(hay là Con đường của một khán giả)
Hôm nay khi thử kiểm kê số bài đăng liên quan đến chủ đề Cải Lương – Trăm Năm Nguồn Cội, tôi quyết định phân thành 2 khối nội dung. Diễn tiến này đã được cập nhật tại trang Mục Lục.
Với động thái này, việc viết một bài có tính chất như một “lời nói đầu” có lẽ đã chín mùi. Vậy nên tôi biên những dòng dưới đây và nghĩ tới đối tượng đọc là những ai lần đầu tìm đến không gian nhật ký trực tuyến này. Lần đầu tìm đến, vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra và chủ đích của những bài viết này là để làm gì.
Tôi tên Nhiên. Đó là thông tin duy nhất về bản thân mà tôi cung cấp. Thật tâm tôi cũng muốn xóa luôn cái tên ấy. Tôi không mong ánh sáng tập trung vào tôi, đời tư tôi hay những hoạt động thường nhật. Tôi cũng không có ý xây đắp sức nhận diện cho cái tên Nhiên. Tuy vậy, cần có một danh xưng để chịu trách nhiệm cho những câu chữ. Vậy là dấu # và mấy ký tự N h i ê n cần phải xuất hiện ở cuối mỗi bài.
Tôi chỉ là một khán giả như bao người, một khán giả bình thường, đơn độc. Theo thói quen, cứ sau một lần thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật, nếu quả là thân tâm tôi tràn chứa một dư vị, dư âm nào đó, chắc chắn tôi sẽ viết lại thành hàng. Nếu là nhiều bài, tôi thâu gom thành một chủ đề. Đó là cớ sự cho sự xuất hiện của khoảng 20 bài viết (và có lẽ sẽ còn nhiều hơn) theo sau phần Lời Nói Đầu này trong trang Mục Lục.
Tôi nhớ có ai đó đã nói sân khấu cũng là đạo giáo. Nói gọn là “đạo hát”. Đó là tâm tưởng của những người nghệ sĩ. Còn tôi, một người đến xem, đến nghe, đến thưởng thức tôi cũng có đạo của riêng tôi. Đạo của một người khán giả có lẽ sẽ gọi là “đạo coi hát”. Hay nói theo thời nay là bộ quy tắc ứng xử của một người khán giả.
Sau từng đêm xếp đặt tấm vé vào trong ngăn kéo, tôi cũng dần đúc kết cho riêng mình những nguyên tắc và kế hoạch tự nâng cấp để sự ứng xử sao cho hợp chuẩn và sức cảm thụ càng về sau càng tốt hơn lên. Con đường của tôi như vậy không phải là đường đến rạp mà là một lộ trình để do thám nội tâm, tìm cách hướng thượng nội tâm. Ở đây như vậy gồm có văn hóa ứng xử khi dấn thân vào một không gian nghệ thuật công cộng và khối tri thức lẫn đường hướng tư duy để có thể thấu đạt chân giá trị của một tác phẩm sân khấu.
Đạo đó hay con đường đó, tất nhiên, cần sự nhẫn nại, phải trả giá bằng thời gian, tiền bạc và sự suy xét liên tục không đứt quãng.
Để làm gì? Để trở thành một khán giả đúng nghĩa hai tiếng “khán giả”, một khán giả trước là biết ứng xử khi vào rạp, sau là biết thưởng thức, biết phê bình. Cái trước không làm được thì tôi hóa ra phường vô văn hóa. Cái sau không thực hiện thì tôi dễ trở thành nô lệ nghe nhìn. Mà đã là nô lệ thì tôi không thể nào cải đổi được tiến trình độc tài hóa, lũng đoạn hóa đang diễn ra trong địa hạt văn nghệ. Từng cá nhân dẫu nhỏ bé nhưng vô tư trở thành nô lệ nghe nhìn, mặc tình để cho giác quan của mình bị thao túng thì văn nghệ trở thành chốn vũ trường ngập tràn ma túy tổng hợp, chỉ có mê mờ không có thức tỉnh, chỉ có ảo giác không có chân hình.
Phía trước là thiên lý đường xa nhưng vì đã dự liệu, đã ý thức và nhất là không quên ghi chép tự phản, tôi tin rằng mình đang nhích lên vài cách khoảng trong hôm nay so với hôm qua.
#Nhiên
3.8.2019