21.6.17

Poster II | Đảo Của Dân Ngụ Cư | +12

Đảo Của Dân Ngụ Cư, Poster, Đạm Nhiên
Từ khi trang fanpage chính thức Đảo Của Dân Ngụ Cư xuất bản ảnh dán tường thứ 2 tôi đã lưu ngay vào bộ nhớ của máy tính lẫn trí óc. Thông thường một bộ phim sẽ có nhiều dạng ảnh dán tường. Kèm theo đó là rất nhiều vật phẩm ở dạng in ấn lẫn điện tử. Tất cả nhằm vào một mục tiêu duy nhất. Bộc lộ tinh thần tác phẩm và thúc đẩy hành vi đến rạp của người xem.

Với ảnh dán tường thứ 2 này, nhìn vào ngôn ngữ, tôi có thể hiểu đây là ảnh ở phiên bản tiếng Anh như một bộ đôi song hành với bản tiếng Việt. Ảnh này chắc chắn sẽ được dùng nhiều ở các liên hoan phim quốc tế, nơi khán giả và cả ban giám khảo muốn hiểu tác phẩm ở mặt bằng Anh ngữ thông thường.

Dưới đây là 5 ghi nhận của tôi về ảnh dán tường thứ 2 này.


1. Tiêu đề chính

Tiêu đề của phim được chuyển sang tiếng Anh là The Way Station. Nghĩa tạm dịch là "Trạm Dừng". Trạm ở đây có thể là một sân ga, hay một bến tàu hay cảng biển. Tựu chung lại là một điểm dừng trên một quãng đường. Khái niệm "trạm" theo quan sát của tôi trong thời điểm khoảng 2 năm gần đây được ưa thích và sử dụng rất nhiều trong quần chúng. "Trạm" đã thoát khỏi ý nghĩa thường có, được gắn ghép, đặt cạnh danh xưng của một hiệu sách, quán cà phê, quán ăn. Ý nghĩa của "Trạm" do vậy không còn là một "điểm" mà đã mở rộng thành "không gian".

Tiêu đề "The Way Station" này do vậy không phải là sự phiên dịch bám sát vào cái tên gốc "Đảo Của Dân Ngụ Cư". Tên tiếng Việt vốn thuộc về bản gốc truyện ngắn. Dù mang hình hài là một thể loại văn xuôi nhưng cách truyền đạt của nó lại giàu chất thi ca. Nội dung là thế và tiêu đề cũng là thế. Vậy nên khi chuyển sang tiếng Anh, theo suy nghĩ của tôi, nhà sản xuất đã dựa theo tư duy đặt tên phim của thế giới Anh Ngữ: Giản dị, ngắn gọn và khái quát. 

Phán đoán ban đầu của tôi là tựa phim sẽ được dịch thành The Island. Cái tên này sẽ phù hợp với tinh thần nguyên tác và cũng đồng thời phù hợp với đường lối ngữ nghĩa Tây Phương. Ít. Rõ. Gọn. Tuy nhiên, tiêu đề này đã được đặt vào một phim khác, khá đình đám, cách Đảo Của Dân Ngụ Cư 12 năm. Vậy nên cụm từ "The Way Station" được chọn. Cái tên "Trạm Dừng" phù hợp với đường đi của mạch truyện vì tác phẩm này là nhật ký bụi đường của nhân vật chính tên Phước. "Đảo Của Dân Ngụ Cư" với chữ "Đảo" mang ý nghĩa là một điểm dừng mà đồng thời cũng là một "ốc đảo", một không gian mà Phước đã tham dự trên bước đường lưu lạc giang hồ. Đường anh đi cũng chính là con đường băng qua những đau thương. Đau thương để trưởng thành? Hay là vì trưởng thành luôn luôn là một nỗi đau thương? 


2. Tiêu đề phụ

Tiêu đề phụ của được chuyển dịch chính xác sang Anh ngữ. "Love, sometimes is destruction". Cả câu được viết hoa và tách thành hai hàng. LOVE đứng riêng như muốn ngụ ý rằng ÁI TÌNH chính là gia vị chính của phim này. Ái tình sẽ là xúc tác chánh yếu tạo nên những phản ứng hóa học trong nội tâm nhân vật và giữa các nhân vật. SOMETIMES IS DESTRUCTION được ngắt ra và xuống hàng. Hai câu chữ dài ngắn tạo nên thế đứng bất đối xứng. Chi tiết này cô đặc một góc cạnh của ái tình. Đó là sự chiếm hữu và hậu họa từ ấy.

