5.6.17

Thăng hoa nội tại | Đảo Của Dân Ngụ Cư | -4

Đảo Của Dân Ngụ Cư
Đêm. Tôi ngồi đọc Đảo Của Dân Ngụ Cư. Cảm giác khác hẳn với lần đầu. Tôi đọc sách giấy.  

Còn nhớ lần đầu bắt gặp cái tên Đảo Của Dân Ngụ Cư, tôi đã rất hiếu kỳ. Quyết định “xem phim” nhanh và mạnh như một vết búa bổ. Còn chuỗi ký tự “Đảo Của Dân Ngụ Cư” là một mệnh lệnh nơi bàn phím. Cũng nhanh và mạnh không kém, cái tên “Đỗ Phước Tiến” in hằn trong tâm tư. Tôi lưu truyện ngắn thành một văn bản có đuôi .doc. Tôi lưu vào chiếc máy tính bảng để tách hẳn tác phẩm vào một góc riêng. Lần đầu đọc không để lại dư vị nào đáng kể. Không rõ là tôi đã đọc bao nhiêu lần. Đến khi tìm được quyển sách in thì mọi chuyện đã rất khác.

Bản in rõ ràng đã được nhuận sắc. Hoặc là tôi sai. Hoặc là không khí cận kề ngày công chiếu khiến tôi tập trung nhiều hơn. Phần nữa là khi đọc sách giấy định tâm được mài sắc thêm nhiều phần. Qua trải nghiệm lần này, tôi lại càng củng cố thêm cho mình một nhận định. Ấy là sách giấy nổi trội hơn so với sách điện tử ở phần gìn giữ khả năng đọc và chất lượng đọc. Cũng chẳng có gì khó để giải thích điều này. Sách điện tử với khả năng lưu trữ hàng ngàn bản sách cộng thêm điều kiện trực tuyến (với bộn bè những tin tức, thư gửi và thông báo) thật sự là mảnh đất màu mỡ cho dịch bệnh mang tên “Tán Tâm”. Còn sách giấy là cánh đồng mà ở đó sự thế hoàn toàn đảo ngược. Chúng hữu cơ hơn, bền vững hơn nếu nói theo quan điểm của một người làm nông chân chính. 

Trong đêm, chong đèn, tôi ngồi đọc “Đảo Của Dân Ngụ Cư”. Một quyển sách giấy thật sự. Chẳng có nguyên cớ nào để tư tưởng phân tán. Trong tay là một và chỉ một. Giao cảm giữa kẻ đọc và người viết thành hình. Cảm giác rõ rệt nhất chính là độ biểu cảm trong ngôn ngữ. Viết rất “điệu” và diệu. Ngôn từ được vận dụng linh hoạt, giàu chất thơ. Điêu luyện trong nghệ thuật so sánh. Trên hết là tính đa diện. Câu chuyện về một quán ăn với tập hợp nhân viên đa quốc tịch dưới trướng một Hoa Kiều để lại tầng sâu ẩn dụ thăm thẳm. Tính chất đa diện của hệ thống nhân vật đưa tác phẩm vượt ra khỏi tầm vóc của một truyện ngắn. Và đặc biệt là tư tưởng được nhóm thổi vào đó. Trang 7, dòng thứ 11, “Sự thăng hoa của nội tại mới thật sự là bước đi của con người trong cuộc đời”. Với tôi, đây chính là chìa khóa để mở cánh cửa bí mật trong phiên bản văn học và cả phiên bản điện ảnh về sau. 

Thật khó tin là vào tháng 2 năm 1992 đã có một truyên ngắn khai triển từ chủ đề “tự do tâm linh” tài tình và nội hàm đến như thế!

Nhiên.
-4, tức còn 4 ngày đến công chiếu Đảo Của Dân Ngụ Cư
5.6.2017


::: ::: ::: Trở về mục lục ::: ::: :::
(Tất cả các bài theo chủ đề Đảo Của Dân Ngụ Cư)