20 giờ ngày 7 tháng 7 là suất diễn đầu tiên của chương trình Cải Lương – Trăm Năm Nguồn Cội. Từ 14 giờ tôi đã ra khỏi nhà.
Dự định của tôi là tham gia một buổi chiếu phim và tọa đàm cùng một đạo diễn cho một tác phẩm điện ảnh ra mắt vào 16.8. Buổi này được tổ chức ở một địa điểm gần Cầu Thị Nghè. Nhà hát Bến Thành cách đó không xa. Như vậy, buổi chiều chủ nhật này là một dịp thưởng ngoạn nghệ thuật liên hoàn cho phép tôi phần nào đó thăm dò tư duy dàn dựng của 2 người đạo diễn.
Lúc tôi rời khỏi phòng chiếu thì bắt gặp một kệ sách ở ngay lối vào. Từng đến đây một lần trước đó, nay tôi mới để tâm nhìn ngắm toàn bộ đầu sách. Ngoài sách chuyên đề điện ảnh thì bất chợt tôi nhận ra một tựa sách có chung chủ đề của chương trình mà ít giờ nữa tôi sẽ tham dự. Cũng con số 100. Cũng là cải lương. “100 năm cải lương Việt Nam”.
Sách dùng tấm màn nhung đỏ của sân khấu làm ảnh chìm và giữ thế đối xứng cho bìa sách. Ở phần trên cùng có hình của 3 tên tuổi: Út Trà Ôn, Thanh Nga và Phùng Há. Tôi chưa từng biết tác giả Ngành Mai trước đó. Không có nhiều thời gian nên tôi chỉ đọc lướt qua vài trang mục lục, nội dung và nhìn giá bìa. Đến hơn 30 usd 1 quyển. Có tất cả 2 quyển. Như vậy quyển 1, quyển 2 là hơn 60 usd. Đây là sách in gần đây và xuất bản ở Mỹ. Tôi đoán người chủ không gian này hay bạn của họ hoặc đã đặt qua kênh trực tuyến hoặc đã xách tay trực tiếp từ Mỹ về.
Tôi chưa biết sách hay dở ra sao nhưng với cái giá 30 usd thì 1 quyển này bằng giá mua hơn chục quyển in tại Việt Nam. Với số tiền tương ứng tôi hoàn toàn có thể có được các quyển như “Đặc khảo về dân nhạc” của Phạm Duy hay “50 năm mê hát” của Vương Hồng Sển. Dù là với số lượng nào, chục quyển phổ thông hay là các quyển tinh tuyển tôi đều cân nhắc trước khi quyết định thâu vào góc đọc dự kiến của mình với chuyên đề Trăm Năm Cải Lương (TNCL). Giá sách cao lại cộng thêm thời gian giao nhận sẽ rất lâu. Ít nhất tôi có 2 lý do để trì hoãn.
Mấy hôm sau, tôi bắt đầu dò tìm và có được một loạt bài viết về chủ đề TNCL của tác giả Ngành Mai. Tôi không biết đây có phải là chuỗi bài đã được đưa vào sách hay không. Đọc qua cách hành văn và dàn trải ý tứ thì tôi thấy người viết có xu hướng khai thác chuyện đời tư là phần nhiều. Tôi cần một dòng chảy tự sự khác. Hoặc dã nếu đã phân tích vào tiểu sử của một nghệ sĩ nào đó thì tôi muốn thấy được sự phân tích vào chiều sâu nội tâm của họ trong các quyết định liên quan đến chuyên môn làm nghề, thay vì chỉ là các giai đoạn vô danh / thành danh, hoàng kim / lụi tàn, các quyết định đi / ở, hợp / tan. Tổng duyệt các bài viết, tôi phát hiện thêm một điều. Có sự thiếu vắng hoặc không đào sâu tự sự vào một vài tên tuổi. Tôi đoán sự thiếu vắng này có lẽ có nguồn căn từ thời cuộc. Tóm lại, sau khi đã thu thập thông tin, tôi vẫn chưa thấy đủ nguyên cớ để mình thâu vào 2 quyển sách mà chỉ với tựa đề đã tưởng như vô cùng phù hợp.
Có lẽ xin chờ một điều kiện khác vậy! Trăm năm cải lương trong mắt Ngành Mai xin khất hẹn. Giờ đang là những ngày tôi ưu tiên cho Trăm Năm trong mắt Quang Thảo và trăm năm trong mắt một vài người khác. Tôi không xếp ai trên ai. Tôi không bỏ rơi bất kỳ ai. Chỉ có điều tôi đi theo một trật tự của riêng mình. Nhưng xếp đặt nào, dù trước dù sau thế nào, chắc chắc tôi sẽ đọc hết. Vì với tôi, càng nhiều thì càng tốt. Trong ánh nhìn của mỗi người đều có thực tại. Nhưng thực tại phản chiếu đó ít nhiều đã khoác phủ bởi tình cảm, tư duy chủ quan. Chỉ có thâu gom càng nhiều ánh nhìn thì tôi mới có cơ may gần chạm đến sự thật. Lẽ dĩ nhiên trong gom thâu cũng cần có lọc sàng.
#Nhiên
7.7.2019