Ngày tình yêu giãn nở, ngày con tim chấp chứa thêm một đối tượng mà không phải là duy một và chỉ một thì ngày đó cũng là ngày giỗ đầu cho tình yêu. Bản chất yêu thương là sự chiếm hữu. Không thể có chuyện một trái tim chấp chứa hai bóng hình. Sự chiếm hữu vì vậy là một đặc tính của tình yêu. Kẻ tình nhân nếu không ý thức điều này, không có sự canh chừng và phòng hờ thích ứng thì chiếm hữu sẽ nhanh chóng di căn. Để rồi cuối cùng thứ cảm xúc tưởng chừng đáng yêu ấy sẽ trở thành một loài ác thú, một con quỷ dữ cắn xé tâm can. Yêu thương mà không phát triển hiểu biết về sự chiếm hữu thì sẽ thành ra tàn phá là như vậy.


3. Cách sắp chữ

Có thể thấy là ảnh dán tường sử dụng một font chữ chủ đạo. Khác biệt chỉ là cách bố trí, viết hoa hay viết thường, đậm hay nhạt. Đây là dạng font chữ không chân. Chắc chắn một người ưa thích sưu tầm font chữ và là dân chuyên nghiệp trong ngành typography hẳn là giờ phút này đã có tên gọi của bộ font. 

Font chữ thứ hai chỉ xuất hiện một lần duy nhất ngay bên dưới tiêu đề phim. Đó là dạng font chữ viết tay. Theo tôi đây là một lựa chọn phù hợp. Vì dòng chữ viết tay "a film by Hong Anh" có tính chất cá nhân và là một ấn dấu của người chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng tác phẩm này. Cũng như bộ font chính, tôi cũng rất tò mò về tên gọi của font này. Trong suy nghĩ của tôi ở dạng font viết tay, cách hay nhất là lấy chính thủ bút của người được đề cập. Điều này là vô cùng dễ dàng. Chỉ cần một cây bút, một tờ giấy trắng. Dưới góc độ một người đã trót yêu bộ phim, tôi nghĩ việc thấy được nét chữ của đạo diễn là một mong ước thường tình. Không chỉ là đôi ba hàng mà là cả thư tay và đoản văn nữa.

Khác biệt tiếp theo cần đề cập là ở bản tiếng Việt, 3 vòng nguyệt quế tượng trưng cho 3 giải thưởng được đặt ở đầu ảnh. Đến bản tiếng Anh, có thêm 5 vòng nguyệt quế nữa. Tổng cộng là 8 tức muốn nói tới 8 đề cử. Trong một liên hoan có 9 giải thì được đề cử 8 và đạt 3. Đề cử theo tôi đã là một sự công nhận. 8 hay 3 gì thì đều là những con số đẹp. Có lẽ việc đặt cả 8 vòng nguyệt quế ở bản tiếng Anh là để phục vụ cho mục tiêu quảng bá ở các liên hoan phim bên ngoài xứ Việt.

Một chi tiết khác gây thích thú cho tôi là ở bản tiếng Anh, tên của tác giả truyện ngắn được đặt ngang hàng với đạo diễn. Không nghi ngờ gì nữa, đây chắc chắn là ảnh dán tường chính thức cho phía Tây thế giới, nơi mà tôn trọng tác quyền là một điều luôn được nhắc nhớ và xưng tụng.


4. Màu nền

Trong những lần đạo diễn Đảo Của Dân Ngụ Cư xuất hiện trước báo giới, hình ảnh tôi nhớ nhất chính là chiếc áo dài màu xanh của chị. Chị cũng là giám đốc điều hành của hãnh phim có tên là Xanh. Phim điện ảnh đầu tay của chị có tựa bắt đầu bằng chữ "Đảo" và cảnh biển với sắc xanh chính là một trong những cảnh quan trọng nhất phim này. Trong nguyên tác, không hề có biển. Hoạt cảnh ở biển là một sáng tạo của biên kịch. Rồi đến bản dựng, dù vẫn là màu xanh ấy nhưng đã có những đổi thay rất lớn khiến cho tôi thắc mắc không biết đã có tranh cãi nảy lửa nào không giữa hai tâm hồn, một ưa chữ, một mê hình. 

