8.1.19

Mưa Bao Vinh | ĐCDNC#63

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, cảm nhận phim Đảo Của Dân Ngụ Cư
Người Huế đầu tiên mà tôi hẹn gặp có tên của một loài hoa. Triêu Nhan! Hiểu ý nghĩa đó chứ mà để viết thành lời giảng giải thì khó khăn muôn trùng. Thôi đành cứ gọi là Triêu Nhan với thấp thoáng niềm khấp khởi, e chừng… như cách mà một bài thơ Nhật Bản xa xưa đã khởi đầu.

Điểm đến nằm ở con đường Trịnh Công Sơn, cách nơi tạm trú của tôi chừng 4 cây số. Đạp xe qua 3 chiếc cầu bắc ngang, dừng 1 lát tại công viên để nhìn ngắm sông Hương, tôi tiếp tục thong thả những vòng quay để tìm tới số nhà đã được thông báo. Chỉ là chuyển thư, trao quà và dự định lui gót nhanh chóng. Nhưng không ngờ cuộc trò chuyện lại giúp tôi hiểu thêm về sự đón nhận Liên hoan phim Nhật Bản (JFF) tại thành phố này. Thật sự đó là điều tôi cần nhất, chờ được nghe nhất! Sự cảm thụ 1 bộ phim trong lòng người, ý kiến về rạp chiếu, về cách thức tổ chức, tất tần tật những gì liên quan đến điện ảnh. Tôi đến cố đô là vì nguồn cơn ấy. 

Điện ảnh! 

Chuyến đi của tôi thật chẳng biết dùng thuật ngữ ngắn gọn nào để mô tả. Không hề có một khởi tâm hưởng thụ, nghỉ ngơi hay thỏa mãn khoái cảm xê dịch nào! Tôi đi để học, để thâu những kinh nghiệm sống động bên ngoài rạp chiếu, bên trong rạp chiếu. JFF là lý do đầu. Liên hoan phim Châu Âu (EFF) là lý do sau. Bối cảnh đã làm nền cho những khung hình của Trăng Nơi Đáy Giếng, Đảo Của Dân Ngụ Cư (ĐCDNC) là lý do sau nữa. Chẳng hiểu những đầu óc nhanh nhạy của ngành du lịch đã có khởi tâm nào đến những đối tượng như tôi. Nặng lòng với điện ảnh, khát khao với nghệ thuật kể chuyện bằng hình.

Sau lần gặp gỡ trưa nay, tôi nhận được 1 món quà. Đó là 1 tấm bản đồ du lịch được thiết kế rất bài bản. Chỉ cần nhìn vào là tôi thấy ngay những địa điểm nhất quyết phải đến ở Huế. Nhưng tư duy lúc này hoàn toàn chỉ dành cho phim ảnh thế nên tầm mắt tôi thâu nhận duy nhất cái tên Bao Vinh. Sau khi kết thúc việc thưởng thức các bộ phim tại JFF và EFF, Bao Vinh sẽ là trạm dừng.

Ngày đầu tiên đến Huế, mưa nhẹ hạt. Tưởng chừng những lất phất nhịp nhàng, rung rinh đó sẽ chỉ là tạm thời. Nhưng ngay hôm sau, đường đến rạp của tôi đã chập chùng mưa gió. Mưa ở Huế thật khác thường. Ướt gói trong lạnh, tăng giảm vô định và đưa tới bao nhiêu bất tiện! Vậy mà hôm tôi khởi hành và nhắm hướng Bao Vinh, trời nhiều mây, tạnh ráo. Chẳng nhớ là đã phải ngang qua bao nhiêu nhịp cầu, bao nhiêu dòng sông nhưng độ dài có lẽ gấp đôi lần tìm tới với Triêu Nhan. Tôi thấy trên bản đồ ghi rõ là “làng cổ” Bao Vinh. Vậy nên tâm trí có phần bất ngờ vì cổ / kim xếp hàng xen kẽ trước mắt. Ý nghĩ về khái niệm làng chỉ hiện hữu vài giây phút. Thay vào đó là một khối hình mang tên “Đêm Trắng”. Nhà hàng Đêm Trắng, không gian diễn ra gần như 95% nội dung phim ĐCDNC, sử dụng tiền cảnh, mặt trước tại đây. Và nếu tôi nhớ không lầm đoạn nhân vật Miên rượt dê, cảnh ngoại – đêm cũng được thu hình tại con đường mà tôi đang đứng. Nhưng để tìm đúng chính xác cánh cổng, nơi Phước đã rung chuông, nơi Xiếm Hoa đã mở ra thế giới đau thương mà Phước sắp bước vào, với tôi phút này thật sự là một thử thách không thể xuyên vượt.

