20.6.17

Phim hay nhất | Đảo Của Dân Ngụ Cư | +11

Đảo của dân ngụ cư, Đạm Nhiên, Góc O
Những ngày ngắn ngủi này, không wifi và cũng chẳng buồn nạp tiền 3G, tôi sống gần với mình hơn. Cảnh sắc nông thôn với những mảng xanh và khoảng không bát ngát cho phép tâm hồn được ngơi nghỉ. Trong tư trang, vật đáng kể nhất là vài quyển sách. 

Trưa nay, dưới bóng cây mít nơi vườn nhà, gió mang theo hơi nước từ cánh đồng khiến cho sắc thân sảng khoái. Tôi ngồi suy ngẫm về những tác phẩm điện ảnh ưa thích nhất của mình. Cảm hứng của tư duy được khơi nguồn từ Đảo Của Dân Ngụ Cư. Dù đã xa Đảo, nhưng lòng vẫn hướng về khung trời ấy. Đó là nói theo khoảng cách giữa khán giả và đạo diễn. Còn nếu tra cứu vị trí địa lý của tôi với bối cảnh quay thì lúc này tôi chỉ cách quán Đêm Trắng chừng 20 cây số.

Thực tình tôi không biết trên đời này có bao nhiêu thể loại phim. Cách sắp xếp phim của tôi chủ yếu dựa trên nội dung. Và đây là 4 cái tên đại diện cho bốn dòng phim điện ảnh mà tôi yêu thích nhất.


1. 
The Shawshank Redemption (1994)

Đạo diễn và viết kịch bản cho phim này là Frank Darabont. Đây là phim có bối cảnh chính là nhà tù. Một dạng phim về tổ chức băng đảng tội phạm. Đích thực là chủ đề mà tôi say mê. Thế giới ngầm với tôi cũng có trật tự và những nguyên tắc sống chơn thiện. Ai hiểu và vận dụng hoàn hảo sẽ thành công nơi thế giới ấy. Bộ phim này có kết thúc là một sự đào thoát ngoạn mục. Cho nên tôi gọi đây là dòng phim VƯỢT NGỤC. Điểm gây cho tôi sự phấn khích lớn nhất là phim không có vai nữ chính. Thân thể, giọng nói hay bất kỳ điều gì mà văn hóa Tây Phương cố gắng cổ súy để gây nên sức khêu gợi của một người phụ nữ hoàn toàn bị loại bỏ. Cũng chẳng có những tình tiết với tốc độ cao hay những màn bạo lực, va chạm choáng ngợp thị giác. Thoại nhiều. Tiết tấu chậm rãi. Ấy vậy mà vẫn say mê. Không say mê sao được khi đây chính là bài ca của tự do, của khát khao sống và tình bằng hữu.


2.
The aviator (2004)

Đạo diễn cho phim này Martin Scorsese. Tuổi của ông nếu tính theo dương lịch thì đã là 75 mùa xuân. Phải nói là gần như tất cả các sáng tạo phẩm của ông tôi đều ngước nhìn bằng lòng ngưỡng vọng. Tác phẩm phát hành năm 2004 thuộc dòng phim TIỂU SỬ, khắc họa cuộc đời của doanh nhân, một tỷ phú từng điều hành hãng hàng không toàn cầu TWA. Nam chính trong phim là Leonardo DiCaprio. Và với tôi, màn trình diễn của anh là xuất sắc nhất so với tất cả những gì trước đó và sau này. Sự nghiệp của Leo trong suy nghĩ của tôi cũng chỉ thật sự cất cánh khi hợp tác với Martin Scorsese. Chính đạo diễn này chứ không ai khác đã tạo nên không gian để Leo liên tiếp thăng hoa trong nhiều năm liền và đạt đến đẳng cấp thượng thừa như ngày hôm nay.


