8.8.19

CHUYỆN DÉP CHUYỆN GIÀY | CLTNNC#25

Cải lương – Trăm năm nguồn cội, Cải lương, Trăm Năm Nguồn Cội, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, Góc 0, Góc Nghệ, Góc Không, Để trở thành một khán giả
Hôm nay chắc chắn mưa. Ra khỏi nhà từ 14 giờ. Tôi định dùng dép lê cho tiện lợi. Nhưng nghĩ đến suất diễn Cải Lương – Trăm Năm Nguồn Cội vào lúc 20 giờ lại thôi. 

Vào rạp cần lịch sự. Một trong những biểu hiện đó là mang giày, ít nhất cũng là dép có quai (sandal). Tôi học được ứng xử này từ khoảng thời gian bắt đầu đi xem kịch thường xuyên (tháng 8.2017). Dù đã ghi nhớ nhưng hôm nay cũng đã phải dừng lại đắn đo vài phút. Mấy hôm nay trời mưa liên tục. Mang giày thật sự rất bất tiện. Vừa ướt, vướng víu lại vừa có thể bốc mùi. Nhất là khi vào rạp, ngồi gần nhau, chắc chắn sẽ là tai nạn cho người khác. Từng trải qua cảm giác ná thở kinh hoàng trong rạp nên tôi thấu triệt điều này. Tuy nhiên, một khán giả vào rạp cũng cần phải thể hiện sự tôn trọng những người trên sàn diễn, tôn trọng những người xung quanh và tôn trọng chính mình. Cuối cùng tôi ra quyết định ra phải tra giày vào chân. 

Vì tôi sẽ đến rạp từ một buổi chiếu phim gần đó nên không thể kịp quay về nhà tắm táp. Bấy lâu nay chỉ dùng xà bông cục. Chẳng hiểu cơ thể có bốc mùi sau 6 tiếng đồng hồ (từ 14 đến 20 giờ) hay không. Thế nên tôi có thêm một động thái nữa trong bộ ứng xử vào rạp của mình. Đó là dặn người bạn đi cùng mang giúp tôi một bộ áo mới giặt để có gì sẽ kịp thay trước giờ vào rạp.

Khoảng 17 giờ 30 chiều, khi rời khỏi buổi chiếu phim, tôi nhắn hỏi người bạn đi cùng đang mang giày hay mang dép tới rạp. “Dép”, bạn trả lời. Bạn từ miền Đông lên, cũng chẳng có đôi nào khác. Vậy là kế hoạch nhàn tản tới rạp không thành. Tôi đáp xe Mười Bốn quay lại Ngã Sáu để đón bạn ở đó. Hai đứa đi vào một cửa hiệu thời trang. Tôi mua cho bạn một đôi sandal màu xanh rồi từ đó cũng lại lên xe Mười Bốn để quay về khu trung tâm.

Dép dĩ nhiên cũng có loại dép thời trang, sành điệu. Nhưng tôi không biết mà cũng không phải người am hiểu thời trang. Chỉ thuận theo một nếp nghĩ có lẽ đã thuộc về truyền thống. Mang giày là biểu hiện của sự tôn trọng. Còn dép rất dễ gây ấn tượng xuề xòa, tùy tiện trong thị giác. Đó không hẳn là một sự cưỡng chế trong tư duy. Ai tự nguyện thì hành theo. Mà với tôi đó còn là tình yêu nữa. Khi yêu (nhất là thuở nồng nhiệt ban đầu) chúng ta có xu hướng dẹp bỏ bản ngã và chú ý giữ kẽ để không thất lễ với đối phương nhiều hơn. Không biết có thể kéo dài bao lâu mối tình này, cũng tự nhìn nhận bản thân không phải là một người chung thủy. Chỉ đoan chắc rằng tôi vẫn đang trong những ngày chú ý sát sao vào những gì xung quanh để trở thành một khán giả lương thiện và biết suy xét.

#Nhiên
7.7.2019