Khi tôi đến Ga Huế để mua vé tàu, trời làm những âm thanh lộp độp trên mái dù. Đến Đà Nẵng, vừa từ ga bước đến trạm bus trên đường Ông Ích Khiêm, rơi rụng từ trên cao tăng thêm sức nặng.
Không có nhà chờ, tôi lùi sát, nép thân vào mái hiên phía sau. Chiếc dù đã bỏ quên ở Huế. Trách cho đầu óc lơ đãng nhiều phần. Mà nhiều phần cũng thỏa yên vì dù sao cũng đã vô tình giảm nhẹ trọng lượng trong tư trang mang vác. Đi sao cho vừa thâu vào / vừa bỏ lại. Đó là triết lý của tôi trong toàn bộ chiều dài Nam Bắc. Thành quả, nếu có ai hỏi, tôi sẽ trả lời, “nhẹ nhàng”. Sau một chuyến đi, nếu hành lý chỉ nặng thêm thì thất bại. Cầm lên và buông xuống chẳng dễ. Nhưng tôi cột trói tư duy vào hướng phương đó để biết mình trúng hay rớt trượt.
Từ lâu tôi đã dò xét và lưu trữ thông tin về chuyến bus từ Đà Nẵng đến Hội An. Cuối cùng, lòng cũng thỏa nguyện. Tôi ngồi ở ghế đầu tiên, tay phải, kề bên ô cửa. Mưa giăng phủ ướt suốt cả quãng đường 30 km. Thời gian chờ xe không quá lâu. Ước chừng chỉ hơn 10 phút. Và sau 70 phút dấu mình trong chiếc xe vàng chóe đóng dấu 01, tôi đã đến bến cuối.
Không khác ngày về Bao Vinh, ngày về Hội An của tôi cũng chung một khối tình mong mỏi: Đến tham quan bối cảnh đã làm nên những thước phim Đảo Của Dân Ngụ Cư (ĐCDNC). Phim thuật tả về những thân phận tìm mọi cách để sinh tồn, vừa nương tựa nhau vừa dò xét nhau trong một thế giới được gọi là Đêm Trắng, nhà hàng Đêm Trắng. Không gian kiến trúc ấy được phục dựng bằng tiền cảnh (cánh cổng) ở Bao Vinh và nội thất (không gian bên trong của quán) ở Hội An. Ở Bao Vinh, tôi không tìm ra cánh cổng. Còn ở Hội An, nhiệm vụ đi tìm hiện trường không mấy khó. Địa danh được xác định: Bảo tàng gốm sứ mậu dịch. Địa chỉ: số 80, đường Trần Phú.
Nhưng tôi chưa vội vàng thăm nơi chốn ấy ngay. Cung cách trải nghiệm cũng không khác Bao Vinh. Không chỉ là cảnh, tôi cần cả người. Hiểu biết về một nơi không gì bằng tiếp xúc với một con người sinh động, đã từng đi qua bao mùa bão lũ, bao mùa phiền não, bao mùa bồ đề. Vậy là từ nơi tạm trú trên đường Thích Quảng Đức, tôi đi bộ khoảng chỉ hơn 200m để đến với trạm dừng đầu tiên. Đó từng là 1 quán chay. Nay hình tướng đã thôi biểu hiện. Cảnh đã mất nhưng linh hồn của cảnh, bàn tay đã tạo ra cảnh thì vẫn còn. Vẫn một động tác không đổi như ở trạm dừng trên đường Trịnh Công Sơn (Huế), tôi chuyển thư, tôi trao quà. Vật phẩm tôi nhận ở chiều ngược lại là một gói gạo lứt rang. Hơn thế nữa, còn có thêm 1 lời hẹn gặp tiếp theo vào sáng ngày hôm sau. Vậy là so với Bao Vinh, tôi không những có thời gian ở lại Hội An lâu hơn mà sự tiếp xúc với thực tại Hội An của tôi cũng sâu hơn gấp nhiều hơn. Hẳn nhiên sự xúc chạm đó chưa phải đã là vào lõi sâu trong căn tính Hội An, bản sắc Hội An nhưng so với Bao Vinh thì đã gấp hơn nhiều phần. Tất cả là nhờ có một chứng nhân. Và dự cảm của tôi, đây hoàn toàn có thể trở thành một đồng minh chiến lược. Mong chờ lắm, hy vọng lắm!
Từ trạm dừng Hai Bà Trưng đến Trần Phú ước chừng chưa đến 2km. Khi tôi bắt đầu khởi bước thì trời đã sập tối. Dự cảm về gió mưa, tôi đã mượn được cây dù từ nơi lưu trú. Và quả đúng vậy, càng về khuya, mưa càng nặng hạt. Tôi không đi theo con đường ngắn nhất mà loanh quanh mọi ngách ngõ. Cố gắng làm sao để bắt nhịp với hải hà, với dòng sống, với nhịp đập nơi đây. Khi đến Bảo tàng thì cửa đã khép, ánh sáng đã là bóng tối. Để mai vậy! Phần bên trong sẽ là ngày mai! Hôm nay có thể tôi chưa hiểu về ĐÍCH ĐẾN. Nhưng cái hiểu về CON ĐƯỜNG cũng thật quan trọng. Cảm giác về những ngã đường đến với bối cảnh cũng cần thiết. Xét theo ý nghĩa ấy thì tôi đã không lãng phí một khoản thời gian nào.
