19.8.18

Mộng lang | SL#5

Song Lang, Leon Le, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Nghệ
Đêm 16, tôi tìm một chỗ ngồi để tách khỏi đám đông và chờ đến giờ chiếu. Xa xa một bóng dáng ngang qua, tiến về phía thang máy. Tôi nhận ra ngay. Ninh Dương Lan Ngọc. Tiếc là mãi đến khoảng giữa 2017 tôi mới nuôi thói quen đến rạp thường xuyên. Cho nên không có cơ may được thưởng thức một bộ phim có diễn viên này thể hiện. Theo tôi được biết, tác phẩm nhận được nhiều phản hồi tốt từ giới phê bình. Phim Cánh Đồng Bất Tận.

Đến sau buổi chiếu, tôi ngồi lại thật lâu cũng vì muốn tránh đám đông dồn chứa ở lối ra vào. Một lý do quan trọng khác là dư âm của Song Lang vẫn còn đang tan thấm. Tôi muốn ngồi cùng với tất cả những cảm xúc của mình. Quý lắm, những giao thoa tinh khôi đầu tiên!

Lúc này, bóng dáng của Lan Ngọc từ hàng ghế sau băng qua hàng ghế của tôi. Tôi lại được dịp nhìn từ phía sau diễn viên này một lần nữa. Trong những ngày tháng 8, có lẽ khởi đầu từ tháng 3, có một dạng chấn thương tâm lý biểu hiện nơi tôi và bắt đầu trở nên giống như một thứ bệnh dịch. Đó là nhìn ai tôi cũng nhanh chóng liên kết họ với một mẫu nhân vật nào đó trong truyện cổ. Muôn người thì ứng với ngàn tính cách nhưng nếu quy về nguyên bản thì con số sẽ tóm gọn lại. Không thể nào quá 10 mẫu. Và hễ ai đó xuất hiện nhiều lần trước mắt, tư duy tôi lại tiến hành công việc sao chụp, phân tách, xếp loại. Và tôi đã có một kết quả với khuôn mặt khả ái này. Bạn là ai, là mẫu kiểu nào trong một câu chuyện. Hay đúng ra là có một nguyên ảnh cực kỳ gần gũi với bạn trong trực giác của tôi.

Theo quy luật vận hành của nội tâm, nếu nhớ nghĩ điều gì thường xuyên trong ngày, đêm đến, đối tượng nhớ nghĩ đó rất dễ xuất hiện trong giấc mơ. Tôi là người thường xuyên mơ và sau đó cũng thường xuyên lấy công việc giải mộng làm niềm vui. Với tình trạng tâm thức của tôi trong đêm 16 sẽ là logic nếu trong giấc mơ tôi nhìn thấy Lan Ngọc hay một diễn biến nào đó liên quan đến Song Lang. Nhưng không, trái với dự đoán (và thường xuyên là như vậy, không thể đoán trước một giấc mơ), tôi mơ thấy một con người khác. Thật sự vô cùng kinh ngạc! Tuy nhiên, trước khi gặp nhân vật này, tôi trải qua rất nhiều xê dịch. Đến khi tỉnh dậy, hầu như tôi không kịp lưu trữ điều gì. Tôi chỉ đoan chắc một điều là phần đầu, phần giữa của giấc mơ, tôi đã du hành qua rất nhiều chốn nơi, gặp gỡ bao nhiêu bạn hữu. Tất cả mờ xóa ngay lập tức khi ý thức phục hồi. May là, phần cuối của giấc mơ, tôi lại kịp thời lưu trữ. Có lẽ vì nó quá ấn tượng. Tôi đã gặp ai? Tôi gặp Hữu Châu. 

Tại sao lại có cuộc gặp gỡ này? Câu hỏi đó đã theo tôi đến mãi hôm sau. Rồi đến khi ngồi xem những hàng chữ cuối cùng bay lên ở rạp, trong lần thứ 2 theo dõi Song Lang, tôi bắt gặp thêm một lần nữa cái tên ấy. Hữu Châu. Và dĩ nhiên là kèm theo mấy chữ NSUT trước đó. Diễn viên này được khắc tên vì đóng vai trò cố vấn nội dung cho bộ phim Song Lang.

Lần thứ nhất xem Song Lang. Trong đêm có một cơn mộng mị. Lần thứ hai xem Song Lang, bắt gặp một hàng chữ như nhắc nhớ. Hai dữ kiện giúp tôi mạnh dạn và tự tin với luận điểm giải mộng của mình.

