28.5.19

Ngày phim ngắn Việt Nam

Fulbright University Vietnam, đại học Fulbright, Phạm Ngọc Lân, Lê Bảo, Mùi, Thành phố khác, Một khu đất tốt, Phim ngắn Việt Nam, Ngày phim ngắn,
Nhớ lần gần đây khi dự buổi công bố cuộc thi “Dự án phim ngắn CJ” (22.4), điều tôi chú tâm nhất chính là cơ hội được xem các phim ngắn chất lượng cao của Việt Nam. Theo thông báo từ BTC (nếu trí nhớ của tôi không sai), vào thời điểm quý IV năm nay sẽ có buổi trình chiếu những phim ngắn đã đoạt giải thưởng quốc tế cũng như các phim ngắn nhận được sự đánh giá tốt về chuyên môn.

Cứ đinh ninh là còn phải chờ đợi hơn nửa năm nữa. Chẳng ngờ mong muốn lại sớm thành hiện thực chỉ sau 1 tháng! Sáng thứ 7 vừa qua (25.5), tôi đã được dịp xem liên tục 5 phim ngắn, xem tại rạp quy chuẩn và có thêm cả phần giao lưu với 1 trong 4 đạo diễn có phim được trình chiếu. Đây là sự kiện nội bộ của Đại học Fulbright và được mở rộng cho các đối tượng bên ngoài. Thật tiếc là không nhiều người quan tâm đến đời sống của một bộ phim ngắn, môi trường dự phóng cho những tài năng sắp tới của điện ảnh Việt Nam! Nhìn không gian rạp hiện đại với chiếc màn hình khổng lồ, tôi như phấn chấn thay cho những đạo diễn có phim được trình chiếu mà cũng vừa không vui thay cả phần họ vì chỗ ngồi không lấp đầy.

Thời điểm chiếu phim là vào 9 giờ sáng thứ 7. Khi kết thúc là khoảng 11 giờ 15 phút. Phim cuối cùng có tên là “Mùi” (đạo diễn Lê Bảo). Với tôi, nếu một phim bị giới hạn trong một thời lượng ngắn thì điều đầu tiên, quan trọng nhất, là phải khiến người ta nhớ. “Mùi” thành công, ít nhất là với 1 khán giả như tôi. Sự đặc sắc của phim này nằm ở tạo hình nhân vật và bối cảnh mà họ xuất hiện. Rất ấn tượng! Tự thân khuôn mặt, tự thân sự di chuyển, tự thân không gian của nhân vật đã là những hoạt ảnh có chất ẩn ngôn rõ ràng. Nguyên do khác cho sự yêu thích đến từ cảm tình sẵn có của tôi dành cho chủ đề văn hóa sông nước.

Trong số 5 phim, còn phải kể đến 2 phim đầu tiên theo thứ tự trình chiếu. Đó đều là các tác phẩm của đạo diễn Phạm Ngọc Lân. Phim thứ nhất có tựa “Thành phố khác”. Phim này chọn một bài nhạc quen thuộc, rất ăn khách được phối lại theo lối tân thời. Chúng tạo ngay cảm giác thư giãn và thiện cảm nơi tôi. Phạm Ngọc Lân theo tôi đã giữ được tính nhất quán xuyên suốt trong cách dựng phim bằng cách sử dụng các thể dạng khác nhau của nước. Từ xuất phát chỉ là đạo cụ nhỏ, nước lan dần, lớn dần lên, giữ vai trò ẩn dụ cho chuyển động nội tâm nhân vật, là mối nối giữa các phân cảnh và cuối cùng ở kết phim trở thành bối cảnh.

Dưới góc nhìn chủ quan của tôi, bộ phim này đã làm được một việc mà rất nhiều phim điện ảnh Việt Nam trong khoảng 5 năm gần đây không làm được hoặc không chủ tâm khai thác. Đó là mô tả đời sống tinh thần của những cư dân ở những đô thị lớn. Cụ thể ở “Thành phố khác”, tôi nhận thấy hiển bày trên màn ảnh là sự không trung thực của con người và đứt liên lạc giữa họ. Không trung thực là không trung thực với chính những cảm xúc bên trong. Không thể bày tỏ chân xác hay phải dấu che, phải thể hiện ở một dạng khác. Đó là tình trạng sống với 2 khuôn mặt. Mất liên lạc là không thể kết nối, không thể tìm được tiếng nói chung, giữa các thế hệ và giữa trong cùng một độ tuổi. Gần nhau mà không rõ mặt nhau, không tỏ lòng nhau. Và thứ mà tất cả đi tìm chỉ là những ảo ảnh.

Nếu “Thành phố khác” gây thích thú bởi cách chuyển cảnh thì phim thứ hai “Một khu đất tốt” tạo ra sự chú ý bằng sự di chuyển của camera và cách cỡ hình chọn lựa. Cốt truyện của phim không theo trật tự tuyến tính như phim trước đó mà là 2 tuyến tự sự lồng ghép vào nhau. Câu chuyện vận động theo một hành trình rõ nét mà đồng thời vẫn tạo được một bầu khí quyển của mộng thực hòa lẫn. Tính chất hiện thực của phim không vì vậy mà bị che mờ. Theo cạn nghĩ của tôi, phim mời gọi mọi người cùng suy xét thái độ của một bộ phận người Việt Nam với người chết, với cái chết. Hành trình tìm mộ tưởng như là một nghĩa cử tốt đẹp thì chung cuộc lại tàng chứa chất phê phán về chủ nghĩa vật chất.

Cả 2 phim của Phạm Ngọc Lân đều khiến tôi muốn xem lại. Nhưng với “Một khu đất tốt” thì tôi nhận ra nhu cầu được xem 1 lần nữa mạnh hơn nhiều lần.

Tôi rất hy vọng kể từ đây các nhà làm phim ngắn sẽ có cách thức nào đó để cùng cộng tác nhau và giới thiệu những tác phẩm đã được thừa nhận của mình. Có thể là những buổi như hôm nay phục vụ cho công tác nghiên cứu và đào tạo. Cũng có thể là những buổi có tính chất thương mại, bán vé và có cách quảng bá bài bản để tìm đến công chúng.


#Nhiên
25.5.2019