyên đề Cải Lương Trăm Năm lại hiện hữu một tựa sách như thế này? Xét ở góc độ lịch sử trăm năm thì có lẽ không hợp. Tôi không tuyển chọn theo tính logic hay tính thống nhất của chủ đề. Lý do tôi chọn là vì tình yêu. Lý do tôi chọn còn là vì cần được bảo trợ.

Tả Quân là một tướng tài, một chính trị gia. Ông yêu văn nghệ (hát bội) và không hề che dấu tình yêu đó. Ngay trong đô thành mà mình là Tổng trấn, ông đã lập ra một đoàn hát, cho xây một rạp hát và chắc chắn dự khán không thiếu một buổi nào. Nhìn vào những diễn biến này, tôi chưa muốn bàn đến những động cơ sâu kín khác. Trước mắt, điều tôi nhận thấy rất rõ ông đã vô tình hoặc hữu ý sắm vai của một “nhà bảo trợ nghệ thuật”, không những đóng góp kinh phí đầu tư mà còn có thể là không gian trình diễn và cả những thủ tục pháp lý. Không riêng gì hát bội, không riêng gì cải lương, lĩnh vực nào, thời đại nào, bất kỳ ai cũng luôn cần một “nhà bảo trợ” như thế. Đó thật sự là đồng minh, một vị thần bảo hộ đích thực cho bất kỳ tiến trình sáng tạo nào.

Góc đọc Ý Mai có cần không? Chắc chắn! Dù nhỏ bé cỡ nào, khiêm nhường cỡ nào, tôi tin mọi nơi mọi chốn đều cần một bóng hình như thế. Rất cần! Nhưng nếu đã thực sự cần thì làm sao mời gọi, làm sao để những nhà bảo trợ, những vị hộ thần xuất hiện? Vậy thì phải tự hỏi vào thái độ của chính chúng ta. Phải nhìn vào những gì chúng ta đã nghĩ suy, đã phác thảo, đã thực hiện! 

#Nhiên
1.8.2019



Cải lương – Trăm năm nguồn cội, Cải lương, Trăm Năm Nguồn Cội, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, Góc 0, Góc Nghệ, Góc Không, Quang Thảo, Lăng Ông, Lê Văn Duyệt, Lăng Ông Bà Chiểu, Mả Biền Tru, Đồng Tập Trận, Gia Định Thành