Trong khoảng 3 năm gần đây, có một tín hiệu của điện ảnh Việt Nam mà tôi tin rằng là một tin rất vui. Đó là sự xuất hiện của bộ phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, công chiếu tại Việt Nam vào tháng 12.2014).
Mặc dù đề tài đời sống của những người chuyển giới không phải là mối bận tâm hàng đầu nhưng việc một bộ phim tài liệu được phát hành qua hệ thống rạp chiếu, bán vé, thành công ở mặt doanh thu đã thật sự khiến tôi vừa ngỡ ngàng vừa phấn khích. Tuy nhiên vì chỉ chính thức tìm hiểu đời sống điện ảnh Việt Nam từ đầu 2017 nên đến tận thời điểm này tôi mới bắt đầu đọc những dòng thông tin đầu tiên về toàn bộ tiến trình phôi thai và ra đời của tác phẩm này.
Trong tháng 8, tôi tìm được một quyển sách cũ mang tựa đề “Chuyện Nghề Của Thủy” (NXB Hội Nhà Văn, phát hành 2013). Nhờ đó, tôi biết thêm một bộ phim tài liệu gây tiếng vang khác của Việt Nam mang tựa đề “Chuyện Tử Tế” (đạo diễn Trần Văn Thủy, công chiếu 1987).
2 tín hiệu, 2 cái tên vừa nêu giúp tôi phát hiện một tình cảm đặc biệt nơi mình với dòng phim này. Và trong những ngày cuối tháng 8, thêm một ấn dấu nữa, ấn dấu thứ ba. Lần đầu tiên tôi có được cơ hội thưởng thức trực tiếp một bộ phim trong cùng một thể tài: The Vietnam War.
Thông tin đầu tiên khiến tôi ngỡ ngàng chính là số kinh phí làm phim khổng lồ đằng sau. Làm sao đạo diễn có thể thuyết phục được một lượng lớn mạnh thường quân? Con đường sản xuất, phát hành tại Mỹ có gì khác so với Việt Nam? Cần phải đáp ứng yêu cầu nào để nhận được những gói vốn dành cho dòng phim hiện thực xã hội? Đó là những nghi vấn của tôi trong buổi chiếu thử. Và ẩn sâu bên dưới còn là một mong ước: dòng lưu kim nhàn rỗi tại Việt Nam sẽ được chuyển dời cho những dự án mô tả thực trạng đất nước.
Tôi đã sẵn sàng cho những bộ phim tử tế và những người làm phim tử tế. Chiếc vé tôi đã cầm chắc trong tâm tưởng. Tôi sẽ gắng cố để là một người xem phim tử tế. Mong sao những nhà đầu tư tử tế sớm xuất hiện!
Đạm Nhiên