Tại sao xem Song Lang tối về lại mơ thấy anh Hữu Châu?

Sau hơn một ngày suy xét, ký ức tôi trực hiện với lần mình đến sân khấu Idecaf. Cách đây chưa tới một năm. Đó là vở “Dạ Cổ Hoài Lang”. Thành thật mà nói, dù hơi buồn vì sự nghèo nàn trải nghiệm thực tế với kịch nghệ của mình, lần đó cũng là lần đầu tiên tôi chứng kiến trực tiếp anh Hữu Châu trong một bản kịch đầy đủ. Tuổi thơ tôi chỉ biết anh qua truyền hình hoặc các đĩa nhựa Ngày Xửa Ngày Xưa. 

Không có gì ngạc nhiên khi diễn xuất của anh lôi cuốn tôi tận thấu. Vở kịch này chỉ có 4 diễn viên và đất diễn thật sự là dành trao 2 nhân vật do anh và NSUT Thành Lộc thể hiện. Hẳn nhiên ở vai kia, ông Tư giống như là một đỉnh cao chót vót. Tôi không có gì để bàn luận thêm nữa. Khi tôi xem vở này, tôi chú tâm nhiều hơn vào vai của ông Năm. Đôi khi chỉ một tiếng nấc thôi, chỉ một lần thở ra thôi đã khiến tôi rùng mình. Đêm đó, ảnh hình, tiếng nói của hai người đàn ông đã thực dậm sâu trong tôi một tình yêu được mang tên gọi “sân khấu”. Và tôi tin rằng, “Song Lang” đó, một dạng “Song Lang” chưa được gọi bằng cái tên “Song Lang” đã in dấu trong vô thức của tôi. Ấn vết đó đã âm thầm ngủ yên trong tầng sâu tâm thức. Ấn vết chỉ chờ một nhân duyên thuận đường nào đó để tượng hình, biểu hiện thành một dạng độc ảnh như là giấc mơ. Giấc mơ có khi được thay bằng một cụm từ gọi là “độc ảnh cảnh”. Nghĩa là, trong mơ, người ta chỉ thấy hình, duy chỉ có hình ảnh. Nhưng kỳ lạ là tôi lại nhớ rõ là trong cơn mộng đêm 16, tôi có nói mấy lời với anh Hữu Châu. Tức là có âm thanh, có cả thoại. 

“Anh Châu, đã nhiều lần em định nhắn tin cho anh. Nhưng lại ngại. Tính em vốn không biết cách giao tiếp. Tin nhắn rất ít khi nhắn. Điện thoại thì em cũng ít dùng. Tự nhiên gọi cho anh thì… cũng không được. Hơn nữa em không có số. Cuối cùng thì hôm nay em cũng gặp được anh rồi. Em rất vui. Chỉ là muốn chào anh một tiếng thôi ạ.”

Như thế đó, gặp gỡ một nghệ sĩ mình yêu thích với tôi là vậy. Không có nhu cầu chụp ảnh. Cũng không biết tặng gì cho phù hợp. Chỉ là đến trước mặt và gửi vài lời thăm hỏi. Chỉ vậy thôi!

Trên đây là nội dung giấc mơ và sự giải mộng của tôi. Còn giờ đây, giả sử được gặp anh ngoài đời trong một cuộc tâm sự riêng tư, tôi rất mong được anh chia sẻ vài điều về Song Lang, về một số thắc mắc của tôi đến bộ phim này.

Có 2 thắc mắc.

1. Cơ cấu nhân sự của một đoàn cải lương trong thập niên 80 của thế kỷ trước?

2. Khó khăn lớn nhất mà một nghệ sĩ cải lương đã gặp phải về mặt vật chất và tinh thần trong giai đoạn chuyển tiếp trước và sau 1975? 

Câu thứ 2 nếu cần diễn cho rõ ý thì tôi muốn hỏi là nếu một nghệ sĩ cải lương đã thành danh hoặc ít nhất là đã ra nghề và vô tình họ hoạt động đúng vào thời điểm có một sự biến động về chính trị - xã hội (cột mốc 1975) thì họ đã gặp phải khó khăn nào? Nếu quá nhiều thì có thể chọn ra khó khăn lớn nhất, nặng nhất. Câu trả lời có thể đặt trên phương diện vật chất hoặc tinh thần hoặc cả hai.

