Chiến tranh chưa bao giờ là đề tài ưu tiên của tôi. Trường hợp phải đặt cạnh âm nhạc thì điều này càng trình hiện rõ nét. Nhưng chắc chắn rằng câu hát “20 năm nội chiến từng ngày” (Gia Tài Của Mẹ - 1965) của Trịnh Công Sơn, bằng một cách nào đó đã đóng một dấu son đỏ chói vào tâm hồn con trẻ (thập niên 1990).
Rồi đến khi có ý thức chủ động đi tìm một nguồn nhạc cho chính mình, tôi ngưỡng vọng một gia tài đồ sộ khác: Phạm Duy cùng Ngàn Lời Ca. Một trong những nguồn cấp từ ông khiến tôi say mê chính là 4 tập Hồi Ký (đăng tải trực tuyến trong thập niên 2000). Trong số những trường thiên ấy, có một lối mô tả làm tôi ghi nhớ, “Thời phân chia Quốc Cộng”.
Cặp ngoặc kép vừa nêu như chiếc chìa khóa vàng. Chúng mở ra một cánh cửa khác, đưa tới ánh sáng. Và nhờ đó tôi đã có một ánh nhìn khác về chiến tranh Việt Nam (1954-1975).
Điều gì đúng, điều gì sai? Đâu là sự thật? Những câu hỏi tương tự không phải là thứ tôi quan tâm. Cái tôi cần chỉ là thêm một ánh nhìn và càng nhiều ánh nhìn càng tốt. Sự thật không phải thứ tài sản mà ai đó có thể độc quyền chiếm hữu. Nhưng rất tiếc, người ta luôn nhuộm màu sự thật bằng những ước nghĩ độc tài. Thế nên, không còn cách nào khác, tôi phải sưu tầm thật nhiều sự thật đã được đóng chai và dán nhãn. Diễn tiến này có thể không giúp ích gì cho tôi trong việc tìm ra sự thật nguyên chất. Nhưng đây lại là một cách trợ phương hữu hiệu để nhận rõ bao nhiêu phần trăm trượng phu và lương thiện trong cách người ta đã dãn nhãn, đóng chai.
Mang trong lòng một tâm ý như trên thế nên tôi trân trọng vô vàn buổi xem thử 2 tập trong chuỗi 10 tập của bộ phim tài liệu The Vietnam War (2017). Đây đích thực là cơ hội để tôi có thêm một ánh nhìn. Và với những gì đã trông thấy, tôi tin rằng xuất phẩm này không thể nào được thực hiện bởi những con người cẩu thả, hời hợt, thiếu bao dung và đầy hận thù.
Tựa như một quyển sách sử sống động, từng trang thời gian, từng cột mốc, từng sự kiện được tái hiện bằng một lối kể sinh động và lôi cuốn. Từng nhân vật ở bên thắng cuộc lẫn bên thua cuộc đều có cơ hội tuôn trải lòng mình. Sự chân thực như sóng vỗ, hết lớp này đến lớp kia. Và người xem có thể rơi lệ. Tôi tin rằng bất kỳ ai toàn tâm thâu nhận những thước phim này đều có thể sẽ rơi lệ, cho phía này, cho phía kia hoặc cho cả hai. Và trên hết, rơi lệ vì sự vô nghĩa của chiến tranh.
Trên cả, nằm ngoài tất cả, The Vietnam War không phải chỉ là những trận chiến và xác người mà đó không khác gì một bản phác thảo tâm thức của toàn bộ xã hội Hoa Kỳ và Việt Nam trong những ngày đau thương tàn khốc. Cuộc chiến đã gây chia rẽ và ngọt khứa những vết thương sâu hoắm trong lòng cả hai dân tộc.
Trong một khoảnh khắc lắng đọng, tôi nhận ra một niềm riêng âm thầm chôn dấu bên dưới những khung hình. Đó chính là ước vọng hòa giải, là những vòng ôm của thấu hiểu và thứ tha.
Thứ thanh âm trầm tích ấy tôi muốn được nghe thấu, nghe lại, nghe thêm, thêm một lần nữa.
Hẹn ngày 17.9! Chờ trông!
Đạm Nhiên