27.6.17

Thành Lộc | Đảo Của Dân Ngụ Cư | +18

Đảo Của Dân Ngụ Cư, Thành Lộc, Đạm Nhiên

Hôm nay, nam chính trong dòng nhật ký liên quan đến Đảo Của Dân Ngụ Cư của tôi sẽ là diễn viên hài kịch Thành Lộc.

Tôi biên chép những dòng dưới đây trong niềm cung kính của một hành Kim hướng về một hành Thổ. Dựa trên những suy nghĩ sơ khai nhất về ngũ hành, tôi tin rằng anh sẽ quý mến và có phần nâng đỡ cho những bồng bột của tôi. Vì mối tương sanh giữa Thổ và Kim. Ấy là xét trên thuật toán âm dương của Đông Phương Học. Còn nếu động đến phép tính cộng của người Tây, khoảng cách giữa chúng tôi là hăm ba. Hăm ba. Hăm ba mùa mưa nắng là điều kiện đủ cho một giềng mối cha con nên hình. Chánh thực là vậy! Ẩn bên dưới những hàng chữ này là tâm thế của một hài nhi, một thân phận cùng tử đã lạc mất gia đàng. Gia đàng mang tên Sân Khấu.

Trước tiên, hãy bắt đầu bằng một quyển sách. Đúng ra là hai quyển.




1.

Tôi đang đọc quyển "Cẩm nang thư ký trường quay" (tựa gốc Script Supervising and Film Continuity, tác giả Part P. Miller). Sách được trao tay vào trưa 24.6.2017. Địa chỉ nhận 19B Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3. Nếu không có duyên tình với Đảo thì thiết tưởng tôi cũng không bao giờ có thể chạm đến sách và không gian này. Sách dày chỉ hơn 300 trang. Không phải là con số quá lớn. Và thời gian biểu đọc sách đã đi qua ngày thứ ba. Tuy vậy, việc đọc khá khó khăn. Từ ngữ của tác phẩm có phần thô ráp đối với tôi. Tôi nhìn ra ở bìa có đến bốn dịch giả. Điều đó dấy lên trong lòng thắc mắc, "Liệu cả bốn giọng văn có chen lấn, đẩy xô nhau?". 

Trong năm 2017 này, đây là ấn phẩm thứ hai liên quan chủ đề điện ảnh mà tôi đọc. Khác với ấn phẩm đầu được viết hoàn toàn bằng tư duy tiếng Việt, quyển thứ hai là một nỗ lực chuyển dịch từ nguồn Anh ngữ. Cảm giác của tôi lúc này không khác gì xem Đảo, một tác phẩm chánh hiệu thai nghén từ văn hóa Việt và một bộ phim bom tấn nước ngoài chạy phụ đề bên dưới khung hình. Chắc chắn lựa chọn của tôi, nếu rơi vào tình thế giữa 2 chọn 1, giữa muôn vàn chọn mỗi một thì chắc chắn sẽ là phim Việt. Tuy nhiên vì công cuộc xóa mù chữ, xóa nghèo vốn kiến thức điện ảnh, tôi nhất quyết tiến đến trang cuối cùng của quyển này cũng như toàn bộ các quyển khác trong một dòng chảy tri thức được gọi tóm lược: "tủ sách điện ảnh".

Hiện tại, tôi vẫn chưa qua khỏi chương đầu tiên. Khi xem đến trang 21 thì hàng chữ in hoa GIỮ TÍNH ĐỒNG BỘ (RACCORD) CỦA PHIM LÀ MỘT NGHỀ đã chắn ngang bước chạy của tâm tư. Tôi dừng lại rồi dừng hẳn và chuyển sang một tác phẩm khác ở dạng hồi ký hay tự truyện. Cuốn mang tên ngắn gọn: Tâm Thành Lộc Đời

Tại sao lại có chuyện dừng bước sang ngang này? Tại vì chính thuật ngữ chuyên ngành ấy. Raccord. "Raccord" là từ nước ngoài duy nhất xuất hiện trong bài cảm nhận về bộ phim Đảo của Dân Ngụ Cư mà tôi đọc vào ngày 13.6.2017. 

