7.1.19

Đi học | changevn#1

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, cảm nhận sự kiện CHUYỆN CỦA ẢNH (CHANGEVN)
CHANGEVN hay 350.org thì tôi không hề lạ. Nói gọn thì đây là một tổ chức phi lợi nhuận nhiệt thành trong những hành động đánh thức lòng quan tâm của cộng đồng về những hiểm họa biến đổi của môi trường. Cách đây 5 năm, tôi từng mua những bao lì xì bằng giấy tái chế được thiết kế theo tư duy mỹ thuật thuần Việt. Tôi duy trì hành động đó như một nghi thức được vài năm. Và tôi cực kỳ yêu thích một sự chuyển dịch dù rất nhỏ nhưng mang tính tự cường như vậy.

Người đứng đầu tổ chức này tôi cũng không lạ. Tôi từng thấy chị xuất hiện trong một buổi tọa đàm ở sóng quốc gia. Và hẳn nhiên không cần phải đến phiên tôi để nhắc đến những ấn dấu lịch sử của chị.

Ứng dụng AirVisual tôi đã từng dùng. Nay cài lại vào máy, tôi cập nhật thêm chuỗi thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình, Đà Nẵng, Trà Vinh, Sài Gòn. Những nơi này là nguyên quán của những người tôi thầm gọi, "Đồng minh!". Từ sự quan tâm đến 1 người, tình đồng mình khiến tôi chuyển dời sang chất lượng không khí mà họ đang hít thở.

Sự kiện do CHANGEVN hậu thuẫn diễn ra vào lúc 9 giờ. Hóa ra đây chính là không gian tôi dừng chân để chờ đến lễ trao giải Văn Học Tuổi 20 2 tuần trước đó. Nơi chốn vậy nên cũng chẳng hề xa lạ. Tôi đến và chọn luôn hàng ghế thứ 2. Định chọn hàng đầu nhưng nghĩ nơi đây hẳn là chỗ dành cho yếu nhân hay những người quay phim chụp ảnh nên tôi lui xuống hàng 2. Ngồi chờ thì thấy màn chiếu phát những bộ phim ngắn về môi trường. Trong đó có một phim mang tính chất cổ động và mục đích của phim là cảnh báo hiểm họa về sự hiện hữu đang là và sắp là của những nhà máy nhiệt điện trên toàn cõi Việt Nam. Trong số những giọng trần thuật chính của phim tôi nghe được một tiếng nói thân thuộc. Chữ, người, vật, nơi, tiếng, hình vậy là đều không có gì lạ. Một niềm trấn tĩnh lan tràn như bù đắp với sự sạc lở bề trong từ sự kiện tương tự của ngày trước đó.

Một loạt những phim ngắn được chiếu. Và tôi thấy có vài phim rất kiệm lời thoại. Nghĩa là ít nhiều dưỡng chất điện ảnh đã dự phần. Thật tiếc là màn chiếu không đủ tiêu chuẩn nên chất lượng hình ảnh, âm thanh làm bạc nhược sự thưởng ngoạn của thị giác.

Chương trình hôm nay có 2 diễn giả mà tôi chưa hề biết tên. Đó là do sự dốt nát của tôi trong lãnh vực này. Còn trong địa hạt nhiếp ảnh, hẳn là không một ai không nghe đến danh tiếng của họ. Có một cuộc thi ảnh đã diễn ra. Ý nghĩa cuộc thi chẳng phải là những nhắc nhở nhẹ nhàng mà là báo động khẩn cấp vì tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị Việt Nam. Niềm tự hào với sự đứng nhất song hành với nỗi cay đắng ê chề khi Hà Nội và Sài Gòn cùng có trong danh sách 26 đô thị ô nhiễm không khí nhất châu Á. Và Hà Nội đứng trước vận hội lớn lao được nắm tay Bắc Kinh cùng nâng cao chiếc cúp vàng vô địch, thành phố ô nhiễm nhất địa cầu. Những con số này tôi đọc thoáng qua trong những thông tin được cung cấp từ phía nhà tổ chức. Và tôi tin họ có đủ dữ liệu và bằng chứng cho những ai cần nguồn cấp. Một cuộc thi ảnh sẽ kéo dài từ 21.12.2018 đến 1.2.2019 không gì hơn vừa để tạo nên không khí sáng tác và giải thưởng cho những ai yêu nghệ thuật nhiếp ảnh và đồng thời cùng vận dụng sức mạnh của tâm thức tập thể để giải quyết một vấn đề đã không còn là sự bất ổn của 1 cá thể.

