Hôm nay, có 1 nơi tại Saigon trình chiếu bộ phim Shoplifters. Đó không phải là một rạp chiếu bóng đúng quy chuẩn và tư cách pháp nhân. Hay nói dễ hiểu hơn, việc chiếu bộ phim này có được sự cho phép từ phía giữ bản quyền hay không vẫn là một dấu hỏi để ngỏ.
Nếu là khoảng nửa năm trước, có lẽ tôi đã xếp lịch để đến xem. Nhưng giờ thì mọi chuyện đã khác.
5 nguyên do
Thứ nhất, phim này tôi đã xem ở rạp quy chuẩn. Tôi tin rằng mình sẽ xem lại phim rất nhiều lần, nếu có cơ hội. Nhưng vẫn là xem tại rạp. Việc xem tại một không gian nhỏ hẹp, màn hình không đủ chuẩn thì với tôi là lựa chọn sau cuối.
Thứ hai, điểm chiếu phim cách quá xa. Tôi vẫn ưa dùng xe bus. Giờ chiếu là 8 giờ tối. Thời lượng phim luôn là trên dưới 2 giờ. Cộng thêm phần giao lưu nếu có thì sẽ còn dài hơn. Nghĩa là tôi không thể lên chuyển xe cuối cùng để về nhà (tầm 9 giờ).
Thứ ba, tôi không còn nhu cầu tìm hiểu về các điểm chiếu bên ngoài cụm rạp thương mại nữa. Khoảng 6 tháng tích cực có mặt, tích cực in dấu để giúp tôi có một cái nhìn tương đối toàn rộng. Tôi hiểu một buổi chiếu phim có tính chất cộng đồng nào là phù hợp hay không phù hợp với mình.
Thứ tư, như đã nói ở đầu bài, đó là tính hợp pháp. Hẳn nhiên chiếu cho cộng đồng và không thu phí thì vẫn có thể du di. Với tính chất trình chiếu để phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu, phân tích điện ảnh thì có thể tạm chấp nhận. Nhưng theo tôi ở điểm này cần có sự suy xét từ phía người tổ chức. Vì ngoài yếu tố luật pháp về quyền tác giả còn là sự phản tỉnh.
Vậy nên thứ năm, đó là sự tự vấn. Theo cạn nghĩ của tôi, phim được chọn nên là phim đã phát hành cách nay rất nhiều năm. Và càng xa càng tốt. Bản phim nên là bản trích xuất từ nguồn phát hành chính thức. Bản phụ đề (trường hợp phim nói tiếng nước ngoài) nên là bản dịch của chính đơn vị tổ chức. Và việc chiếu phim nên được thông báo đến đơn vị giữ bản quyền. Nếu người tổ chức nhìn thấy thêm một điều gì khác hợp lẽ đạo thì họ cũng có thể tiến hành.
Người cũng như phim
Tôi vẫn còn nhớ trong một buổi chiếu phim ở quận 4. Bạn đại diện cho phía tổ chức, trước khi chiếu phim, đã nói rõ trước đám đông về sự cho phép của đạo diễn. Bạn đã trực tiếp email xin phép, nói rõ tính chất của buổi chiếu. Người đạo diễn (ở nước ngoài) đã chấp thuận. Sự minh bạch này khiến tôi vô cùng ấn tượng. Nhất là so với toàn bộ phần còn lại.
Ở các lần xem trong khoảng 6 tháng, có những tổ chức chính danh và không chính danh, nhưng hiếm khi nếu không muốn nói là chẳng bao giờ tôi nhận được một thông báo minh bạch như thế. Thậm chí, có lần tôi còn thấy cả phần phụ đề được lấy từ nguồn trôi nổi trên mạng. Tức là lần xem đó là cùng nhau xem phim lậu, xem phim lậu tập thể và còn các thêm chương trình, sự kiện ghi rõ ngày tháng năm, quy mô, trình tự rõ ràng.
Tôi không muốn nhận xét về ai. Tôi cũng không bàn về khía cạnh luật pháp. Tôi chỉ nghĩ về mình, tự vấn mình và thấy rằng có những lầm lỗi nên bỏ qua, có những sai trái không nên tiếp tục và có những hành vi không thể hồn nhiên lập lại.
Đặc biệt là với một bộ phim mà cái tên đã gây nên một sự giao cảm. “Kẻ trộm siêu thị”. Dài hơn, “những kẻ trộm cắp ở siêu thị”. Dài hơn, “một gia đình chuyên trộm cắp ở siêu thị”. Dài hơn, “một gia đình không có quan hệ huyết thống nhưng gắn kết nhau bằng chuỗi ngày ăn cắp”. Đặt trường hợp như tôi thì sẽ là “một tên ăn cắp đi xem một bộ phim về ăn cắp”.
Vòng xoáy trộm-nghèo
Tôi vẫn tin rằng giữa trộm cắp và nghèo đói có liên hệ chặt chẽ với nhau. Cái này làm nên cái kia. Cái kia tác thành cái này. Nghèo đói ở đây không phải là cái cớ cho trộm cắp. Nghèo đói trong suy nghĩ của tôi là nghèo đói về tư duy. Có những mẫu tư duy được lập đi lập lại từ đời cha đến đời con và khuôn mẫu ấy tạo ra một chuỗi hành động dẫn đến tội ác.
Thừa hưởng thành quả lao động mà không lao động thì trước sau gì tai nạn cũng sẽ ập tới. Nhận thức được điều này, nhận thức được sự đói nghèo, hạn hẹp, thiếu sáng tỏ trong tư duy sẽ đưa tới hậu quả gì, kéo dài ra sao, khả năng khước từ trộm cắp sẽ tăng lên theo ngày tháng. Đến một độ chín mùi thì hành vi ăn cắp sẽ bốc hơi hoàn toàn. Không phải là do sự sợ hãi luật pháp. Không phải là do sự cầm tù, răn đe. Tất cả là do một chuỗi ngày tự vấn, liên tục tự vấn.
Nhưng làm sao để tạo ra phản ứng tự vấn? Làm sao để nuôi giữ thói quen tự vấn? Đó có phải là câu chuyện cá nhân? Hay là trách nhiệm của một nhóm người, một cộng đồng, một xã hội? Ai sẽ bẻ gãy vòng xoáy của trộm-nghèo? Tự ý thức hay ngoại lực? Người trong nhà? Hay là người ngoài gia đình?
Những câu hỏi này được khởi đi rõ nét từ bộ phim Shoplifters. Và tôi tin rằng đó không phải là chủ quan tự trào của tôi mà là sự đặt để gửi gắm của đạo diễn Hirokazu Kore-eda.
Khi 1 hành vi bất thiện xảy ra, tất cả đều dính líu. Có ít, có nhiều, có nặng, có nhẹ, có đậm, có nhạt. Nhưng tất cả đều giữ phần trách nhiệm. Khi đã thấy phần trách nhiệm, người ta sẽ tìm cách hành động để cải đối. Và phép màu xảy ra từ đó. Một lời nói, một hành động phù hợp đánh động sự tự vấn của người kia. Phép màu xảy ra và vòng quay của trộm-cắp-nghèo đói-tội-ác dừng lại.
#Nhiên
29.1.2019