12 giờ 12 phút, tôi đứng trước Bảo tàng gốm sứ mậu dịch. Hội An hôm nay nắng đẹp. Thời tiết trái ngược hoàn toàn so với ngày trước đây. Đây cũng là trạm dừng duy nhất của tôi trong lòng phố cổ.
Khi bước vào, tôi bất ngờ vì anh nhân viên bảo phải mua vé mà vé thì được bán ở một điểm cách đây mấy con phố. Ý nghĩ mua vé khi tham quan ở Hội An với tôi thật lạ lẫm. Bao nhiêu lần về đây tôi chỉ ở khu vành đai. Nếu xuống phố thì chỉ là ăn uống. Ngao du là ngao du vòng ngoài như làng rau, bến sông. Chứ ít khi nào thâm nhập vào khối kiến trúc ở khu phố cổ. Nhưng trong năm nay, tư duy về tầm quan trọng của bảo tàng đã bắt đầu hình thành. Tôi cũng rất muốn tích lũy kiến thức trong việc xây dựng, bài trí và bảo dưỡng bảo tàng. Thế nên, có lẽ đã đến lúc tập làm quen với việc chi tiền sau mỗi lần vào cửa. Chẳng hiểu, để tồn tại, những nơi tương tự nơi này có nguồn ngân quỹ nào không? Hay chỉ là dựa hoàn toàn vào dòng lưu kim từ quan khách?
Không có nhiều thời gian và cũng không muốn đi nơi nào khác ngoài bối cảnh phim Đảo Của Dân Ngụ Cư (ĐCDNC). Vậy nên tôi chọn hình thức vé có ít điểm đến nhất. Chuyến tham quan của tôi gói gọn trong 3 điểm. Và hẳn nhiên giá cũng thấp nhất là 80.000 vnd. 2 điểm kia tôi chỉ đi qua loa chiếu lệ. Phần lớn thời gian và suy ngẫm của tôi nằm nơi Bảo tàng ở số 80 Trần Phú. Cảm giác của tôi lúc này có lẽ cũng không khác gì nhân vật Phước. Hai chúng tôi đều lần đầu tiên, ngơ ngác, ngây ngô, bước vào thế giới Đêm Trắng.
Tôi nhận ra lối cầu thang nơi Chệt Liếm đã đi xuống. Tâm thế cũng đợi chờ y hệt. Trong phim, đây là một phân đoạn quan trọng. Âm thanh bước chân, hình ảnh bàn chân, dáng đi, thân người lần lượt nối nhau trong một dãy hoạt ảnh. Cuối cùng mới là khuôn mặt ông chủ quán trình hiện. Và Phước từ 1 điểm thấp, ngước với, nhìn lên. Với cách giới thiệu bằng hình ảnh đó, người xem dự cảm được phần nhiều về địa vị, tầm ảnh hưởng cũng như từ trường tỏa ra từ nhân vật.
Tựa vào cầu thang, không mấy khó khăn để tôi chiêm ngưỡng lại chiếc sân vuông cùng mảng tường đón nắng đón mưa, nơi Chu vẫn thường phơi sáng, dõi theo những đám mây vẩy cá và ôm ấp mộng ước biển khơi của mình. Tôi dấn bước tiếp vào gian sau, đoán định đâu là điểm mà Phước đã vượt ngưỡng (thân phận gia nhân thấp kém, bị trị) để trèo lên mái ngói (kết bạn với con gái của ông chủ, ngang hàng). Hành động trèo cao đó mang nhiều ý nghĩa ẩn ngôn, giàu chất điện ảnh. Có 1 cảnh toàn, tôi nhớ có cả Phước và Miên. Phước nằm trên mái ngói. Còn Miên đứng loanh quanh ở sân sau. Đó cũng là một dạng mật ngôn. Bộ phim này vì vậy mỗi lần xem là một lần kỳ thú khi mà rất có thể lần xem đó sẽ giúp tôi giải mã thêm nhiều trầm tích trong khung hình.