Dùng một cuộc thi, mời những giám khảo uy tín, có những giải thưởng giá trị để phục vụ cho mục tiêu nâng cao ý thức về môi trường với tôi cũng không lạ. Nhưng phần lạ nhất, cũng là trọng tâm của sự kiện sáng chủ nhật này, chính là phần nói chuyện của 2 người mang tên Lê Hồng Linh và Trần Tuấn Việt. 2 bậc thầy về bộ môn nhiếp ảnh, đại diện cho 2 lớp cựu trào và làn sóng mới hay cũng có thể gọi là thực lực phái và thần tượng phái đã cùng nhau góp lên tiếng nói không phải về môi trường mà là về nhiếp ảnh, về tình yêu với ánh sáng và những khung hình.

Thời lượng của họ dài đến ngạc nhiên. Quá 3 giờ đồng hồ. Người đi theo hướng chung, người tập kết vào sự riêng. Người khái quát, người cụ thể. Người đưa nền tảng tư tưởng, người bày ra cá biệt ứng dụng. Với người khác thì có lẽ những gì nghe thấy, nhìn thấy là quá cơ bản và giản dị. Nhưng với một người mang tâm niệm đi học và đầu óc tăm tối như tôi thì những thâu nhận hôm nay quá sức quý báu. Dường như tôi cảm giác cuộc thi có hay không không quan trọng bằng những ý niệm sơ khởi, bằng những kiến thức căn bản về nhiếp ảnh. Cách thức mọi việc diễn ra cho tôi cảm giác ấy. Thành hay không, thi đua hay không xếp sau mong muốn cung cấp tri thức và dưỡng nuôi tình yêu với bộ môn nghệ thuật này.

Trong buổi nghe, có vài tên tuổi mà tôi xa lạ hoàn toàn. Họ là những tiền bối mà thời kỳ hoạt động nhiếp ảnh đã in dấu từ quá vãng phân chia Quốc Cộng. Và tôi cực kỳ yêu thích một cách dẫn luận có trước, có sau, từ thủy đến chung như vậy. Chưa dừng lại ở đó, còn có cả thêm phần bình luận về từng tấm ảnh của khán giả đã gởi về. Tôi cho rằng một sự tham vấn giữa chuyên gia và những người đang tập sự như vậy là rất cần thiết. Hẳn nhiên không bao giờ có chuyện nghe vài lời tư vấn, khuyến khích, động viên, góp mặt vài buổi tọa đàm là đã biến thành 1 nhiếp ảnh gia. Nhưng ít ra phần đông sẽ hiểu được sự khác biệt giữa một tấm ảnh nghệ thuật và một tấm ảnh chỉ có giá trị tư liệu hay kỷ niệm. Với riêng tôi, hiểu ra sự khác ấy là một lợi ích vô chừng. Tác dụng trước mắt là quán tính dùng hình ảnh để trưng trổ đời riêng hay phục sức cho bản ngã của tôi sẽ hãm bớt những vòng quay điên đảo.

Sự khiêm nhường tự nhiên sẽ đến. Chỉ bằng một diễn tiến bình thường. Đó là không ngừng thâu nhận kiến thức. 2019 có lẽ là cột mốc tôi phải xác quyết chấm dứt sự ngu dốt của mình với nhiếp ảnh. Buổi hôm nay có tính chất bước ngoặt vì nguồn cảm hứng, tri thức khơi nguồn từ đó.

Tham dự 1 cuộc thi ảnh thì cần có máy ảnh chuyên dụng. Quan trọng là sự thành thạo công nghệ. Quan trọng hơn là tư duy về cái đẹp, cái lành, và cái thật. Quan trọng hơn nữa là sự rộng/ dài/ sâu trong vốn sống. Tôi không có cả tư nên điềm nhiên tôi không có một tơ tưởng nào về việc điền tên tham dự. Nhưng chắc chắn tôi sẽ chờ đợi kết quả và cẩn trọng xem xét từng tấm ảnh ở ngôi cao để bổ túc thêm tri thức cho mình.

Chờ tới ngày đó!

#Nhiên 
6.1.2019