23.1.19

Xem phim theo tình cảm và lý trí | Sansho#1

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, những buổi phân tích phim của đạo diễn Trần Anh Hùng, Trần Anh Hùng, phân tích phim, đạo diễn Trần Anh Hùng
Phim được chọn cho buổi Flashback Now 02 có tựa tiếng Anh là “Sansho the Bailiff”. Đây là phim từng được trình chiếu tại Việt Nam với tựa “Quan khâm sai Sansho” [1]
.

Trước giờ vào lớp, tôi có tiến hành bước cập nhật thông tin về bộ phim [2] và xem thử đoạn phim rút gọn [3].


Xem phim tình cảm

Đợt này tôi đến sát giờ nên chỉ có thể ngồi ở hàng cuối. Dù phòng chiếu đã chia thành 3 lớp người. Ngồi bệt, ngồi ghế thấp và ngồi ghế cao nhưng rất khó để nhìn được phụ đề. Tôi ngồi hẳn lên 1 chiếc bàn mà vẫn có lúc không thể đọc được phụ đề. Có lúc phải nhỏm hẳn dậy, ngồi lên gót chân. Dẫu vậy, trong suốt 124 phút chiều dài của phim, tư thế thường trực của tôi vẫn là ngồi bệt, chân trước xếp cạnh chân sau và lưng thẳng. Phim cũng không nói quá nhiều nên có những lúc tôi bỏ qua cả thoại và tập trung vào phần hình. 

Đây là phim đen trắng, lại là những hình ảnh Nhật Bản xa xưa. Màu đen trắng tự thân đã khiến lòng se sắt. Một khối tình thương cảm tự nhiên lay động. Có những lúc nhìn thấy núi đồi, dáng hình một ngôi chùa, một dinh cơ, tôi không khỏi ngẫm nghĩ về sự hiện hữu của nó. “Còn hay đã mất dấu thuở hôm nay?”, tôi tin là vẫn còn. Ít nhiều gì, tôi tin, người Nhật vẫn còn giữ được khối di sản thiên nhiên và vật thể này.

Không quá khó để tôi nhận ra xung lực của bộ phim! Đây là chuyện kể lấy đề tài “đi tìm” làm chủ đạo. Mẹ tìm con. Con tìm mẹ. Một dạng gia biến hết chia ly rồi đoàn tụ. Theo nhận định của tôi thì kế hoạch “tìm mẹ” của nhân vật được hiển bày hơi trễ. Nguyên do là tác phẩm còn áo thêm một lớp nghĩa về sự giải phóng con người. Tự sự cá nhân lồng ghép trong tự sự tập thể. Đó là đánh đổ những bất công trong chế độ xã hội đương thời.

Tôi cảm động với tự sự cá nhân. Có 1 khoảnh khắc chớm lệ vào cuối phim. Còn với tự sự tập thể thì tôi ráo hoảnh. Trong sự xem phim lần này, tôi thấy rõ một dạng thưởng thức theo thói quen của mình. Đó là lối xem phim tình cảm. Có một số cảm tình có sẵn. Ví như màu đen trắng. Ví như bối cảnh xưa. Ví như khung trời Nhật Bản. Ví như tình mẹ con. Đây là những dữ kiện đã lưu trữ sẵn trong tâm thức. Chỉ cần gợi khơi ít chút là bung tỏa ngay liền. 

Tựa như là đến một chốn xưa vì nơi đó có nhiều kỷ niệm. Chỉ vậy thôi! Không gian đó không khai trí, không giúp mình nâng cao một phẩm chất nào! Xem phim theo lối tình cảm này vì vậy không thể nào giúp tôi đi xa. 


Xem phim lý trí

Vì đã đọc kỹ bài giới thiệu từ nhóm tổ chức nên tôi đã lưu giữ thuật ngữ “cú máy dài”. Phim được thông báo cũng đã ảnh hưởng tới tư duy tạo hình của Trần Anh Hùng. Thế nên tâm lý của tôi có sự trông đợi. Trông đợi về “cú máy dài”, trông đợi xem có một nguyên ảnh nào từ đây để về sau làm nên một trường đoạn tuyệt tác trong Cyclo hay không?

