Tôi không có ruột rà gì với đoàn làm phim “Đảo của dân ngụ cư”. Lý do tôi liên tiếp viết những dòng nhật ký theo chủ đề này là sự bất chợt. Bất chợt hay dùng một cách gọi khác. Duyên phận. Duyên phận đã khiến cho “Đảo của dân ngụ cư” trở thành một trường hợp để tôi hao gầy nghiên cứu. Đúng hơn là nhìn vào gầm trời ấy tôi rà soát lại những lỗ hổng trong kiến thức điện ảnh lẫn trong đất nền văn hóa của mình.
Chiều nay ngày 8. Còn 1 ngày nữa là đến công chiếu. Tôi đang cầm tấm ảnh dán tường chính thức của bộ phim. Tôi muốn trình bày bốn ghi nhận.
Trước tiên là chân trái của nữ chính. Hẳn là có dấu hiệu bất thường. Có một độ cong vênh từ đầu gối cho đến mắt cá và bàn chân. Nếu là người trực tiếp gầy dựng ý tưởng cho bức ảnh này, tôi sẽ xin phép người làm ảnh chỉnh cho cẳng chân tong teo hơn nữa. Và độ gãy khúc, cảm giác không liền mạch trong ánh nhìn phải sắc nét thêm. Đây là đôi chân của một người tật nguyền. Mức độ khốc liệt và ám ảnh của nó đã được đặc tả trong truyện ngắn. Phiên bản điện ảnh đã gia giảm ít nhiều. Nhưng đây vẫn là một đôi chân thực vật. Cần phải tạo thêm sự tương phản rõ rệt hơn nữa. Nếu là thoáng qua, tôi không nghĩ nhiều người sẽ phát hiện sự khác lạ ở góc phải theo hướng 4 giờ.
Thứ hai là thế nằm của nam chính. Hai con người, khỏa thân, ôm siết nhau. Một số phần được che chắn để giữ tính nghệ thuật. Khuôn mặt chàng trai ấp vào bầu ngực cô gái. Điều đáng lưu tâm là cao độ. Đỉnh đầu chạm cằm. Anh nằm thấp hơn. Dang tay như ôm ấp, che chở. Nhân dáng hé lộ tình yêu của Phước (thể hiện bởi Phạm Hồng Phước) dành cho Chu (thể hiện bởi Ngọc Thanh Tâm). Đó là tình yêu. Mà tình thì không thể tránh khỏi đê mê khoái cảm. Nhưng tình dục thì không phải là tình yêu và tình dục cũng chỉ là một phần bé nhỏ. Tấm chân tình của Phước lớn lao hơn nhiều lắm. Thương yêu ấy có vết dấu u hoài một người em trai tuổi nhỏ. Từ lồng ngực thiết tha, cảm tình hóa thành ước mong bao bọc. Phước sẽ như thế, mãi mãi nằm dưới Chu. Đó là ẩn mã của tình chị em, sâu hơn nữa là tình người.
Còn Chu, vòng tay chị quàng ôm lấy đầu Phước. Chị là bề trên. Tình yêu của chị cũng không nằm ngoài cái rung rinh ái dục. Nhưng một người phụ nữ cần gì khi trao gửi xác phàm. Chị cần một đứa con. Tư thế của chị như mẹ ôm con. Tư thế của chị là đại tỉ đang xoa dịu đứa em thơ dại. Điều lạ lùng ở đây, kẻ lành lặn tưởng như đang chữa lành phế nhân. Nhưng cô gái chung cuộc biến thành cõi nguồn bình yên cho gã trai cô đơn, lạc lối.
Thứ ba, khung cảnh của bức tranh mờ sáng. Ánh sáng xanh lay lắt và ma mị. Đó là điềm báo cho những sự chẳng lành. Chiếc mùng che với một vệt đen cắt ngang như càng tô thắm thêm thân phận tù ngục. Sự sống như niềm đau. Yêu thương tra còng. Liệu hai mảnh đời ấy sẽ tìm được lối ra? Vẫn là màu xanh, đó còn là màu đại dương. Sóng biển, âm thanh đẹp đẽ nhất trong lòng Chu. Nó vang rền quanh chị mỗi ngày. Nhưng chỉ có thể gióng tai nghe mà chưa một lần tay chạm. Biển trở thành khát vọng tự do, là đôi cánh chim trời. Mà biển đồng thời cũng là sóng dữ, là bão giông, là thực tại hung tàn.
Thứ tư, điều cuối cùng, là 5 chữ “Đảo của dân ngụ cư” Chúng được đặt ở 1/3 chiều đứng bức ảnh. Tôi rất muốn biết tên của bộ font ấy. Tuyệt đẹp và là một chọn lựa xác đáng. Dáng chữ không chân, điểm cong mềm mại. Kết quả đưa tới cảm giác khô ráo, vừa vững vàng lại vừa uyển chuyển. Nhìn từ xa cũng không khác gì đôi mắt của một người đang gần đến được bãi bờ. Ốc đảo ấy, thế giới của một hợp chủng Ấn, Hoa, Miên, Việt đang chờ bạn khai phá.
Hãy đến thăm Đảo một lần!
Nhiên.
-1 tức còn 1 ngày công chiếu