Trong giờ đầu tiên xem The Vietnam War, có một cảnh được chèn vào tiếng hát của cô Khánh Ly. Đó là bài Ướt Mi (Trịnh Công Sơn, sáng tác 1958). Đó cũng lần duy nhất trong buổi chiếu thử tôi được nghe một bài nhạc Việt Nam.
Kết thúc mỗi tập phim luôn là một bài nhạc tiếng Anh. Theo phán đoán của tôi, những bài này được sáng tác trong chính giai đoạn 1954-1975 và có tính phổ quát nơi quần chúng. Ngoài phần kết phim, trong nhiều thời điểm khác nhau của từng tập cũng có các ca khúc khác được nhúng thả. Hầu hết đều quyến rũ thính giác. Tuy vậy, với tôi, một người Việt Nam, không gì hay hơn Dạ Cổ Hoài Lang. Hoặc viết theo một câu của nhạc sĩ Phạm Duy, “bao nhiêu thiên trường ca không qua câu mẹ hò” (Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài, sáng tác 1969). Có lẽ vì tư tưởng ấy án ngữ cộng với hiểu biết sơ sài về nhạc thuật nên tôi cũng không thể viết gì nhiều hơn về âm nhạc trong phim này hay đầy đủ hơn là thuật ghép nhạc của nhà làm phim. Duy chỉ có một điều cần phải thành thật…
…đó là ở những trường đoạn trên không, khi mà máy bay Mỹ bắt đầu nổ súng, rải thuốc diệt cỏ hay thả bom vào Bắc Việt hay Nam Việt, âm nhạc được sử dụng lúc ấy tôi không thể hiểu được là vì dụng ý gì? Và nếu có một dụng ý nào đó (như là một thủ thuật điện ảnh đơn thuần) thì tôi cũng không thể nào thoải mái và an ổn. Cảnh tượng bom đạn của nước ngoài dội tuôn xuống quê hương không bao giờ, không thể nào khiến tôi có thể hình dung bằng tư duy âm nhạc.
Liệu một người Mỹ có thấy thoải mải và an ổn, có thể thưởng thức âm nhạc khi biết rằng số tiền của họ trở thành một phần trong dòng lưu kim dành cho chiến phí? Và chắc chắn rằng số USD không hề nhỏ ấy đã được đánh đổi thành lựu đạn, bom mìn, hóa chất tiêu diệt sinh mạng và hủy hoại tài nguyên thiên nhiên của một quốc gia.
Ai có thể cảm nhạc trong lúc này? Tôi không biết, nhưng chắn chắc không phải là tôi.
Đạm Nhiên