Mưa có lúc ngưng bặt, có lúc lại tuôn đổ. Mưa Hội An khác rất nhiều so với mưa ở Bao Vinh. Không có một cảm giác khó chịu hay bất tiện nào. Mưa ở bên kia khiến cho tôi muốn mau chóng về nhà. Mưa ở bên này dậy trào niềm vui được xô cửa:
- Vào đời.
Mát. Cái mát thấm tan khắp da thịt, lan truyền xuyên tim óc. Cái mát khiến con người muốn quẳng đi chiếc dép để chân trần tắm táp trong mưa nguồn. Tôi cứ đi như thế, đi như thế. Đi để tận thấu mưa đêm mà cũng đi để tìm một chỗ ngồi thỏa ý. Chuyển từ dáng đứng sang dáng ngồi. Và bài tập nghe mưa vẫn được gã học trò cần mẫn thực hiện. Chỗ tôi trú mưa nằm ở mặt sau của Bảo tàng, cách nhau chỉ 1 con đường. Tôi ngồi đó và cơn mưa trong bộ phim bất chợt rào rạt tâm hồn.
Sau cao trào cuối cùng ở hồi thứ 3, cơn mưa tới. Cơn mưa trong ĐCDNC có ý nghĩa gì? Câu hỏi này có lẽ không quá khó với số đông khán giả. Sau một xung đột căng thẳng thì sẽ là một âm vang, những hoạt ảnh có tính chất xoa dịu. Lên rồi lại xuống. Căng rồi lại giãn. Vòng cung cảm xúc trong sự thưởng thức cần một khoảng lặng để trở nên hòa điệu, trở nên cân bằng. Mưa vừa là âm thanh, vừa là chuyển động. Thế nên, việc sử dụng mưa để tạo nên một vòng lập hài hòa là một thủ pháp thường thấy trong rất nhiều bộ phim.
Với trường hợp của Đảo, mưa còn là sự gột rửa, máu đã đổ và cần tới nước để dạt trôi, để tịnh hóa. Đã có hình ảnh mở, đó là khi Miên làm thịt dê, máu tuôn đầy, nước dội rửa. Miên cũng như nhiều nhân vật khác đều là những chú dê ẩn dụ trong hình hài con người. Bất cứ lúc nào họ cũng có thể bị chặt đầu, bị cạo lông, bị rượt chết bởi kẻ đao phủ quyền lực (Chệt Liếm, ông chủ quán Đêm Trắng). Đã có một hình ảnh mở, thế nên cơn mưa này là hình ảnh khép, hoặc cũng có thể là một điệp ngữ hình ảnh để tạo nên tính nhất quán trong cách sử dụng ẩn ngôn (“dê cũng như người”) của tác phẩm.
Bộ phim này theo tôi có ý định kể 1 câu chuyện về sự tàn lụi của một đế chế quyền lực (đứng đầu là nhân vật ông chủ của 1 nhà hàng). Đã có nhiều tín hiệu thông báo cho sự cáo chung. Xung lực khiến cho thế giới ấy sụp đổ là khát vọng vượt thoát của một cô gái tật nguyền (nhân vật Chu). Cô gái đã chiến đấu với tất cả những hữu hạn trong tay. Và sau cùng mái nhà không khác gì mồ chôn ấy cũng đã tan tành. Vậy nên nếu ai nói với tôi rằng tác phẩm này là yếm thế, là bi quan, là buồn thảm, thì tôi chỉ biết lặng thinh, tìm về một góc nhỏ như khuất vắng đêm nay. Để nghe mưa. Nghe mưa đôi khi yên bình hơn nghe nhân thế!
Tôi chưa thể viết nhiều hơn những nghĩ cảm vừa nêu về cơn mưa trong ĐCNNC. Có lẽ vào một khoảng sau, khi nhận thức của tôi sáng tỏ hơn, tri thức điện ảnh bớt nghèo nàn hơn, tôi sẽ phát hiện thêm những mới lạ. Giờ tôi chỉ hiểu ra chừng ấy và thấy rằng cách đặt để 1 cơn mưa vào trong dòng thời gian trên phim là hợp lý, hợp tình. Kỹ thuật dựng hình ấy không có mới nhưng vẫn hiệu quả, hiệu quả vì đúng thời.
Ngày mai hy vọng trời nắng đẹp, để tôi thăm căn phòng có viên ngọc màu xanh!
#Nhiên
28.11.2018
28.11.2018