6.5.19

NHẠT NHÒA | Shadow | 影

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, cảm nhận phim Vô Ảnh, review Shadow Trương Nghệ Mưu, Cảm nhận Shadow Trương Nghệ Mưu, Zhang Yi Mou, Sách Số Phận: Trương Nghệ Mưu Cô Đơn, Chu Hiểu Phong, Hồi ký Trương Nghệ Mưu

Sách về đến Góc O khi SHADOW (tựa tại Việt Nam là VÔ ẢNH) có tuần thứ 2 công chiếu. Chẳng biết tiếng Trung nhưng cũng quyết có được tác phẩm bằng giấy gần đây nhất có liên quan đến đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Đoán rằng tựa sách có thể dịch thành “SỐ PHẬN (Trương Nghệ Mưu cô đơn)”, sách dày gần 300 trang, do Chu Hiểu Phong (周晓枫) chấp bút, phát hành từ 2015.

Đây có lẽ là lần đầu tiên cầm trên tay một quyển sách tiếng Trung mà có vị bụi đường thiên lý vì sách đã vượt một quãng xa dài từ đâu đó ở phía bên kia biên giới đến Lào Cai, Hà Nội rồi vào đến Sài Gòn. Sách lại còn mang trong nội thân hương vị của tình bạn phương Bắc. Có lẽ sẽ viết về sách trong dịp khác, nhưng hẳn phải là rất lâu về sau. Còn giờ tiếp tục là những dòng truy vấn về sự nhạt nhòa trong sự cảm thụ SHADOW.

Chỉ xem phim đúng 1 lần. Quả là không có gì đoan chắc nếu chỉ dừng ở 1 lần xem! Nhưng lần thứ 2 trong dự định đã không bao giờ đến. Cứ lừng khừng, cứ nấn ná, thế rồi vài hoạt động chắn ngang. Bàn chân đã chẳng thể cất bước. Và cho đến lúc này thì phim cũng không còn trên danh mục trình chiếu tại rạp. Có lẽ phim trụ trong khoảng 3 tuần trước khi biến mất hẳn vào dịp cuối tuần (khoảng 1 hay 2 tuần trước khi kỳ nghỉ lễ lớn bắt đầu). Không thể có lần 2 để kiểm nghiệm cảm xúc, tôi tìm một đối trọng khác. Đó 2 tựa phim, COLD WAR ROMA

Điểm chung của 3 phim là tôi đều xem đúng 1 lần. Xem ở màn chiếu rộng. Hai phim sau xem tại điểm chiếu tại trường đại học. Điểm chung thứ hai là màu sắc. Cả 3 phim đều có xu hướng tối giản về sắc độ với 2 màu đen – trắng như COLD WAR và ROMA. Trường hợp SHADOW thì là đen – trắng – xám. Thỉnh thoảng cũng có sắc khác chen vào nhưng hầu như chỉ là tiểu tiết và thoáng chốc. Phần lớn lưu giữ trong mắt nhìn người xem vẫn là đen – trắng và xám. Điểm chung thứ ba là tất cả đều là phim truyện chính kịch ra mắt trong cùng 1 năm (2018). 

Đánh giá về 3 phim thì có lẽ SHADOW đứng chót trong năng lực quyến rũ con tim. Điều này là rất chắc chắn. Còn nếu xét ở phần dàn dựng, diễn xuất, âm nhạc, cấu trúc, SHADOW cũng ở vị trí cuối cùng. Điều này chưa chắc lắm và cần phải có luận cứ thuyết phục. Tuy nhiên, nếu sự rung động, tình ý lưu luyến với 1 chuyện phim không xảy ra thì rất khó để lý trí nhẫn nại lên đường tìm kiếm những luận giải về phần hình, phần nhạc, phần cấu trúc và phần trình diễn của diễn viên.

Khi nhận diện được sự nhạt nhòa trong ký ức mỗi khi nghĩ về SHADOW, tôi có thêm 2 bộ phim như đã nêu tên ở trên để so sánh. Nhắc đến 2 phim thì quả tình là vẫn nhớ rất nhiều hình ảnh, âm thanh. Sự nhớ này với tôi luôn là điểm quyết định trong sự đánh giá chất lượng phim ảnh trong những ngày này, những ngày mà tôi vẫn chưa có độ sâu cần thiết trong sự phân tích chuyên môn cũng như những thực nghiệm nội ngành.

Với ROMA, tôi nhớ cảnh biển cuối phim. Bối cảnh thật sự tạo ra nhịp điệu, không khí, nội tâm nhân vật. Bối cảnh đã thực sự thoát ly khỏi ý nghĩa là không gian địa lý và lôi cuốn người xem hòa cùng, trở thành một phần trong vòng quay bánh xe câu chuyện. Rào chắn giữa câu chuyện và người xem đã được xóa bỏ. Với COLD WAR, giai điệu mê say xuyên suốt chiều dài thời lượng đánh thức thính giác và gây cho khán giả là tôi những ước mơ cùng xót xa diệu vợi. Thật là đen trắng phủ chiếm đã đưa về tình đời, tình yêu tinh khôi, trong mát, vượt lên mọi bi thương, khổ nạn! Xem SHADOW, tiếc thay tôi không có những riêng mang tương tự.