3.
おくりびと, tựa tiếng Anh Departures 

Phim ra mắt năm 2008. Đạo diễn là Takita Yōjirō nhưng chính nam chính của phim mới là người tạo tiền đề cho sự thành công bùng nổ về sau. Chưa tính đến diễn xuất mà là những nỗ lực cá nhân buổi ban đầu để kịch bản thành hình. Chính Masahiro Motoki là người là chủ động liên hệ với tác giả của quyển hồi kí. Anh bị quyến rũ và tê liệt hoàn toàn trước vẻ đẹp của câu chuyện. Dù thất bại buổi ban đầu nhưng cũng là anh đã kiên nhẫn thuyết phục và cuối cùng nhận được sự đồng ý của Shinmon Aoki để có được tác quyền và chuyển thể tác phẩm lên màn ảnh. Đây có thể sẽ là phim Nhật Bản hay nhất mà tôi từng được xem. Và không biết liệu sẽ còn một tác phẩm của Nhật Bản nào khác để lại một dư chấn tương tự. Chủ đề của phim nói về cái chết, nói về hành trình của một nhạc công vì thất nghiệp mà phải chuyển sang làm dịch vụ mai táng. Tôi gọi đây là phim THƯƠNG THÀNH, phim mở ra chủ đề về những nỗi đau, những vết thương nơi đời sống thành thị. Thái độ của chúng ta với cái chết ra sao? Chúng ta sẽ chuẩn bị như thế nào để đối diện với cái chết của những người thân và chính ta nữa? Những câu hỏi này là những vấn nghi thường trực của tôi và như được mài sắc thêm kể từ ngày khám phá ra những thước phim mang tên “chuyến khởi hành”. Chết không phải là một sự dừng mà là một sự khởi hành, một chuyến xe tiếp nối nhiều chuyến xe. Tình cảm của tôi với tác phẩm này và cả nền văn hóa Nhật Bản là không thể diễn bày.

Như vậy là tôi đã điểm qua ba dòng phim yêu thích nhất với ba cái tên tiêu biểu. Tiểu Sử, Vượt Ngục và Thương Thành. Điều lý thú là cả ba đều có xuất phát điểm là một tác phẩm văn học ở dạng hồi ký hay tiểu thuyết. Chính chi tiết này củng cố thêm cho suy nghĩ của tôi về tầm quan trọng của văn chương hay ngôn từ. Một bộ phim khởi đi từ những hàng chữ. Chữ hàm tàng thì phim cũng sẽ hàm tàng.


4.
Phim Việt

Dòng phim thứ 4 mà tôi yêu thích không có một cái tên cụ thể nào. PHIM VIỆT. Chỉ cần là phim nói tiếng Việt, kể một câu chuyện Việt là đủ để tôi chú ý. Hẳn nhiên đó phải là một kịch bản tốt, trầm tích và đa diện. Xem một phim mà đôi mắt không phải đọc phụ đề, các giác quan tập trung hoàn toàn vào khung hình chắc chắn sẽ giải phóng thị giác và giúp ích rất nhiều cho việc nâng cao tư duy hình ảnh.  Là một người Việt tôi nghĩ cũng chẳng cần phải dông dài gì thêm về tình yêu điện ảnh nước nhà. Đó là một lẽ tự nhiên, một sự không cần phải phân tích. Riêng trường hợp mới nhất, Đảo Của Dân Ngụ Cư. Vẫn là điểm chung so với ba bộ phim yêu thích nhất của tôi, phim có nguồn gốc từ một tác phẩm văn học có chiều sâu. Người chấp bút cho kịch bản lại là một nhà văn tên tuổi. E ngại lớn nhất của tôi là độ dày và mênh mông của tác phẩm sẽ nhấn chìm, sẽ nuốt trôi bất kỳ ai đưa nó lên màn ảnh rộng. Nhưng không, người đạo diễn đã vững tay chèo.

Nếu được chấm sao thì tôi sẽ đặt 4 ngôi sao cho phim này. Ngôi sao còn lại tôi để dành. Tôi tin chị Hồng Ánh với nhân sự hiện có vẫn còn có thể làm tốt hơn, tốt hơn nữa. Cảm giác của tôi là phim vẫn còn có thể tiến xa hơn rất nhiều so với những gì đã nhìn thấy. Nhưng với điều kiện kiểm duyệt hiện tại cũng như thực trạng về kỹ thuật lẫn bối cảnh, bản phim ra rạp theo tôi đã là tốt nhất trong chừng mực có thể. Rất mong chờ điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển một cách đồng bộ ở tất cả các thành tố để có thêm những phim chất lượng như Đảo Của Dân Ngụ Cư.

Nhiên.
20.6.2017