Tại sao tôi lại có 2 thắc mắc này?

Trước tiên là với câu thứ nhất. Ở Song Lang, hiện hữu một đoàn cải lương mang tên Thiên Lý. Niên đại được xác định là thập niên những năm 1980. Khi xem phim, tôi thấy hình ảnh của bầu gánh là một người nữ, được gọi gọn là “bà bầu”. Mô thức vận hành của đoàn hát trông giống như một gia đình. Họ không hoạt động cố định ở Sài Gòn mà là đang trong một chuyến lưu diễn. Tương tự như một gánh hát rong, rày đây mai đó. Rạp mà họ thuê không hiểu do ai quản lý. Tất cả những ghi nhận này khiến cho tôi suy luận đến hình ảnh của một gánh hát ở một khoảng thời gian trước đó trong khoảng từ 1954-1975, thậm chí xa hơn nữa. 

Tôi chuyển về Sài Gòn từ năm 1990. Tôi không có nhiều kiến thức với bộ môn này. Cũng không quen biết ai trong giới. Chưa hề đến rạp. Tôi có yêu cải lương không? Tôi chỉ có cảm tình thôi. Nếu yêu thì chưa thật là yêu. Tôi còn nhớ thập niên 2000, khi mà dạng trang nhật ký chia sẻ nhạc có đuôi .multiply (hình như là cái tên này) vẫn còn thì tôi cũng ưa vào các trang đó để lấy về các bản nhạc. Trong số đó có những bài của danh ca Út Trà Ôn. Tôi rất thích và cũng tập hát theo. Tập mãi mà hát không giống được. Rồi thôi. Tôi dừng lại ở đó. Cảm tình vừa mới nhen nhóm đã tắt lịm. Tôi không muốn đào sâu vào chủ đề này. Vì càng đề cập thì tôi thấy cách dùng từ ngữ của mình càng loạn đảo. Cải lương, ca ra bộ, hát bội, đờn ca tài tử… Tôi sử dụng lộn xộn. Những khái niệm cơ bản như vậy tôi còn chưa hiểu được thì càng đề cập tôi càng lộ rõ chân tướng của mình. 

Vì vốn liếng nghèo nàn như trên cho nên khi xem Song Lang, một bộ phim mà thân phận của các nhân vật xoay quanh một đoàn hát, trong tôi có rất nhiều hồ nghi. Thứ nhất như đã viết ở trên, một gánh hát và những con người trong bộ máy vận hành trong những năm 80 đó có ăn khớp với thực tế hay không?

Song Lang ngay từ những giây phút đầu tiên đã thực sự hớp hồn tôi. Khi Linh Phụng bước ra xá bàn thờ tổ, một cảm giác linh thiêng lan tràn. Đạo diễn thật sự đã hoàn thành một cách xuất sắc công việc tái hiện không khí của một biểu diễn, những gì ở hậu đài, những gì ở hàng ghế. Nhất là phần âm nhạc. Tôi thật sự quên mình và như sống trong bầu khí quyển náo nức, hân hoan của một người sắp sửa bước vào một thánh đường của nghệ thuật biểu diễn đờn ca. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu mình khen gợi và tán thưởng chuyện này thì có lẽ là không cần thiết. Vì lẽ một bộ phim có liên quan đến cải lương thì việc trình hiện diện mục của một rạp hát, một sân khấu thì điều đó là yêu cầu căn bản. Cho nên, ngay sau cảm giác thán phục những bàn tay đã sắp đặt nên khung hình, bắt lấy ánh sáng và tạo ra thanh âm, tôi lùi lại một chút và chìm ngập trong đắn đo riêng tư.

Sáng nay, ngày 19, tôi có đọc lại một quyển sách về cải lương Nam Bộ. Dù chỉ đọc lướt qua nhưng tôi không nghĩ đây là một quyển sách hay. May mắn là nó có mấy dòng thông tin quan trọng về thời điểm 1975 – 1980. Có một chức danh làm tôi chú ý. Đó là “trưởng đoàn”. Đây là người được Sở Văn Hóa Thông Tin biên chế để quản lý một đoàn hát cải lương. Ở Song Lang, người đứng đầu là bầu gánh. Vậy thì “bầu gánh” đó có phải là “trưởng đoàn” hay không? Ở tuyến thời gian của Song Lang, đoàn hát này, cách thức tổ chức này, tính chất hoạt động này có ăn khớp không với khung thời gian của lịch sử?