Màu xanh từ tác phẩm đã được chuyển thành màu chủ đạo nơi ảnh dán tường. Ảnh tiếng Việt cũng là màu xanh. Và đến ảnh tiếng Anh cũng là sắc xanh mênh mông ấy. Thậm chí là đầy tràn hơn nữa. Bản tiếng Việt còn được phủ những mảng đen ở bốn góc. Màu đen tựa như một cú siết của mười đầu ngón tay, bấu chặt và tím tái hai thân phận. Sang đến bản tiếng Anh, thứ sắc màu hắc ám kia đã tan biến nhường chỗ cho duy nhất một sắc xanh của đại dương sâu thẳm.

Chẳng cần tiếng hát của Phạm Hồng Phước (dù tôi đã rất mong chờ một sáng tác dựa trên phim này của anh) thì điệp khúc màu xanh nơi biển cả đã trở thành vết dấu trong tâm trí. Xanh là màu của Đảo. Nếu ai hỏi tôi thì có lẽ câu trả lời sẽ như thế, một câu đáp xúc tích. "Đó là một phim ngợi ca màu Xanh".

Đảo Của Dân Ngụ Cư là một bộ phim Xanh, một bộ phim về giấc mơ biển cả. "Đi biển" là giấc mơ của của nhân vật chính, cô gái tên Chu. Và vì là mơ nên có lẽ không còn một sắc màu nào khác phù hợp hơn. Sắc trắng. 

Xanh là nền và trắng là tiêu điểm. Xanh tựa vòng tròn còn trắng chính thực hồng tâm.


5. Biểu tượng

Trọng điểm trong bức ảnh nền xanh này là cô gái với đôi chân trần. Dung nhan và cả thân người bị che khuất chỉ còn lại đôi chân. Những gì khác nữa chỉ là một chiếc váy trong màu trắng.

Trong ước lệ thi ca, câu thơ nổi tiếng mà hẳn chắc không ai không ghi nhớ, "áo em trắng quá nhìn không ra". Trích dẫn từ Hàn Mặc Tử là một đúc kết đã thành lẽ thường. Màu trắng là màu của những gì siêu thực. Trắng đến nỗi nhìn không thấu thì tức là đã không còn là thực. Cảnh giới đã sang bờ bên kia, bờ của huyễn mộng. 

Chu là một gái yêu văn nghệ, luôn bận lòng thao thức về mây ngàn. Cô thường dùng tiếng hát để giải phóng tinh thần khỏi xác thân tật bệnh. Đôi chân không thể đi lại thì nay (trong tấm ảnh dán tường chính thức của bộ phim) lại đang thỏa sức vẫy vùng nơi nước sâu. Có một đôi chân bị giam hãm, cầm tù trong một thế giới không có bình minh, một ốc đảo mang tên Đêm Trắng. Nhưng cũng có một đôi chân khác, đôi chân đã vượt ngục, vượt qua mọi biên giới vật lý và tham tàng. Đôi chân ấy đã vượt ra khỏi phạm vi của Đảo. Đôi chân đã vùng lên, đã nổi loạn, chống trả trong một chiều khác của không thời. Là mơ? Hay là thực? 

Đôi chân cùng chiếc váy áo màu trắng chẳng khác nào là một diễn giải tuyệt vời cho 4 tiếng...

Thăng hoa nội tại. 

Hay đầy đủ hơn, như nguyên văn tác phẩm, "sự thăng hoa của nội tại mới thực sự là bước đi của con người trong cuộc đời".

Thăm Đảo là cơ hội để được nhìn ngắm đôi chân ấy. Nhìn ngắm sự vượt thoát của một trái tim vốn dĩ thuộc về đại dương. Thăm Đảo là để một lần được đập nhịp đập của trái tim ấy, trái tim xanh giữa lòng biển xanh.

Nhiên
21.6.2017

- T/B: 
Khi viết xong bài cảm nhận về poster II phim Đảo Của Dân Ngụ Cư thì người đầu tiên tôi nghĩ đến chính là Phạm Hồng Phước. Mong sao những hàng chữ này sẽ đến được với chàng trai của tháng 5, người từng được nhạc sĩ Đức Trí đặt cho một danh xưng, người phổ nhạc cho đoản văn và thơ phú.


Một bài hát về Đảo, về Chu, về Thanh Tâm, về trái tim màu xanh, về trái tim xanh giữa lòng biển xanh...Tại sao không?

*Nguồn ảnh: facebook.com/daocuadanngucu