Ngày 26.8, chuyến bus mang số hiệu 14 (Miền Đông – Miền Tây) của tôi có một trạm dừng khác lạ với thường nhật. Tôi xuống xe ngay tại mặt hậu của Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ. Tôi đi bộ ngược chiều làn xe di chuyển, đến ngã tư Hai Bà Trưng, rẽ trái rồi bằng qua thêm một ngã tư nữa. Điểm đến cuối của tôi sẽ là nơi trình chiếu bộ phim Chiến Tranh Việt Nam (The Vietnam War), một xuất phẩm của hãng Florentine Film, phân phối bởi Public Broadcasting Service (PBS / USA).
Theo những gì tôi đọc thì thời điểm phát hành chính thức của phim tài liệu này là vào chủ nhật ngày 17.9.2017. Vậy mà trước 22 ngày, tức sớm 3 tuần lễ so với toàn bộ thế giới, tôi lại được dịp xem 2 tập (mỗi tập có độ dài 60 phút) trong tổng số 10 tập của công trình điện ảnh đồ sộ này. Không những vậy, trong số những người hiện diện có cả một trong hai đạo diễn. Đó là cô Lynn Novick. Với một người xem phim bình thường và nghèo nàn vốn kiến thức chuyên môn như tôi, đây thật sự là trải nghiệm mà tôi xin mô tả ngắn gọn: Điều ngọt ngào tháng 8.
Tôi luôn thích những gì thiệt thà. Và đức tính ấy tựa như một đỉnh núi cao mà tâm tư tôi luôn hướng tới. Tự hiểu bản thân vẫn còn là một người giả trá thế nên tôi luôn khát khao được tìm tới một nơi chốn, một bằng hữu có khả năng chuyên chở vào hồn mình thật nhiều sự chơn thiệt.
Có lẽ vì vậy mà từ lâu tôi đã dành tình cảm đặc biệt cho thể loại phim tài liệu. Trong suy nghĩ đơn sơ của tôi, phim tài liệu hẳn phải là những câu chuyện thật được kể bởi những con người thật. Do mới chỉ thật sự để tâm và có những hoạt động tìm hiểu điện ảnh thật sự từ đầu năm 2017 nên vốn liếng xem thể loại phim này của tôi bằng O, cả Việt Nam, lẫn thế giới. “Xem” như tôi vừa viết là xem tại rạp, xem có đạo diễn cùng xem và có được dịp may trò chuyện với chính họ.
Khi ngồi trên xe bus, lòng tôi đã dấy lên một dự cảm về tâm thế của cả hai đạo diễn là Ken Burns và Lynn Novick, “Họ sẽ kể về Chiến Tranh Việt Nam như thế nào, từ điểm nhìn nào?”
Tôi đoan chắc cách kể về Chiến Tranh Việt Nam của họ sẽ rất khác so với những gì tôi đã được học từ môn lịch sử của Bộ Giáo Dục & Đào Tạo Việt Nam hay tất cả những gì tôi được thấy, được nghe từ Bên Thắng Cuộc. Tôi cũng không hề mong đợi những gì mình sẽ chứng kiến lát nữa đây là tiếng nói, là tiếng lòng của Bên Thua Cuộc. Mong ước của tôi nằm ngoài Thắng / Thua, nằm ngoài Tư Bản / Cộng Sản.
Điều tôi hy vọng là mình sẽ được thâu nhận một cách kể, một cách nhìn vượt ra khỏi tất cả. Cách kể, cách nhìn không phải ở bất kỳ bên nào. Đã có sự thật từ Bên Thắng Cuộc, đã có sự thật từ Bên Thua Cuộc. Giờ thì tôi chờ trông một sự thật nữa, sự thật từ Bên Ngoài Cuộc.
Đạm Nhiên