Kế đó là câu thứ hai, vì sao tôi lại dời thời gian quay lại 10 năm so với mốc 80 của Song Lang. Tại vì Song Lang có rất nhiều các đoạn hồi tưởng của nhân vật chính, người Anh Hùng mang tên Dũng. Theo đúng tính chất của một câu chuyện, người Anh Hùng không tìm thấy hạnh phúc nơi thế giới hiện tại. Anh ta sẽ bắt gặp một ánh chớp, một điềm lành, một viễn tượng về một thế giới khác, tươi đẹp, rực rỡ hơn muôn phần thế giới của anh. Và anh sẽ lên đường, từ bên này sang bên kia, từ bề thấp lên bậc cao. Các đoạn hồi tưởng ở đây theo cạn nghĩ của tôi là nhằm giải thích, là một dẫn chứng các lý do cho sự bất ổn của nhân vật Anh Hùng. Vì đã có một chấn thương nào đó, vì đã có một thất chí nào đó cho nên mới rơi vào tình trạng bây giờ và đó cũng là động lực thúc đẩy cho cuộc lữ trong những ngày sắp tới.

Dũng có cha, có mẹ. Cả hai đều gắn liền cuộc đời mình với cải lương. Chồng đàn. Vợ hát. Tưởng như là một phối ngẫu hoàn hảo. Nhưng ẩn sâu là rạn nứt, một mối mâu thuẫn không thể giảng hòa. Và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến bi kịch của cuộc đời Dũng. Khi xem phim, tôi có thể hiểu như vậy. Một đứa trẻ không hưởng được hạnh phúc có cha, có mẹ, không hưởng được sự giáo dục và tình thương xuyên suốt. Nhưng đó mới là cái hiểu dựa trên suy luận của tôi. Tôi cần bằng cớ bằng hình ảnh, bằng lời thoại. Thế mà, những gì tôi cần đó lại lướt qua quá nhanh. Tôi chưa kịp ghi nhận gì. Tôi chỉ nghe mẹ Dũng trong một lần đối thoại có nhắc đến “tuồng xã hội”, “phê và tự phê”. Rồi người bạn của mẹ lại có một câu mà theo tôi nhớ là “hội đồng kiểm duyệt” hay là một nhóm người nào đó. Mẫu đối thoại ấy lướt qua rất nhanh trong chuỗi hồi ức của người con trai. Tôi nghĩ với một người hầu như không biết gì về cải lương, không thực sống trong giai đoạn ấy, chừng ấy dữ kiện là không đủ để tôi cảm thấu vết thương lòng của Dũng, những trầm uất dày vò trong con người này.

Tôi ước như trong thời lượng khá nhiều cho các đoạn hồi ức, nguyên do tạo nên nỗi đau và sự phân ly giữa cha mẹ được khai thác kỹ lưỡng hơn thì tình yêu, sự cảm thương của tôi dành cho Dũng sẽ còn tăng lên gấp nhiều lần, chứ không ở một trạng thái lưng chừng và bấp bênh như lúc này. Tôi yêu Dũng và tình yêu đó thiên về lý trí nhiều hơn, thiên về sự tự thuyết phục của bản thân mình nhiều hơn. Tình yêu như vậy sẽ không bền chắc. Trong khi tôi rất mong mình sẽ yêu nhân vật này thật lâu, thật dài. Tôi muốn nhìn thấy một cách sắc nét bi kịch của gia đình này và cũng là một sự phóng chiếu cho tình trạng thân tâm của cộng đồng những con người đang hoạt động trong bộ môn cải lương ở ngay thời điểm ấy.

Trên đây là 2 câu hỏi và cả nguyên do cho 2 câu hỏi tôi muốn dành cho Mộng Lang của mình. Dĩ nhiên tôi sẵn sàng lắng nghe bất kỳ lời giải từ bất kỳ một ai có thiện tâm muốn giúp đỡ tôi. Tuy vậy, vô thức đã đem tới cho tôi một dấu hiệu. Và tôi tin vào sự giải mộng của mình. Tôi cần anh đọc và nếu được hãy cho tôi biết thêm những gì anh đã chứng tri từ chính những ngày này năm ấy.

#Nhiên