Tôi không xác định được chính xác đường di chuyển lên cao của Phước. Có mấy vị trí khả nghi. Nếu sở hữu cặp mắt đại bàng thay vì là nhục nhãn thì có lẽ tôi đã có những khám phá tốt hơn.
Gian bếp ăn đã không còn tăm tích. Cả phần bàn ghế, không gian đón khách của quán Đêm Trắng ở gian trước cũng đã bốc hơi. Dĩ nhiên là sau khi hoàn tất ghi hình, đoàn phim đã phải trả lại dáng xưa. Nhưng tôi cảm nhận diện tích của hiện trường nhỏ hơn rất nhiều so với ấn tượng thị giác mà điện ảnh đã tạo ra. Bước lên tầng trên, hầu như tôi không tìm thấy một manh mối nào về căn phòng của Chu. Chỗ nào là nơi cô đã nhìn ra những khoảng trời xanh? Chỗ nào Phước và Miên đã lẻn vào? Không một manh mối nào. Mọi thứ lạ lẫm. Có mấy cánh cửa đã niêm phong bằng ổ khóa. Chỉ có hành lang, tay vịn, mái gỗ, nơi nhìn xuống sân vuông là toát lên vẻ thân thuộc. Tôi đã nghĩ rằng vẫn còn hiện hữu chiếc giường ngủ của Chệt Liếm và Xiếm Hoa. Nhưng cũng như rất nhiều vật dụng nội thất khác. Không có, không có một vật phẩm nào!
Tản bộ ở lầu trên và tầng trệt, ý thức về sự chật hẹp nổi bật hơn cả. Thường một đoàn phim hay cụ thể hơn là một tổ quay phim tôi không biết là bao nhiêu người. Tôi có thể điểm qua những yếu nhân. Đứng đầu là giám đốc hình ảnh. Sau đó là quay phim, trợ lý quay. Người phụ trách về đặt đèn, ánh sáng. Chưa kể là tổ âm thanh, người phụ trách thu âm hiện trường. Kể sơ bộ thì tôi thấy cũng đã ít nhất là 5 người. Và chắc chắn thực tế còn đông đảo hơn. Nếu kể thêm diễn viên rồi đạo diễn cùng có mặt thì tôi không hiểu căn gác bé nhỏ vốn dĩ đã chật hẹp như thế này thì sẽ còn bít bùng như thế nào nữa. Rõ ràng góc quay và nhiều cài đặt về mỹ thuật, nhiếp ảnh đã tạo ra những xúc cảm trong ánh nhìn. Và chúng hoàn toàn trái ngược với sự lưu giữ của mắt thường.
Được biết, trong tháng 11.2018, giám đốc hình ảnh ĐCNDC là NSND Lý Thái Dũng có buổi giảng giải về kỹ thuật thực hiện phim này tại một trường đại học của Đài Loan. Đài Loan cũng là nơi đã ghi nhận thêm 1 giải thưởng rất quan trọng của phim. Đó là Câu Chuyện Hay Nhất (#APFF2018) với tính chất tuyên dương câu chuyện gốc. Nghĩa là giới chuyên môn đánh giá cao giá trị độc sáng của văn học và tính nhất quán trong sự chuyển thể ở phiên bản điện ảnh. Là một nhà quay phim danh tiếng và đã có một bề dày lịch sử làm nghề, tôi đoán rằng những chia sẻ của anh Dũng hẳn là cũng không nằm ngoài lý thuyết và sự thực nghiệm về tư duy dựng hình. Chẳng biết là anh có bàn về chủ đề “kỹ năng quay trong không gian chật hẹp” hay không?
