9.9.17

Tâm hồn mẹ | 24 Wochen

Phim Đức, 24 Wochen, Anne Zohra Berrached

Cách nay về trước, suốt 3 năm, thỉnh thoảng tôi vẫn đọc được thông tin về những tuần phim quốc tế tại Việt Nam. Vì nhiều lý do, tôi vẫn chưa tham dự một buổi nào. Đó thật là một mất mát, một nỗi hư hao vô chừng! 


Lần đầu xem phim Đức

Tôi ý thức rất rõ những dịp như vậy là cơ hội quý báu để đôi mắt thoát khỏi sự xâm thực của bom tấn Hollywood, sitcom trá hình điện ảnh và các món lẩu thập cẩm châu Á. Có những chân trời khác. Có những người bay khác. Vậy mà tôi vẫn chưa một lần dũng mãnh băng qua sức ì của bản thân. Sự làm biếng, ngu si và an phận đã chặn đứng hai bàn chân tìm tới những bình minh hay hoàng hôn rất khác.

Đêm 7.9 vừa qua, đời sống điện ảnh khô hạn rẽ sang một bước ngoặc mới. Lần đầu xem phim Đức, xem trực tiếp tại rạp cùng chính đạo diễn và có thêm cơ hội tham vấn. Vậy là chỉ trong vòng chưa tới 2 tuần, tôi có được liên tiếp 2 lần “xem” phim, xem với những đặc tính vừa kể. Với tôi, cả 2 mới đúng là những trải nghiệm điện ảnh thực thụ.

Bộ phim tôi theo dõi có nhan đề 24 Wochen tức 24 tuần. Và đây lại là một tác phẩm được ra đời bởi một người nữ, chị Anne Zohra Berrached

Con số 24 tuần là khoảng thời gian mang thai của một nữ nghệ sĩ hài độc thoại có tên “Astrid” (thể hiện bởi Julia Jentsch). Cô đứng trước một quyết định gây thương tổn và chia rẽ cho chính mình, cho gia đình, cộng đồng và cả đức tin tôn giáo. Phá hay giữ quyền sống của một sinh linh.


Tâm hồn mẹ

Có lẽ không có buổi này thì cũng chẳng thể nào tôi lại được dịp xem một bộ phim hiện thực xã hội được sản xuất bởi những nhân sự người Đức. Với một tâm thế như vậy, tôi dồn đặt hết sự chú tâm vào từng cảnh và trường đoạn. 

Nửa chiều dài thời lượng, tôi hồ nghi mình như đang xem một thể phim tài liệu. Và điều gây khó chịu nhất chính là sự rung lắc của điểm nhìn. Có những khung hình tĩnh nhưng không được bao lâu thì thị giác lại phải hấp thu những ảnh động nhấp nhô. Ngồi tại rạp mà chẳng khác ngồi trên một con tàu. Quả là một thách thức không hề nhỏ cho lần đầu tiên! 

Nhưng càng về cuối, cảm giác nhấp nhô không còn. Hoặc có lẽ là tôi cũng đã dần quen (?) Hay có điều gì đó (tôi không thể gọi tên) khiến tôi thể nhập hoàn toàn mà quên đi những dao động khác (?). Các tuyến phụ gây phân tán mất dần. Chỉ còn hình bóng của người mẹ, người mẹ đã trải qua hai lần đau thương tột độ và giờ tiếp tục rên thét trong cơn đau cuối cùng. Sự yên ả sau đó và rồi một cái kết nhanh, mạnh, ập đến khiến cho tôi bàng hoàng nhận ra tất cả những gì mình vừa xem chính là ánh nhìn của một người phụ nữ khi mang thai, là tâm hồn của mẹ, là tất cả những cung bậc cảm xúc khi được làm mẹ…trong 24 tuần.


Mong ước riêng chôn

Thắc mắc khi đến phần giao lưu của tôi là quá trình người đạo diễn xinh đẹp này viết kịch bản, gọi vốn đầu tư và phát hành tại Đức. 

Thật may mắn là có vài câu hỏi của khán giả đã rơi trúng vào vùng ưu tư này! Càng về cuối, khán giả càng nhiệt. Ánh mắt của chị Anne cũng lấp lánh theo từng cánh tay đưa. Về phần mình, tôi cũng dại dột hỏi một câu về tình hình doanh thu, sự đón nhận của công chúng Đức và các hoạt động hỗ trợ của chính phủ Đức cho những dòng phim hiện thực xã hội. 

Ước muốn chôn dấu của một khán giả bình thường như tôi chính là được nhìn thấy những bộ phim Việt Nam tương tự, những bộ phim khai thác đề tài hiện thực đất nước. Và dĩ nhiên là cả những người say mê và nhiệt thành yểm trợ tài lực cho những tác phẩm dạng này. Thực lòng tôi muốn phần hỏi đáp với chị Anne cứ kéo dài mãi!

*Tuần phim do Viện Goethe lựa chọn vẫn đang tiếp tục được trình chiếu


Đạm Nhiên
khởi ý 7.9 / hoàn thành 9.9.2017

T/B: 

*Tôi nghĩ để có một buổi công chiếu trọn vẹn thì nguồn sáng duy nhất chỉ có thể là màn hình. Tiếc là vẫn còn những đường ánh sáng xanh ở ngay lối đi. Điều này gây phân tâm và ảnh hưởng đến việc thưởng thức tác phẩm.

*Ở tấm ảnh minh họa, đúng lẽ tôi phải ghi 24 tuần. Nhưng sau khi xem phim được 24 giờ, những hình ảnh của bộ phim vẫn còn đang in hằn trong tâm trí. Vậy nên tôi đặt vào ảnh hàng chữ 24 giờ.