17.8.18

Chưa là… | SL#3

Song Lang, Cảm nhận Song Lang, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Nghệ
Tôi yêu Song Lang. Ngồi nhẩm lại đến đêm qua là 14 ngày thiếu 1. 30 trạm dừng tuần tự lướt qua rồi cũng đến lúc cầm được chiếc vé.

Tôi yêu, một tình cảm khởi đi từ lý trí. Vì lẽ… sự có mặt của Song Lang, đề tài này, cách kể này mở ra tính đa dạng cho sinh thái điện ảnh. Tôi mong. Thành công. Hay ít nhất phim cũng có một thế đứng trước sự xâm thực của những nguồn phim khác.

Và tôi đã thấy. Tình yêu. Một thứ tình ở trong tình. Phụng và Dũng. Hai cái tên. Âm sắc khác nhau. Một bên thanh, có lúc nũng nịu. Hướng lên. Một bên trầm, có lúc lạnh lẽo. Hướng xuống. Người đang ở ngôi cao. Kẻ nằm nơi đáy vực. Hai tâm hồn dường trái ngược lại có chung một nhịp thổn thức với lời ca tiếng hát, với tình tự quê hương. Họ đã tìm thấy nhau trong yêu đương đờn ca tài tử. Những cái riêng, tương phản bề ngoài dần mờ đi bởi cái chung quyết định ẩn sâu trong lòng.

Và tôi chờ, lắng sâu tâm tư để chờ. Tôi chờ tình chung tuổi ấu thơ sẽ vun bồi tình riêng độ niên tráng ra sao. Tôi chờ đổi thay, tôi chờ hoán cải từ hai thế giới. Nhưng. Tôi thấy nhanh. Nhanh quá! Chỉ trong một đêm. Tối trời. Ngôn ngữ điện ảnh không biết cài cắm ở đâu để rồi hóa thành một đêm có quá ít lời ngầm. Diễn ngôn, tiếc thay, lại xuất hiện ở một phân cảnh vô cùng quan trọng trong vòng cung phát triển của một mối tình.

Tôi xâu chuỗi lại trật tự tuyến tính. Gã giang hồ du đãng. Anh kép hát tài hoa. Trong một lần đòi nợ, gã và anh tương phùng. Tình yêu đờn ca được đánh thức. Đó cũng là bước ngoặt đổi thay mãi mãi hai con người. Câu hỏi được đặt ra. Cái gì đổi thay ở đây? Và sự đổi thay ấy biểu đạt như thế nào?

Tôi cần nhiều diễn biến. Một chút thôi! Thay vì chỉ bên dưới một vừng trăng sáng. Tôi cần nhiều hóa hiện. Một chút thôi! Một chút tánh nữ, một chút mất mát thêm nữa từ Phụng. Một chút thôi! Một chút tánh nam, một chút phản loạn nhiều hơn từ Dũng. Điều kỳ diệu của tình yêu chính là sự thúc đẩy, ép dồn đôi lứa dấn thân. Họ bước vào lãnh địa ở phía bên kia. Phụng sẽ hướng hạ như thế nào? Và Dũng, Dũng sẽ hướng thượng ra sao? Trong hai chiều dời lấp ấy, họ sẽ tái sinh ở thể thức nào? Hình hài? Tâm thức? Hay toàn thẩy.

Tôi ngồi cùng với tất cả những câu hỏi ấy. Và tuyến phụ. Bao nhiêu nhân vật nơi phương trên của Phụng, ở bề dưới của Dũng. Họ đã làm gì để đưa Phụng xuống, sát đời hơn? Họ đã có những hành động gì để bẩy Dũng lên, gần kề với thiên đường, thứ ánh sáng mà định mệnh anh thuộc về? Tôi ngồi cùng với những vấn nghi. Trong khi… phim đã hạ màn… từ bao giờ.

Cái kết đã đến, từ lâu, đột ngột. Đó là một cái kết ấn tượng, dày công đắp đổi bởi sáng tạo và tinh tế. Giống như một đài hoa đang bung chiếc cánh cuối cùng. Tưởng như sau lần e ấp này, nụ sẽ hé và hương sẽ lan xa. Nhưng thời khắc ấy không đến. Phải chăng cái đẹp viên mãn, hương thơm vĩnh viễn nằm trong đó, trong cái day dứt khôn nguôi, trong cái sẽ là, chưa là?

Bức tượng nam nhân đã được tạc đúc khéo léo. Thanh sắc nữ nhân đã hiển bày kỳ công. Tôi chờ nhiều phép lạ từ hai thái cực. Để tình yêu lý trí có thêm những nồng nàn và mãnh liệt của con tim. Nhưng đổi lại là một thoáng ngẩn ngơ kéo dài… kéo dài… trôi dạt trong khơi chừng. 

Tôi ngồi đó mà vẫn chưa tin rằng Song Lang đã kết thúc. Chưa bao giờ là đoạn kết. Không thể nào! Vì lẽ kết thúc vẫn còn đang tiếp diễn, vẫn còn đang là, sẽ là, vẫn còn quay quất trong tôi.

Một ý nghĩ chợt đến, đánh thức tôi khỏi những bủa vây của ngóng trông và kỳ vọng, “Đây mới là lần đầu tiên!”. Đúng thế thật! Lần đầu tiên. Luôn là thế. Bỡ ngỡ. Khẽ khàng. Sai lệch. Bất toàn luôn song hành với “đầu tiên”. Có lẽ tôi đã đòi hỏi quá nhiều ở Song Lang rồi. Đòi hỏi ở phương diện kịch bản, cách tạo ra nhân vật, những nấc thang kịch tính và một vòng tuần hoàn của cảm xúc đong đầy.

Ở những khía cạnh khác, như phục trang, ngay trong thời khắc chứng kiến tôi đã có cảm tưởng. “Tiệm cận hoàn hảo”. Đó là chưa kể một thời lượng lớn trên khung hình được riêng dành để xưng tụng vẻ mỹ lệ và nguy nga của cải lương. Qua đó, tôi tin rằng lòng yêu văn hóa phương Nam của người đạo diễn là có thật, không sai khác với những lời phát biểu trước đó. Nhưng cải lương ở bộ phim này chỉ là duyên cớ, chỉ là sân khấu để trên đó một câu chuyện được kể. Đó là bài hát dành trao Tri Âm, là khúc ngợi ca một tình yêu chơn thiệt. Tự thân tình yêu đã là thông điệp. Tình yêu không cần phải lên tiếng. Tình yêu không cần phải bảo tồn giá trị nào cả. Vì trong tình yêu đã tiềm tàng mọi phẩm tính cao thượng và lành đẹp.

Nhưng tôi không chỉ muốn nói về tình yêu. Vì Song Lang thoạt nhìn cứ ngỡ là yêu. Nhưng chưa hẳn, chưa là. Không phải cải lương, không phải là yêu, vậy thì còn điều gì nữa? Còn điều gì trú ngụ nơi này?

Ánh sáng nằm ở nhịp bàn chân, nhịp Song Lang.
Ánh sáng lấp lánh trong bước chạy của gã chơi đàn kìm, con ông Tư Sáng.

#Nhiên