Nhưng không! Tôi không thấy gì cả! Có một phân đoạn, nam chính đi từ đồi cao, xuống thung lũng. Tôi cứ đinh ninh, “Sắp rồi đây!”. Nhưng rốt cuộc là không có. Toàn thể bộ phim thật sự không để lại cho tôi một ấn tượng thị giác sửng sốt nào. 

Khi phim chấm dứt, tôi vội gạch một đường thẳng để điểm lại 5 cột mốc chính trong hành trình của nhân vật. Tôi chép xuống vài vật dẫn và hóa thân của chúng mà đạo diễn đã sử dụng. Dù là mới phác thảo nhưng tôi nghĩ cấu trúc của phim khá chặt chẽ. Tôi chưa vội xác định mẫu tượng mà lần theo các vật dẫn để tìm hiểu phong vị của bộ phim. Đi theo hướng này thì tôi cạn nghĩ phim có dụng ý miêu tả tinh thần Phật giáo, miêu tả ở phương diện hành động hay là Phật giáo dấn thân. Chỉ là miêu tả, minh họa chứ chưa đạt đến độ thiện xảo.

Có một cảnh khiến tôi nhớ. Đó là hình ảnh bà lão, một nô lệ, chắp tay cầu nguyện. Dáng bà quỳ, cúi đầu, hai tay rung rung, giam hãm trong một ô cửa, xung quanh là hàng rào giăng mắc. Với tôi, đây là hình ảnh biểu trưng cho Phật giáo hàm dưỡng, có tính lặng, hay là thụ động. Diễn tiến này đối lập với hình ảnh vùng chạy đào thoát của nhân vật chính, hay là Phật giáo vào đời, có tính động.

Tuy nhiên, điều vừa kể ở trên chỉ là một chớp lóe trong tư duy của tôi. Và hình ảnh này cũng chỉ là một hoạt ảnh đơn lẻ. Để kết luận về phim thì cần thêm nhiều phân tích khác.

Đến lúc này thì mọi người bắt đầu bàn luận. Anh Hùng mời khán giả ở cả Sài Gòn lẫn Hà Nội phát biểu trước. Tôi nghĩ là có ít nhất là 4 bạn đã phát biểu. Đến lượt mình, anh Hùng tỏ ra khá thất vọng. Anh thừa nhận là mình đã nhớ sai. Trong ký ức của anh, có một phim nào đó của đạo diễn Mizoguchi đã khiến anh say mê. Hoặc cũng có thể anh đã xem phim này trong những ngày đầu tiếp xúc với bộ môn điện ảnh. Và cảm giác của ngày xưa ngây ngô ấy với lần xem đêm nay là khác nhau hoàn toàn. Anh dùng tính từ “cũ” để nói về phim. Và khẳng định là không có gì để nói về phim này. 

Anh không bàn về tình tiết vì như vậy là kể lại nội dung. Anh muốn bàn về những điều khó có thể nói hay viết. Những điều thuộc về phần dựng hình. Nhưng phim này không đáp ứng cho nhu cầu phân tích đó. 

Phần nhận xét trước đó của một vài bạn khán giả theo tôi là đi theo 2 hướng. Một là không quá yêu thích. Cảm xúc bình thường và câu chuyện thì dễ đoán. Một số ý kiến khác thì theo dạng ép ý. Cố gán ghép một số tư tưởng, tình cảm của chủ quan vào tư tưởng, tình cảm của đạo diễn. Nghe những dạng trình bày theo kiểu ép ý như vậy thì tôi ngay lập tức rà soát lại mình. Rất có thể tôi cũng đã xem và cảm phim theo một lối như vậy. Và đây cũng là điều nên tránh!

Buổi phân tích trước đó cũng là một phim trắng đen và phát hành trong thập niên nghìn chín năm mươi. Xê xích thời gian ra đời của 2 phim chỉ là 2 năm. Thế nhưng phần trình bày của anh Hùng thì khác hẳn. Phim Pháp anh say mê diễn ngôn. Phim Nhật anh thất vọng rõ rệt!

Tưởng chừng như buổi này sẽ đi vào ngõ cụt thì bất ngờ 1 cái tên được nêu ra đã làm nên một bước ngoặt!

#Nhiên
22.1.2019


*Ghi chú:
[1] Liên hoan phim Nhật Bản 2010, đọc thêm
[2] Phim phát hành năm 1954, đạo diễn Kenji Mizoguchi, đọc thêm
[3] Trailer phim, xem thêm.