Nhắc đế tính chật / hẹp / nhỏ, trong lần đầu tiên xem phim này tôi đã nhớ tới cảm giác khi xem bộ phim Mùa Đu Đủ Xanh (MĐĐX) cùng lối dựng ảnh của đạo diễn Trần Anh Hùng. Tôi vẫn còn nhớ trong 1 bài viết không dài, nhà phê bình Thụy Khê đã nhắc tới một thuật ngữ tiếng Pháp là “gros plan” cùng nguyên văn “camera trực chỉ” khi bình phim này. Bài viết hoàn tất vào năm 1993. Theo tôi, có lẽ đây là một trong những bài bình phim MĐĐX sớm nhất. Tôi tiếp cận bài này vào khoảng năm 2006, nghĩa là hơn 10 năm sau. Nhớ mấy chữ cái lạ lạ, “gros plan”. Mãi đến khi xem ĐCDNC thì ký ức được điểm tô trở lại. Có những phân đoạn ghi lại cảnh một con gián, một con thằn lằn, đàn kiến, giọt nước rơi, chiếc lá bay. Với tôi, đây đều là một dạng ẩn dụ về hình và cũng là ngôn ngữ điện ảnh cần phải tường giải của tác phẩm. Có những đoạn lại trưng bày bàn ghế ngổn ngang, chén dĩa đổ nát. Một bầu khí quyển hoang tàn đột ngột xen ngang diễn biến của câu chuyện. Theo phán đoán của tôi, đây là một dạng cắt dựng đảo thời, đi ngoài trật tự tuyến tính trong dòng tự sự của tác phẩm. Vừa là dự báo, gợi ý về cái kết mà cũng là thủ pháp hoán dụ, từ cái tiểu tiết muốn nói thầm về cái đại thể.
Xem Đảo thì nghĩ đến Đu Đủ. Hay nói đúng hơn, hai bộ phim dùng chung một thủ pháp được gọi là “gros plan”. Tức là quay cận cảnh. Sau cột mốc tháng 6.2018, tôi đọc thêm vài quyển sách điện ảnh thường thức và tìm thấy một thuật ngữ khác là ECU (extreme close-up), hay còn gọi là đặc tả. Cạn nghĩ, nếu nói về các cảnh phóng to con kiến, con gián, con thằn lằn trong ĐCDNC thì thuật ngữ ECU là chính xác hơn. Những loài hữu tình này dĩ nhiên không vô duyên vô cớ mà xuất hiện. Nhưng trong phim này, hình tượng con dê xuất hiện nhiều hơn, tham dự vào cốt truyện, góp cả phần hình lẫn phần thanh. Vậy nên xét về tần suất xuất hiện, tính nhất quán với mạch truyện, việc phân tích những chú dê sẽ hơi nghiêng về khía cạnh kịch bản và quan trọng hơn. Là ý lớn. Còn diễn giải về các loài vật khác sẽ hơi nghiêng về khía cạnh dựng hình, chỉ thực hiện sau đó. Là ý nhỏ. Ý nào cũng cần. Nhưng trong việc phân tích thì tôi tuân theo trình tự lớn / nhỏ, chính / phụ, tỏ / mờ, trường / đoạn, đậm đặc / điểm xuyến.
Nắng vẫn đang rực rỡ. Thật là 1 ngày tốt để đi biển! Nhưng đồng minh đã giúp tôi mua vé tàu ra Hà Nội. Dự kiến khởi hành từ Ga Đà Nẵng vào lúc 18:00. Đi bộ và nương vào phương tiện công cộng luôn mất nhiều thời gian hơn. Phía trước tôi còn quãng đường 2 cây số để về lại chỗ tạm trú. Sau đó tiếp thêm 1 cây số nữa để ra bến xe, theo đường bus số 01 và về lại Cửa Hàn.
Tôi rời Bảo tàng hay là rời khỏi Đêm Trắng, rời khỏi Đảo vào tầm 14:00. Khoác ba lô và cũng thầm thì câu thoại của Phước, hẳn nhiên là giọng đọc không thể trầm ấm ngang bằng:
- Người ta nói số phận không phải do trời định. Số phận là do những người chúng ta gặp trong đời tạo ra.
#Nhiên
29.11.2018