Thực lòng là trong giây phút trưa hôm ấy, khi nhìn thấy "Raccord", tôi không hề hiểu chữ ấy ám chỉ điều gì. Bài cảm nhận ấy cũng là bài cảm nhận duy nhất về Đảo mà tôi đọc cho đến hôm nay. Duy nhất nghĩa là đầu tiên và cũng là cuối cùng. Cũng chính sơ duyên bởi từ khóa "raccord" mà tôi đã nhanh chóng xác quyết, "Không còn thời điểm nào lãnh hội Tâm Thành Lộc Đời thích hợp hơn nữa!"



2.


Tôi sẽ viết những suy nghĩ của mình về cuốn tự truyện ấy trong một dịp khác. Còn hôm nay, nội dung sẽ không ngoài chủ đề về Đảo và nguồn cơn cho mọi sự chính là bài cảm nhận được hoàn tất vào đêm ngày 9.6. Thời điểm tôi đọc nó là trưa ngày 13. Tính đến hôm nay, 27.6 là vừa tròn chẵn 2 tuần lễ. Tôi sẽ nhớ rất lâu con số 13.6.2017. Vì một lẽ khác nữa là tôi đã nhận được những phản hồi từ diễn viên hài kịch Thành Lộc. Đó là lần đầu tiên, lần đầu trong kiếp sống này. 

Với tôi, chuyện mang chữ mình sang một tường nhà khác đã là một sự hiếm. Và chuyện nhận được phản hồi từ anh còn là nỗi bất ngờ vượt ngoài mong đợi. Có lẽ anh đã quên. Tôi thì còn nhớ. Đứa con đang tìm đường trở lại gia đàng còn nhớ, có nhớ, mãi nhớ.

Tôi suy đoán tác giả đã soạn thảo những ký tự bằng việc bấm hai ngón cái vào bàn phím điện thoại di động thông minh màn hình phẳng. Soạn rất nhanh và dựa trên một thoáng suy tư ngay sau khi xem xong bộ phim đúng ngày công chiếu. Thể thức của bài cảm nhận đó không khác gì nhật ký dưới dạng bản nháp. Giả sử, tôi đã là một ghostwriter chuyên nghiệp, nếu có được thời gian gần kề, tôi sẽ trao đổi nhiều hơn với người đăng tải. Từ những ý chính yếu, tôi có thể nhuận sắc để bản sơ khai ấy thành ra một đoản văn hoàn chỉnh với đúng chất giọng (hay là chất nhạc bên trong) không thể lầm lẫn của anh. Nếu có thêm một người cận sự hoạt động trong chuyên ngành báo chí, chắc chắn chúng tôi có thể biến bản thảo này thành văn bản đúng chuẩn đặc san chuyên sâu về điện ảnh.

Giả sử thế thôi. Vì đời thì không bao giờ có chuyện giả sử. Tôi muốn trích dẫn nguyên văn bài cảm nhận ấy tại đây và triển khai 7 dòng suy nghĩ nối tiếp ngay sau đó như một dạng hồi đáp dựa theo 7 ý mà tôi tâm đắc nhất từ bài cảm nhận. Hẳn nhiên, so với bản gốc thì với bản chép lại bên dưới tôi xin phép thay đổi khoảng 2% các ký tự và dấu chấm. Chỉ vì hai mục tiêu. Đẹp. Mượt mà.



