2.8.19

4 GỢI Ý CHO VIỆC ĐỌC | CLTNNC#23

Cải lương – Trăm năm nguồn cội, Cải lương, Trăm Năm Nguồn Cội, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, Góc 0, Góc Nghệ, Góc Không, Ý Mai, Nguyễn Đức Hiệp, Nguyễn Lê Tuyên, Cải lương, đờn ca tài tử, Hát bội, Góc Đọc Cải Lương Trăm Năm, Cải lương trăm năm

Hôm nay là 1 ngày đặc biệt. Ngày đầu tiên của tháng, tức ngày 1. Đặc biệt là trên cũng 1 mà dưới cũng 1, cả lịch Dương lẫn lịch Âm đều bắt đầu đồng thời.

Dự định của tôi là mang thêm 2 quyển đến Cửa Tiệm Ý Mai để bổ sung cho góc đọc Cải Lương Trăm Năm, 1 quyển về Tả Quân, 1 quyển của thầy Khê. Tưởng rằng đi về trong chớp nhá. Không ngờ cơn mưa ban trưa đã kiềm giữ tôi lâu, rất lâu so với dự liệu. Có lẽ cũng là ý trời! 2 quyển sách mới vừa chạm tay, chưa kịp đọc trang nào, muốn nhường phần đọc cho một người lạ ơi nào đó. Nhường có lẽ là một thiện tâm. Nhưng theo kèm là một bi kịch: giới thiệu sách nhưng chưa từng đọc. Vậy là mưa trời đã giúp tôi.

Nán lại lâu hơn thế nên như lời ca rơi ra từ môi ai bất chợt, “không hẹn mà đến … những giọt mưa … hẹn hò gặp nhau trước sân nhà”, tôi đã gặp được một bạn đọc, đến cùng cơn mưa, tên An Nhiên. 

Bạn hỏi nên đọc quyển nào trước nhất trên kệ sách Cải Lương Trăm Năm. Thứ nữa là “có thể mượn về được không?”

Gợi ý thứ nhất. 

Nên đọc quyển “Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương” (Nguyễn Lê Tuyên / Nguyễn Đức Hiệp). Bìa vàng, in chìm họa tiết hoa. Có thêm thời gian thì đọc quyển bìa đen có tựa tương tự. Đây như là bản nâng cấp với nhiều hình ảnh và ghi chép cụ thể hơn. Ảnh chụp của 2 quyển này tôi đặt ở đầu bài viết này.

Nếu việc đọc quá khó hay tạo ra sự rối rắm (tôi đoán là vì sách hơi nhiều số liệu) thì có thể buông và đọc bất kỳ quyển nào khác tại góc đọc mà mình cảm thấy thích. Tuy nhiên, sau đó có thể quay trở lại quyển mà tôi đã gợi ý. Nếu vẫn thấy khó thì có thể vẽ bản đồ tư duy. Lấy một tờ giấy trắng, tóm lược các sự kiện, con số quan trọng trong dòng chảy trăm năm của cải lương. Sách đã thay phần đó. Việc của người đọc chỉ là tìm màu sắc, đường nét, họa tiết hay một lối vẽ giản lược tương ứng với nội dung. Thực hiện bước này có khi sẽ khiến cho việc đọc sinh động thêm.

Gợi ý thứ hai.

Nên đi xem chương trình “Cải lương – Trăm năm nguồn cội”. Từ sách đến một một chương trình trực tiếp tựa như từ chữ tĩnh đến hình động. Đó là cách hữu hiệu để mở ra cánh cửa hiểu biết về văn hóa – nghệ thuật ở phương Nam. Nếu chỉ có gợi ý thứ nhất thì sự cảm thụ về cải lương tựa như một cánh chim. Dang dở và không thể có chiếc cánh còn lại để tạo ra đường bay cho tâm hồn. 

Hẳn nhiên đây là chương trình có bán vé. Với những người chưa từng dự phần vào một sinh hoạt cộng đồng dạng này, giá vé có thể gây bỡ ngỡ hoặc một cơn sốc trong chốc lát. Nhưng nếu đã thực sự trải qua, người xem sẽ hiểu vì sao lại có một mức giá như vậy. Hơn nữa, đây là chương trình hướng tới học sinh – sinh viên. Vậy nên nếu thực là mùa xuân ấy, giá vé có mức ưu đãi sâu. 

Gợi ý thứ hai chỉ nên theo sau khi đã thực hiện gợi ý thứ nhất. Suất diễn sẽ sáng đèn vào ngày 9, 10, 11.8. Nghĩa là cách giữa 2 gợi ý là khoảng một tuần lễ. Dẫu vậy, vẫn sẽ có các suất diễn vào tháng sau đó. Thời gian đọc như vậy sẽ dài thêm. Tuy nhiên, góc đọc cũng có thể sẽ đóng khép ngay sau ngày 10.8 tới đây. Đóng khép hay mở thêm tùy thuộc vào tình hình thực tế của góc đọc.

Về câu hỏi có mượn về được không?

Câu trả lời dứt khoát là không. Đây là góc đọc sách, không phải góc mượn sách. Hai khái niệm và cách thức tổ chức hoàn toàn khác nhau. Đây cũng không phải là góc trưng bày sách. Sách không được lồng kính hay có ghi chú “không được chạm vào hiện vật”. Đây là góc đọc với ước muốn có hơi ấm một bàn tay và nhiều bàn tay. Định nghĩa “đời sống của một quyển sách chỉ có thật, chỉ thực sống khi có hơi ấm một bàn tay” ứng đúng với nơi này. 

Gợi ý thứ ba: Hãy đọc tại chỗ! 

Các quyển sách có chung một chủ đề được thâu gom về một mối. Những người đọc sách cũng có một nơi hẹn để chung lối về. Không tán mà tụ lại. Khác nào thâu gom sức tập trung, sự chú ý chỉ vào đúng một đối tượng. Ý thức trong một thời nếu thu vào một đối tượng thì ý thức ấy sáng tỏ. Ý thức của nhiều cá nhân cũng vậy thì “cải lương trăm năm” không còn là một từ khóa mà là một thực thể đang sống, đang rung động và lấp lánh. 

Xếp một khung thời gian, bỏ chút ít thời giờ, “không hẹn mà đến” và canh chừng kỹ lưỡng những cảm giác khi tiếp xúc với những trang sách. Nếu đây là lần đầu tiếp cận với dòng sách cải lương hay cổ nhạc thì tất cả các cảm giác đều là cảm giác ban đầu. Khó chịu, bất tiện, chán nản, khó hiểu hay không ấn tượng… dù là một cảm giác nào đó có thể gọi tên hay không thể gọi tên thì tất cả cũng là thuở ban đầu. Đừng vội vàng quy chụp! Đừng nhanh chóng kết luận! Đừng bỏ dở! Hãy canh chừng tất cả những biến chuyển bề trong! Đừng nói, đừng thốt ra một lời nào có ý hướng đi tìm sự đồng thuận! Hãy canh chừng, hãy gìn giữ và đừng để bất kỳ hành vi nào phá hủy những gì nguyên sơ ấy!

Gợi ý cuối: Trân trọng cảm giác thuở ban đầu và kiên nhẫn.

Dù tích cực hay không mấy triển vọng cũng hay trân trọng, vì đó chính là mình, là của mình. Mình là những gì mình nghĩ! Trân trọng và kiên nhẫn! Phần thưởng sẽ đến với những ai luôn nuôi lòng trân trọng và kiên nhẫn! 

Chúng đến bất ngờ, không hẹn trước, không chờ trông.

#Nhiên
1.8.2019