Điều khiến tôi lưu tâm nhất từ buổi ra mắt sách này, quyển “Thiện và Ác và Cổ Tích”, chính là trao đổi qua lại ở phần giao lưu giữa 2 bên phát hành và người đọc về cái Ác, hay là tâm tình của những nhân vật phản diện. Tôi sẽ còn trở lại với đề tài cực kỳ quan trọng này trong một bài nhật ký khác.
Trong bài đầu tiên, tôi viết lại ấn tượng “đầu tiên” của mình về buổi này. Đây là lần đầu tiên trong năm 2019 tôi đến với một buổi ra mắt sách. Đây cũng là trải nghiệm đầu tiên với không gian này (Trung tâm sách Kim Đồng). Với một dạng sách tranh (artbook) thì đây cũng là lần đầu tiên dự phần. Buổi này lại có kết hợp phần triển lãm. Dù chỉ là một trưng bày thu gọn nhưng các tranh treo ở lối đi và bốn bề thật sự rất quyến rũ. Cầm bìa sách rời trên tay, mở ra tất cả các nếp gấp, tôi có ngay 1 bức tranh khổ ngang theo lối tương phản của 2 khuôn mặt Thiện và Ác. Điều đặc biệt là ở phần nửa sau diện mục, tính tương phản lại được điệp thêm 1 lần nữa. Nghĩa là tương phản toàn bộ và tương phản cục bộ (rắn ở nơi thiện và sen ở nơi ác) ngay trong 1 bức tranh. Ẩn ý theo tôi là sự khôn lường, biến ảo, có đó và cũng không đó trong tướng thiện, tướng ác, trong tính thiện, tính ác. Chúng ở ngoài nhau, tách bạch mà chúng cũng ở trong nhau, hiệp chung.
Bìa mềm của quyển sách bên trong chỉ còn lại 3 sắc đen, trắng, đỏ với khuôn mặt ác lồng hợp trong khuôn mặt thiện như để diễn rõ hơn ẩn ý ở bìa rời. Đây sẽ là căn cứ để tôi viết về 2 khái niệm rất quan trọng, đó là bóng âm và sự phóng ngoại trong địa hạt tâm lý học chuyên sâu và văn học trong bài tiếp theo.
Thật sự là một bữa tiệc mỹ thuật đúng nghĩa khi nhớ lại buổi này, khi đọc quyển sách này! Có một cuộc triển lãm thu nhỏ thực sự trong khán phòng. Và cũng có một cuộc triển lãm thu nhỏ thực sự trong sách. 16 họa sĩ trẻ theo những tư duy thẩm mỹ khác nhau, cách chọn bố cục, đường nét, mảng khối, màu sắc khác nhau đã cùng tập hợp để trình hiện lại không gian huyền sử và cổ tích Việt Nam. Thật đáng tiếc khi trình độ tôi quá nông cạn! Thế nên tôi không biết nhận xét gì ở khía cạnh hội họa. 2018, tôi tập trung phần lớn thời gian cho điện ảnh, mà cụ thể là ở phương diện văn học. Khởi phát từ buổi tham gia sáng nay, năm 2019 có lẽ sẽ là năm tôi dấn thân nhiều hơn vào việc tích lũy các kiến thức xoay quanh chiếc cọ vẽ. Những thâu nhận từ đây chắc chắn không gây xao nhãng mà trái lại còn bổ túc rất nhiều cho việc trở thành 1 khán giả điện ảnh tốt hơn. Vì đây đều cùng chung một suối nguồn tri thức về kể chuyện bằng hình.
Nhắn đến cụm từ “kể chuyện bằng hình ảnh”, tôi quay lại với phần kể, phần văn học. Vì đây là sách tranh, một thể loại kết hợp giữa văn chương và mỹ thuật, tôi không có gì ngạc nhiên trước số lượng câu chữ khiêm nhường xếp hàng ngay cạnh các bức vẽ. Câu chữ đã không còn độc quyền gợi khơi sức tưởng tượng cho người đọc. Công việc ấy được san sẻ cho các khối màu và đường nét. Trái tim của sách là những bức tranh. Và chất dẫn truyền xâu chuỗi là lời văn tối giản. Điểm đặc biệt ở đây là đúng như tiêu đề Thiện Ác, cấu trúc tự sự được chia 2. 2 tuyến nhân vật chính diện, phản diện, hoặc linh dương, linh âm, hoặc tự ngã phân đôi sẽ cùng nhau giữ ngôi kể. Điều này tạo ra định dạng tự sự song trùng. Cách kể này cho phép người đọc hay người nghe như được sống trong 2 diễn tiến, 2 điểm nhìn. Tranh đã khoác một vẻ mới tươi lên 16 câu chuyện tưởng chừng quen thuộc. Văn lại ướp một hương vị tinh khôi vào những gì tưởng như xưa cũ. “Thiện và Ác và Cổ Tích” vì vậy theo tôi không thể nào là sách cho tuổi nhi đồng. Và dĩ nhiên sách cũng không phải là một nước thử dễ dàng cho một người trưởng thành. Sách có 2 tuyến kể và đối tượng của sách cũng dành cho 1 cặp đồng hành. Đó là Cha và Mẹ và Con Trẻ. Sự hồn nhiên có thể ánh chiếu lên các chuyện kể một bình minh mới lạ. Và thăng trầm nhiều phen cũng có thể làm mới tri thức của bậc phụ huynh cũng như giúp họ tường giải cho trẻ nhỏ. Hơn hết cả hai bên nếu cùng sở hữu một trái tim khát khao kiến thức mỹ thuật thì những tập sách như thế này hẳn là một nguồn cảm hứng. Chưa biết thì cần phải biết. Chưa hiểu thì cần phải học. Và cái biết, cái học của người làm cha làm mẹ sẽ không chỉ là lợi ích cho mình mà cả cho những đứa con.
Tôi tin rằng, vẽ sao cho y đúc thực tại hay vẽ sao cho khớp với người vẽ trước chính là tận thế đối với hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung, thế nên nếu bước vào lãnh vực này mà chỉ muốn hưởng thụ những thẩm thấu thị giác đã từng, đã là thì đó sẽ là sự đóng băng trong năng lực cảm thụ. Mà nếu mình đóng băng thì mình có gì để những đứa con thừa kế? Đẹp, không đẹp. Nhưng là đẹp ở điểm nào, không đẹp ở điểm nào? Gợi khơi cảm xúc, không có cảm xúc. Vậy thì nguồn cơn từ đâu? Đó là câu hỏi dẫn để từng bước tiến lên, tiến thêm vào nghệ thuật kể chuyện bằng hình.
Tôi vẫn còn nhiều điều chưa viết hết.
#Nhiên
5.1.2019