3.

~~~

Cảm nhận của diễn viên THÀNH LỘC về bộ phim Đảo Của Dân Ngụ Cư.

Tôi thích phim nầy quá! 

Thật lâu điện ảnh Việt mới có một bộ phim nghệ thuật thật xứng đáng để vui mừng mà xem, mà thưởng thức!

Hồng Ánh có quyền hãnh diện với 3 giải thưởng mà cô ấy đã đoạt được trong một liên hoan phim tầm quốc tế. Bản thân cô đã là một diễn viên điện ảnh đạt được nhiều giải thưởng lớn, đã từng là thành viên giám khảo của liên hoan phim châu Á Thái Bình Dương, nên việc làm một bộ phim đầu tay lại phải mang dấu ấn nghệ thuật quả là một áp lực với cô! Nhưng cô đã làm được và làm giỏi! Thật mừng!

Với các bạn trẻ yêu điện ảnh và luôn ủng hộ dòng phim nghệ thuật Việt, đừng bỏ qua cơ hội để thưởng thức bộ phim này! Hãy xem để hiểu những tiêu chí nghệ thuật của các liên hoan quốc tế là như thế nào! 

Chuyện mỗi người sẽ tự tìm hiểu ra cái tầng ý nghĩa thứ 2 của bộ phim được ẩn dấu đằng sau câu chuyện là tùy vào sự cảm nhận mỗi người. Mà cái đó mà viết ra đây thì kỳ lắm. E là có khi phim bị ngưng chiếu thì...uổng (ahihi!). Thích cái tứ ví von cái vùng đất ấy, cái ngôi nhà ấy, cái con người ấy. Là cái đảo mà lại còn là đảo của dân ngụ cư!

Giá mà :

- Tiết tấu phim và con người trong phim nhanh hơn tí. Vì chuyện xảy ra không phải thời Pháp thuộc.

- Người cha phát hiện sợi dây mặt đá màu xanh biển của cô con gái hay hơn là cái hộp quẹt máy! Vì chính cô gái nói cái gì không phải của ba mua là ông nhìn biết ngay. Chi tiết mặt đá mới liên ý với khát vọng được nhìn thấy biển của cô. Cái hộp quẹt máy cũng được nhưng chỉ nên là sau đó.

- Có một chi tiết sai raccord khá nặng và uổng nhưng sẽ không kể vì để khán giả phát hiện mới tinh!  Hì hì.

- Vì tiết tấu phim cố tình chậm nên đôi khi diễn xuất và hành động của nhân vật bị chậm một cách không tự nhiên.

Sau cuối:

- Dàn diễn viên hay đều nên xem thoả mãn lắm lắm! Cảm ơn Hồng Ánh góp phần cho tôi còn tin là xứ mình vẫn còn phim hay!



Thành Lộc
22:15, ngày 9.6.2017

~~~



4.



"Một bộ phim nghệ thuật thật xứng đáng để vui mừng mà xem, mà thưởng thức!"

Rất thành thực và không muốn khoác lên mình tấm áo khiêm tốn giả mạo, cho đến giờ phút này tôi vẫn chưa hiểu "thế nào là một phim nghệ thuật". Và tôi cũng không có nhu cầu đi tìm một định nghĩa hay giảng giải nào cả. Dù rất tôn trọng giáo dục và sự học hỏi nhưng tôi ý thức mình không phù hợp với đường lối chính quy. Tư duy thẩm mỹ của tôi trưởng thành từ đường phố. Lối xem phim của tôi có thể nói là dựa hoàn toàn vào bản năng. Có những phim xem xong rồi chẳng đời nào tôi xem lại. Có những phim ăn nhập đời sống và tạo nên cốt cách ứng xử hằng ngày. Từ thực tế đó một bản mô tả thể loại phim ưa thích vô hình, vô ngôn được tạo lập trong tâm trí. Xem rồi tự mình đúc kết. Xem rồi đọc thêm các tư liệu chuyên ngành. Đó là đường tâm của tôi. Tôi không có gì tự hào với kiểu đào luyện này, có đôi lúc rơi vào trạng thái mặc cảm tự ti. Nhưng biết sao được, đó đã thành nếp, thành dòng.

Thế cho nên nghe những chữ như "một bộ phim nghệ thuật" thì lòng tôi trống rỗng. Nhưng đến đoạn "xứng đáng để vui mừng mà xem, mà thưởng thức" thì tôi hoàn toàn đồng cảm. Cảm giác khi tôi khi đến rạp lần đầu, lần hai, lần ba rồi lần bốn đều không mảy may thay đổi. Háo hức, mừng vui, nôn nao, khấp khởi. Tôi đang hạnh phúc trong những ngày này, những ngày được sống trong tâm thế của một cậu học trò tản bộ đến trường. Thăm Đảo không khác cảm giác lần đầu đi học.

Tôi còn bất ngờ là một diễn viên thực lực như Thành Lộc lại đồng điệu với mình trong sự yêu thích tác phẩm này. Một kẻ mà những bài học về văn nghệ được cóp nhặt nơi đầu đường xó chợ cuối cùng lại có chung một ánh nhìn với một nghệ sĩ tiền bối toàn tài. Điều đó, với tôi, thực là một niềm chữa lành lớn lao.





5. 

"Hãy xem để hiểu những tiêu chí nghệ thuật của các liên hoan quốc tế là như thế nào!"