Trải nghiệm của tôi vì vậy thật khó để có thể xứng trúng với ý nghĩa “trải nghiệm”. Đây chỉ như một lần dọc ngang chóng vánh trên bề mặt. Chưa thể chạm sâu vào văn hóa địa phương, chưa thể thấu cảm buồn vui riêng dấu của cảnh vật, của con người. Lần dở bản đồ, tôi thấy ngay kề Bao Vinh là một cái tên khác. Lại là một ngôi làng. Nhưng là làng rau. Làng rau Thành Trung.

Tôi không đơn độc trong hành trình về với Bao Vinh. Kế hoạch ở Huế sẽ không thể nào viên thành nếu thiếu 1 đồng minh chiến lược. Và điều tôi mừng vui là sau từng ngày, từng ngày chung bước, cảm tình với điện ảnh trong lòng người bạn đường đã không tròn trống như ngày đầu gặp gỡ. Thế cho nên, sau khi đã vì mình, lợi mình, tôi cũng thực thi một đạo lý giản dị trên giang hồ. Đó là vì người, lợi người. Rời khỏi Bao Vinh, tôi chuyển di đến Thành Trung, nơi là những thiết tha chan chứa của bằng hữu. Và với tôi, không có gì khó để gợi nên một ước nghĩ về điện ảnh với trạm dừng thứ hai này.

Trong năm 2018, đã có một bộ phim sản xuất ở Âu Châu lấy cảm hứng từ một quyển sách mà tác giả của bản gốc văn học có nguyên quán tại làng rau này. Thế nên, câu chuyện giữa chúng tôi (nếu muốn) vẫn hoàn toàn có thể xoay vần xung quanh chủ đề phim ảnh. Ở Thành Trung, tôi dừng chân lâu hơn. Gặp gỡ với một chứng nhân sinh động. Nhìn kỹ khoảnh vườn quê, căn nhà nhỏ, khung trời xanh. Tôi tự hỏi, không biết có ánh nhìn nào, sắc hương nào, vị nếm nào, xúc chạm nào tại đây đã làm nền cho bài thơ danh tiếng “Bướm Bay Vườn Cải Hoa Vàng”. Cũng là mượn một hình ảnh để thay cho ý tình. Thế nên một tâm hồn mến chuộng thi ca rất gần với một trái tim cuồng si điện ảnh. Khác chỉ là cách diễn đạt, phương tiện diễn đạt. Tôi bước chân trần, tôi với tay hái, tôi thành tâm tỏ bày. Thực tại của Thành Trung vì thế không xa như là Bao Vinh, gần hơn. Mà điều tôi thực tâm mong muốn thì là ngược lại.

Trên đường về, Bao Vinh lại một lần nữa trình hiện. Tôi quan sát cung đường kỹ lưỡng hơn. Tôi tìm thêm nhiều góc nhìn khác để có thể gần hơn với nơi này. Dẫu biết rõ sự gần kề ấy cũng chỉ là bề mặt.

Bao Vinh không mưa nhưng khi xa lìa chốn ấy, ký ức của tôi lại là những rớt rơi từ trời. Vậy là tôi chưa có một kinh nghiệm chơn thiệt nào với Bao Vinh cả! Nhung nhớ Bao Vinh chỉ là nhung nhớ ôm quàng, đắp đổi từ những ngày mưa ở kinh thành. Chưa thật! Còn bao nhiêu giả gạt trong tâm khảm. Biết vậy... để hẹn những lần sau!

#Nhiên
26.11.2018