Trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam có bao nhiêu rạp chuẩn #IMAX? Theo tôi được biết con số là 3. 2 ở Sài Gòn và 1, vừa mới khai trương ở Hà Nội cuối 2018. Ở Hà Nội tôi chưa có dịp vào xem. Còn ở Sài Gòn, trong quý IV 2018 và những ngày đầu năm 2019, tôi đã được sống trải.
Với ý nghĩa I-mage MAX-imum thì theo quan sát của tôi màn hình cũng chỉ cao khoảng 2 đến 3 tầng lầu (22mx11m). Đây là kích cỡ nhỏ nhất của chuẩn IMAX. Độ phân giải có lẽ là 2K do 2 máy chiếu chồng hình ảnh lên nhau. Âm thanh được thông báo là 6 rãnh và phát từ 40 loa lớn nhỏ. Ở lần thứ 2 đến với rạp IMAX, tôi có dùng thêm kính 3D, nhưng kính này chỉ có kích cỡ như kính mát chứ không phải loại phủ nửa mặt.
Tôi không phải là người hiểu sâu vào công nghệ. Có lẽ sau những lần này tôi sẽ lưu tâm và tích lũy thêm kiến thức. Còn trong hiện tại, thói quen xem phim của tôi về mặt kỹ thuật chỉ cần là hình ảnh sắc nét (sắc nét như thế nào thì quả thật là chỉ là cảm giác với từng rạp chứ không thể diễn tả thành lời). Về mặt âm thanh thì tôi yêu cầu cao hơn. Nghĩa là hình ảnh phải đạt ngưỡng vô ngôn của tôi và âm thanh thì phải hơn cái ngưỡng vô ngôn đó.
Dầu sao, đây chưa phải là đòi hỏi tối thượng. Vì xếp trên chất lượng hình ảnh, độ nổi của âm thanh và kích cỡ màn hình thì điều cần nhất của tôi sau khi ra khỏi rạp đó chính là những-cảm-xúc-điện-ảnh. Nếu tôi có thể học thêm được 1 điều gì đó từ cách-dùng-hình-để-diễn-đạt-nội-tâm từ người đạo diễn thì đó sẽ là ngày xem tuyệt vời.
Trong trường hợp của hôm nay, sau khi tháo chiếc kính 3D thì hầu như tôi không thấy có một điều gì để viết xuống về bộ phim. Tôi tin rằng câu chuyện này sẽ trôi nhanh ra khỏi miền ký ức. Tác phẩm này thành công về mặt thương mại. Nhưng tôi tin là ở thời điểm này, tất cả các chiến dịch truyền thông về nó đã chấm dứt. Bước chân của tôi vì vậy không có tác động của tâm lý bầy đàn hay ảnh hưởng từ truyền thông. Tôi đi phần lớn là vì sự tò mò, tò mò về mặt công nghệ.
Có vài câu hỏi nẩy lên trong tôi. Đó là cả tấn tiền có thể đổ dồn vào những bộ phim như thế này là vì nguyên do gì? Câu hỏi này hướng vào những người đầu tư. Tại sao họ lại di chuyển 1 dòng tiền khổng lồ vào kịch bản này? Họ có phải là những người có trái tim làm nghề đích thực? Hay đơn giản chỉ là thuần túy kinh doanh? Bỏ một số tiền và kỳ vọng thu lại lợi nhuận cũng bằng tiền?
Khoảng 2 tuần sau, tôi xem lại một đoạn phân tích phim mà có lẽ trước đây tôi đã từng xem. Xem trong tâm trạng những ngày này, tôi thấy diễn biến ở bề trong mình khác hẳn lúc trước. Ở phút 4:45, người biên tập sắp xếp 2 đoạn phim cạnh nhau. Một của #AkiraKurosawa. Và một là 1 bộ phim đương thời cùng một dạng như phim ở rạp IMAX mà tôi vừa xem. Và giọng đọc kết luận, một núi tiền bỏ ra cho những thước phim vô nghĩa về mặt chuyên môn. Sự di chuyển của camera ở đây hầu như không có một ý nghĩa gì. Và người xem chỉ thấy 1 màn đối thoại. Trong khi đó, cũng ở một phân cảnh có thời lượng tương tự, người xem thấy trong đó có sự chuyển dịch của thời tiết (1) / đám đông (2) / cá thể (3) / camera (4) / và cách chuyển cảnh (cut) (5). Và thấy cả nhiều tình ý không lời khác. Ý nghĩa của tiếng “siêu” là nằm ở chỗ đó. “Bom tấn” ở đây không nằm ở tiền hay trữ lượng kỹ xảo mà là dư chấn trong lòng người, cả ở mặt cảm xúc lẫn lý trí.
Tôi nghĩ rằng trong 2019 này, điều tôi muốn xem nhiều nhất chính là những so sánh cốt lõi như vậy. Đưa lên bàn cân những đối tượng truy xét cụ thể. Đánh giá sự trượt / trúng của từng lối dựng hình. Và phân tích nguyên do cụ thể.
#Nhiên
27.1.2019