Đọc câu này thì tôi xem như vô vọng vì tôi hầu như không hề biết tới diễn biến chi tiết của các liên hoan quốc tế. Nơi tôi thường tra cứu nhiều nhất chính là danh sách các giải thưởng Oscar của điện ảnh Mỹ. 

Phát hiện của tôi là giải Oscar cũng có những tiêu chí, chuẩn mực mà nếu phim nào đi theo đúng thang giá trị của Viện Hàn Lâm Khoa Học và Nghệ Thuật Điện Ảnh Hoa Kỳ thì sẽ nhiều phần chắc giải. Dĩ nhiên, họ cũng cần tới một yếu tố khác. Đó là chiến lược quảng bá phim chu toàn trong mùa Oscar. Đồng thời theo đó là sự xử lý tài tình các khủng hoảng truyền thông do các đối thủ cạnh tranh khác giăng mắc trong cùng một mùa giải.




6.

"Tìm hiểu ra cái tầng ý nghĩa thứ 2 của bộ phim."


Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này. "Tầng nghĩa thứ 2" chính là nét khêu gợi lớn nhất của tác phẩm gốc, truyện ngắn. Sang đến điện ảnh, với hình động, âm thanh nổi, vẻ đẹp trầm tích của câu chuyện có thêm điều kiện thuận lợi để lộ thiêng bất kỳ lúc nào. 

Đọc bản văn học, tôi nhận ra trong một số câu chữ quan trọng nhất, câu chữ hàm chứa tinh thần chủ đạo, chất nổi loạn của tác giả. Sự nổi loạn rõ nét nhất chính là sự thách thức đến thượng tầng đời sống tâm linh. Ở thời điểm 1992 mà đã đặt ra một dấu hỏi đầy hùng lực như vậy, dấu hỏi về mặt tôn giáo. Tôi xin bày tỏ lòng kính phục chơn thiệt. Kính phục vì sự tiên phong khi mà những chủ đề như tâm linh hay "tự do tâm linh" tôi thấy mãi gần 15 năm về sau mới bắt đầu được đàm thoại hay chấp bút rộng rãi. 

Hẳn nhiên, trong phiên bản điện ảnh, đạo diễn không có ý định làm thêm rộng lớn gợi mở này, gợi mở về "tự do tâm linh". Chị Hồng Ánh theo tôi là đã đi theo một hướng khác, bám sát vào câu chữ "thăng hoa nội tại". Hình ảnh đôi chân trần của Chu trong lòng biển sâu hay hai hình hài ôm ấp nhau trên ảnh dán tường chính thức cũng như diễn tiến trên phim minh chứng cho điều ấy.

Viết đến đây thì tôi thấy tầng thứ 2 đã có hai cánh cổng rồi. Tức là nhị môn. Còn một cánh thứ ba nữa. Đó cánh cổng của dân tộc tính. Tính ẩn dụ đằng sâu nguồn gốc huyết thống của từng nhân vật lại là một khung trời chấp cánh cho trí tưởng tượng bay vút lên. Tháo tung cánh cửa này thì theo tôi sẽ dẫn tới một kết cục của nỗi e ngại tương tự như anh Thành Lộc. 

Vì chất thâm sâu và tính đa diện của câu chuyện về Đảo mà thực lòng tôi đã vô cùng âu lo cho phiên bản điện ảnh. Cần phải vững vàng lắm trong năng lực thì tác phẩm mới không rơi vào sự chông chênh của bao nhiêu tầng lớp ý nghĩa. Lời khen tặng mà anh Thành Lộc dành cho đạo diễn với tôi là một sự công tâm, không hề có sự câu nệ hay thậm xưng nào.




7.

"sợi dây mặt đá và hộp quẹt"

Theo ý của anh thì nên để người cha phát hiện sợi dây mặt đá thay vì chiếc hộp quẹt. Ở điểm này thì tôi nghĩ chị Hồng Ánh đã y theo cốt truyện trong nguyên tác. Chiếc mặt đá màu xanh (liên đới tới đến giấc mơ biển) đã xuất hiện vào cao trào. Còn chiếc bật lửa (liên đới đến ánh sáng dẫn đường) xuất hiện vào tình tiết tạo nên bậc tam cấp dẫn đến cao trào. Theo tôi, đây là một sự sắp xếp hợp lý. 

