Tầm ảnh hưởng của anh trong giới làm phim Việt Nam (đặc biệt là thế hệ sanh sau thập niên 1990) tôi chẳng biết cách nào để đo lường. Nhưng một bạn ở trung tâm TPD tại Hà Nội trong một buổi phân tích phim vào cuối năm ngoái đã dõng dạc tuyên bố trước khoảng 30 khán giả. Tuyên bố rằng 1 trong 2 sự kiện thay đổi lớn lao nền điện ảnh Việt Nam thời kỳ hộp nhập đó là việc Trần Anh Hùng về nước và thúc đẩy sự ra đời của Gặp Gỡ Mùa Thu. Tôi không nhớ tường tận lời của bạn. Nhưng chắc chắc có cụm từ "thay đổi", "điện ảnh Việt Nam" và “Trần Anh Hùng về nước”. Và sự thật là đã có rất nhiều lớp học mà anh Hùng đứng trên bục giảng với tư cách là một người thầy.
Không biết đã có bao nhiêu học trò hay là những người chịu sự ảnh hưởng trong tư duy tạo hình kể từ những khóa học này? Nhưng ít nhất thì tôi thấy 2 sản phẩm. Một là “Kfc” mà tôi đã có lần được xem và thấy đây như một phảng phất chất bạo lực nối dài của “Cyclo (1995)”. Và mới đây nhất, là “Người Vợ Ba”, một phim gây tranh cãi dữ dội. Và Trần Anh Hùng (như dòng giới thiệu trang trọng ở cuối phim mà tôi khi ngồi nán lại đã thấy trên màn hình) là cố vấn nghệ thuật của phim này.
Kfc là một tập hợp các phim ngắn với chất lượng hình ảnh không ổn định nhưng ít nhiều gây được sự thú vị. Kfc không được phát hành rộng rãi mà chỉ là buổi chiếu giới hạn. Trường hợp, “Người vợ ba” thì có một kế hoạch quảng bá bài bản, từ ngoài nước đến trong nước. Nhưng tiếc là phim đã dừng chiếu chóng vánh. Sự ồn ào huyên náo về bộ phim (theo cảm nhận chủ quan của tôi) tạo ra tính nhiễu về phẩm chất thực sự của tác phẩm này. Chưa bao giờ! Có lẽ chưa bao giờ, tiếng nói chính thức của một người cố vấn lại được chờ đợi như vậy.
Quả thật là tôi rất chờ đợi một tiếng nói rõ ràng và trung thực từ nguồn cấp Trần Anh Hùng. Tuy vậy, lần thứ 5 dự kiến của tôi lại ở trong một định dạng và tinh thần đã định sẵn từ trước, đó là Nhìn Lại, trong chuỗi những ngày được gọi là Flashback Now, số thứ 04. Phim được đề cập có tựa là Crash (1996), đã được vinh danh tại Liên Hoan Phim Cannes, nơi cũng đã từng là mảnh đất tạo lập tên tuổi Trần Anh Hùng trên trường quốc tế.
Khác với 3 lần Nhìn Lại trước đó, trong lần này, tôi có bước tìm hiểu kỹ về nội dung phim. Giải thưởng lớn nhất của Crash là Giải Đặc Biệt Của Ban Giám Khảo, giải có tầm quan trọng thứ 3 của LHP Cannes. Vì phim có một dấu cộng đặc biệt trong lý lịch như thế nên tôi đã thử xem vài phút phim này cũng như đọc thêm mấy bài nhận xét. Thú thật là tôi không ưa những phim lấy tình dục làm xung lực dẫn truyền. Thế mà ngay cảnh đầu tiên của phim đã là một pha giao hoan bất thường. Được biết phim này cũng ngập tràn những cảnh tương tự. Con người đi tìm cảm giác mạnh trong sự va chạm xe cộ cho đến va chạm thể xác. Một câu chuyện như thế không phải là khẩu vị của tôi. Tôi dự cảm sự quyết liệt, táo bạo và cực đoan khi chọn thực hiện phim này của đạo diễn David Cronenberg. Để rồi chính Trần Anh Hùng, như thông báo từ sự kiện Flashback (là một trong những giám khảo của kỳ LHP 1996) đã ra sức bảo vệ và trao giải cho Crash.
Vì đã từng tham gia các buổi trước đó nên tôi đã suy đoán về những điều mình sắp được nghe. Chắc chắn là cũng là những thú vị đã từng. Nhưng chuyên sâu thì hẳn là không thể nào chuyên sâu được. Muốn nhận được những phân tích chuyên sâu thì hẳn phải là những khóa học dài hơi và trả phí.
Với tất cả những đúc kết vừa nêu, tôi đã không tham gia Flashback Now04.
Không như những lần trước nữa. Lần này là dự định rồi cuối cùng rút lại. Chủ yếu là vì dự cảm không hợp khẩu vị. Thứ nữa, quan trọng hơn, là tâm trạng những ngày này. Không muốn Nhìn Lại mà muốn được Nhìn Ngay Lúc Này. Không muốn nghe chuyện xưa mà là chuyện nay. Nhìn thẳng và nghe những lời thật.
#Nhiên
22.5.2019