Lần xem #GOT đầu tiên với màn hình to nhất
và âm thanh nổi nhất. Rạp chiếu quả thực mới đúng là nơi chuỗi phim truyền hình
này thuộc về. Một cảm giác chưa từng. Một trải nghiệm lẽ-ra-phải-có-giờ-mới-có.
Có băng qua cảm giác này mới hiểu sự thiệt
thòi khi phải xem tập 3 #TheLongNight trên chiếc tivi bé nhỏ là như thế nào. Rất
nhiều sự dàn xếp về hình ảnh và âm thanh về mặt kỹ thuật sẽ bị rơi rớt. Hẳn
nhiên phản ứng của khán giả còn là tùy thuộc vào sự cộng hưởng bởi kịch bản và
diễn xuất. Nhưng việc xem phim #TròChơiVươngQuyền trên màn-ảnh-nhỏ tựa như là một
trải nghiệm không thể tròn đầy.
Đã đọc một số bài phân tích về GOT mùa 8.
Cố gắng xóa ký ức về những bài chỉ bàn về tình tiết hay nằm trong mưu mô hay vô
tình về sự gây nhiễu thông tin hay đi vào những gì không thuộc vào giá trị cốt
lõi của nghệ thuật kể chuyện. Cố gắng tìm những bài có thiên hướng phân tích cấu
trúc nguyên mẫu 60 phút của thể loại phim truyền hình nhiều tập. Tiếc là chưa
tìm ra bài nào. Thế nên việc phân tích về chuyên môn mà chưa kinh qua phần cấu
trúc giống như là chỉ là nỗ lực vào những mảng ghép rời rạc. Có lẽ đã đến lúc quyết
liệt hơn trong việc tích lũy kiến thức về mảng này.
Trở lại với tập 5 #TheBells, tuy vẫn là tập
mà xung lực đến từ Daenerys nhưng cảm giác như tập này là diễn biến nội tâm
chính yếu thuộc về Arya và một phần nhỏ là của Jon. Yếu tố khung hình to và âm
thanh nổi đã thực sự đưa người xem gia nhập vào bước chân và những vết trượt
dài trong tâm lý của Arya và dĩ nhiên đó cũng là đại diện cho tâm thức tập thể
của nhà Stark hay người phương Bắc trong liên minh với Mẹ Rồng. Tiếng chuông
trong tập này đóng vai trò là mối nối quan trọng để trước đó là thăng và sau đó
là hạ, một sự giáng hạ dài đăng đẵng trong nhận thức về Daenerys và cả ký ức xã
hội về người cha của cô. Trong trí nhớ, thăng rồi hạ, hay những chuyện kể về sự trượt dài trong 1 thân phận chưa bao giờ là thị hiếu của quần chúng.
Như đã nói, để nhận xét về phim thì cần phải
nhìn vào cơ cấu bên trong, chìm ở đáy sâu nhất trong dòng chảy tự sự. Điều đó
là chưa thế với kẻ viết bài này. Duy chỉ có một góp ý về một diễn tiến nhỏ mà
thật ra là rất nghiêm trọng trong cách thức tổ chức. Đó là khi tập phim vừa kết
thúc những cảnh cuối cùng, đến lúc màn hình chuyển sang giới thiệu thành phần
nhân sự và dĩ nhiên là tiếng nhạc nền vẫn còn vang vọng thì 1 bàn tay lạnh lùng
nào đó đã nhấn vào nút “dừng chơi”. Cảm xúc với cái kết sau từng tập cần thêm 1
khoảng trống để được nuôi dưỡng và phần chạy các thông tin vẫn thuộc về thời
gian trình chiếu. Phải chăng đã là một sự tùy tiện khi dừng lại? Và khán giả đánh mất cơ hội được nghe sự trộn hòa lẫn quyện về sự hủy diệt và bội phản trong gia điệu 2 bài nhạc tuyệt diệu Light of the Seven và Rain of Castamere soạn bởi Ramin Djawadi. Đây không thuộc
về sự cảm thụ mà thuộc về hành vi ứng xử? Có lẽ chỉ cần một khác đi ở phút cuối
cùng thì buổi xem GOT lần đầu tại rạp chiếu tại Saigon đã có một dư vị khác.
#Nhiên
13.5.2019