Chi tiết Chu bật diêm thắp nến hay những lần bật nắp zippo phát lửa của Miên và Phước là một ngụ ý khiến người xem dễ dàng liên tưởng đến một ẩn mã cho giấc mơ hay một hành động nổi loạn của các nhân vật này về sau.



8.

"Có một chi tiết sai raccord khá nặng."

Đây chính là nhận xét làm tôi lưu ý nhiều nhất. Trong lần ba xem Đảo Của Dân Ngụ Cư, tôi đã khám phá ra sai sót rất nặng này. Hy vọng là khám phá của tôi cũng trùng khớp với anh. Tuy nhiên, tôi nghĩ tình tiết đó cũng không quan trọng và không ảnh hưởng lớn đến mạch truyện.



9.

"Vì tiết tấu phim cố tình chậm nên đôi khi diễn xuất và hành động của nhân vật bị chậm một cách không tự nhiên."

Trong phần "giá mà", có đến hai lần, anh Thành Lộc nhắc đến sự chậm trong tiết tấu. Tôi không hiểu gì cả về khái niệm "tiết tấu của một bộ phim". Theo phán đoán của tôi, âm nhạc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiết tấu. 

Khi xem những đoạn cận cảnh vào côn trùng hay hoa lá thì tôi thấy kỹ thuật này được sử dụng rất nhiều trong Mùa Đu Đủ Xanh (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng. Những cảnh dùng đến kỹ thuật "máy bay quay" thì tôi thấy rất vừa vặn, không rơi vào sự lạm dụng như một số bộ phim khác. Những đoạn "chuyển động chậm" đặc biệt ở nhân vật Chệt Liếm khiến tôi tán thưởng vang dội trong lòng. Chệt Liếm là nhân vật trung tâm của Đảo và tôi nghĩ rằng cả biên kịch lẫn đạo diễn đã rất dày công để bày xếp rất nhiều chi tiết, hành động giàu ngôn ngữ điện ảnh để đặc tả về nhân vật này. Đó là còn chưa kể đến những trường đoạn sáng giá về diễn xuất bằng ánh mắt của Nhan Phúc Vinh và Phạm Hồng Phước. 

Trước khi xem Đảo, tôi có theo dõi một phim khác tựa là Manchester by the sea (2016), phim được đề cử đến 6 giải Oscar. Mạch truyện của phim này theo tôi là còn chậm hơn cả Đảo. Nhưng tôi vẫn ráng cố, ráng cố cho đến những phút cuối cùng. Hẳn nhiên đến đoạn cuối cùng, khi cao trào được tháo gỡ tôi thấy rõ sự chậm của bộ phim là một thủ pháp cần thiết và phù hợp với tinh thần tác phẩm. Còn ở Đảo, tôi không rõ lắm về sự chậm trong nhận xét của anh. Với tôi thì phim không chậm. Đơn giản là vì tôi đã thấy những phim còn chậm hơn rất nhiều.

Nhận xét về tiết tấu của anh Thành Lộc dẫu vậy vẫn là một điều quý đối với tôi. Tôi sẽ lưu giữ kỹ sự gợi mở này và sẽ tìm kiếm thêm dữ liệu chuyên môn để học tập.


10.

"Dàn diễn viên hay đều nên xem thoả mãn lắm lắm!"

Tôi đồng ý hai tay với nhận định này. Trong năm nay, tôi đã xem 4 phim Việt. Mặc dù tôn trọng tất cả các phim và đoàn làm phim nhưng tôi phải nói một câu rằng, "Đội hình của Đảo là quá mạnh so với phần còn lại". Tuyến phụ kinh nghiệm cùng tuyến chánh tươi trẻ. Cảm giác khi nhìn vào dàn diễn viên của Đảo không khác gì hàng thủ của tuyển Ý và hàng tấn công của Tây Ban Nha đang đá chung một màu áo vậy. Và ngạc nhiên lớn nhất của tôi là cả sáu diễn viên đều có không gian để đặt lại sức ảnh hưởng, nỗi day dứt và ám ảnh nơi người xem.

Đảo Của Dân Ngụ Cư là một tác phẩm tuyệt vời trong lòng tôi. Và giờ tôi lại có thêm một nhận định tuyệt vời từ một diễn viên tuyệt vời.

Tôi xin đặt dòng cuối cùng này thành lời cảm ơn chân thành đến anh Thành Lộc. 

Đạm Nhiên
21:39, ngày 27.6.2017