Chuyện của một cô hầu gái mà qua đó thấy được xã hội Mexico, chuyện một đôi lứa yêu nhau mà qua đó thấy được khối Soviet. Hai câu chuyện nhỏ được kể (tôi chưa dám nói là xuất sắc) đầy chất hiện thực, dạt dào nhựa sống và tình yêu. Để rồi từ đó, hai câu chuyện lớn hơn dần hé, dần hé, theo một cách thức tự nhiên. Mà có lẽ câu chuyện lớn cũng không nhất thiết cần tìm hiểu vì câu chuyện nhỏ đã thực tròn đầy. Giống như trăng sáng thì ánh sáng ấy cũng tỏ rọi đường quê. 

Ở vị trí số 3, cũng là xếp chót, tôi thấy chuyện một hạ nhân, một con cờ về sau thoát khỏi bàn cờ và trở thành bàn tay chơi cờ. Từ hạ lên thượng, sự phát triển vị trí và cả tâm lý là rất rõ ràng, rõ hơn cả 2 phim xếp trước mà thực tình không đẩy được một sự xuống lên tương tự trong sự thụ hưởng nơi người xem. 

Đây là câu chuyện viễn tưởng, không thật, tuy nhiên vẫn thật với mọi thời vì là trò chơi vương quyền, là câu chuyện về sự tranh giành quyền lực. Thế nhưng tôi không thấy được sự thuyết phục trong cách kể. Chuyện nhỏ lẫn chuyện lớn, cả hai đều không xong. Và quan trọng là nhựa sống, là men tình. Chúng không biểu hiện tràn đầy. Nhân vật không sống, không thực sống. Giao cảm không say, không thực say. Vô cùng khó để hòa vào thời tiết của bộ phim và nếm chạm. Cứ như đi lòng vòng và chỉ tiếp xúc với da thịt nhân vật, với bề mặt của tình tiết. Sự dựng cảnh, sự lựa chọn vị trí hay nhiều sắp đặt khác không vượt ra khỏi ý nghĩa của toan tính và sắp đặt. Tôi nhìn vào và thấy chúng y nguyên vị trí. Không quên, không nhòa xóa. Khi mà lẽ ra, tôi phải quên đi hay người đạo diễn phải khiến cho thần trí tôi lung lạc. Tôi vẫn tỉnh táo và không thấy một phản ứng thể nhập vào một phận đời nào đó xảy ra. 

Tại sao lại có hiện tượng này? Tôi không thể rõ về cấu tạo tâm thức của tôi. Nhìn về cấu tạo 3 bộ phim, có lẽ tôi thấy một chút ánh sáng lý giải. Đó là nguồn cấp văn học.

Chất liệu tạo nên câu chuyện ROMA là chính cuộc sống gia đình của Alfonso Cuarón. Cô hầu gái trong phim cũng chính là người giúp việc của cha mẹ ông. Với COLD WAR, chuyện tình diễm lệ trình hiện cũng chính là ngày xưa của đấng sinh thành đạo diễn Paweł Pawlikowski. Điểm chung ở đây với tôi có lẽ là sự thẩm thấu nguyên khôi của tuổi thơ. Đây là điểm trọng yếu đã làm nên xung lực cho kịch bản điện ảnh. 

Còn với SHADOW, chẳng hiểu sự biến hình con-cờ-tay-cờ này có phải có nguyên căn từ chính đời sống của Trương Nghệ Mưu hay không? Dù đúng dù không thì theo tôi, góc nhìn văn học có một độ trễ hơn với ROMA và COLD WAR. Ý thức về tranh đoạt danh lợi theo tôi xảy ra ở một thời điểm xa khơi khỏi thơ ngây, thuở mà người ta ý thức về sự che chở, ân cần của một người chị, người bạn, người cô hay yêu thương nghĩa tình của cha mẹ. Gọi là ý thức nhưng có lẽ trong tâm hồn con trẻ chẳng có một diễn tiến lý trí nào. Phần nhiều là men tình êm ả, đong đưa. Phần hơn thua thiệt hơn, soán ngôi đoạt vị, tư duy về chúng, nghĩ suy về chúng, căng óc loạn não về chúng phần nhiều nên hình từ khi con người ra khỏi tổ ấm niên thiếu, đối diện với cuộc đời mưu sinh và bắt đầu những tháng ngày mưu lợi. Tất cả những điều này có lẽ cũng chỉ là phán đoán vô lý của tôi. 

Tự đúc kết, tôi nghĩ rằng trong việc hình thành chất liệu tư sự, phần trí trong SHADOW đã lấn át phần tình. Tập trung quá mức vào đó mà quên mất những cơn sóng lòng thật sự trong trái tim khán giả và cách thức làm sao để tạo sóng.

Nhiên
6.5.2019