Đọc truyện ngắn Hanalei Bay 1 ngày trước buổi chiếu, tôi cảm thấy sẽ rất khó để chuyển thể lên màn ảnh. Chủ đề là cái chết, 1 người thiết lập lại liên hệ với người thân khi người ấy mất đi. Diễn tiến thế này nếu không có một cải biên mang tính đột phá thì rất khó để khơi gợi sự lưu luyến nơi người xem.
Tôi đã gặp một phim truyện tương tự. Đó là “Lời xin lỗi muộn màng”, xem trong tháng phim Nhật 2017. Với cốt truyện này, gần như sẽ phải tạo ra 2 mạch dẫn của quá khứ và hiện tại đan xen. Hẳn nhiên, tình tiết chính vẫn là hiện tại, là cách vượt qua nỗi đau mất mát. Với tôi, việc phải xử lý cả 2 dòng tự sự đương thời và hồi tưởng thật sự là tự đưa mình vào cạm bẫy. Trường hợp “Lời xin lỗi muộn màng”, theo trí nhớ có thể sai lạc của tôi, đạo diễn đã chọn hẳn tuyến hiện tại. Cái chết chỉ là tiền đề đầu phim để từ đó bánh xe câu chuyện ở thì hiện tại vận động. Kịch bản đã xuất hiện các nhân vật mới để tạo ra các sự kiện mới và từ đó thúc đẩy những đổi thay trong nhận thức của nhân vật trung tâm. Cụ thể là có 1 nhân vật phụ cũng rơi vào tình cảnh tương tự và từ đó 2 người mất thân nhân gặp nhau, thúc đẩy câu chuyện tiến tới.
Về mặt hình ảnh, tôi không nhớ gì cả. Nếu có gì để nói về phim đó, có lẽ sẽ là diễn xuất của nam chính, một diễn viên xếp vào hàng thực lực của điện ảnh Nhật Bản.
Trở lại với Hanalei Bay, đây là phim nói tiếng Anh và không ít những cảnh có các câu thoại tiếng Nhật. Dù vẫn là chuyện kể Nhật Bản nhưng bối cảnh là Hawaii thế nên Anh ngữ giữ thời lượng thống trị. Buổi chiếu không có phụ đề Việt Ngữ lẫn Anh Ngữ. Hơi bất tiện nhưng cũng là cơ hội để tôi có thể hoàn toàn tập trung vào phần hình ảnh của phim này. Trong tuần, tôi cũng đã kịp đặt tập truyện ngắn có Hanalei Bay trong danh sách. Đó là quyển “Blind Willow, Sleeping Woman”. Đây cũng là truyện ngắn thứ hai của Haruki Murakami được chuyển thể lên màn ảnh rộng trong năm này (2018). Đọc truyện qua một lớp phiên dịch thì rõ ràng là đã mất đi ít nhiều phẩm chất văn học. Nhưng tình thế hiện tại hình như không khác được. Tiếng Nhật của tôi là con số 0 lúc này.
Do đã nắm bắt được nội dung nguyên tác nên tôi không gặp khó trong việc đoán ra các đoạn thoại hay ý nghĩa trong các hành động của nhân vật. Tuy nhiên, tôi hơi thất vọng với đạo diễn phim này, người chịu trách nhiệm trên hết về chất lượng tác phẩm. Tôi có thể nói là gần như không có một sự cải biên nào từ văn học sang điện ảnh. Không có một nhân vật mới nào xuất hiện. Không có một bất ngờ nào trong cấu trúc tự sự. Mọi thứ vẫn y nguyên như trong tác phẩm gốc, nơi mà tôi cho rằng còn thiếu nhiều chất liệu để tạo nên 1 tác phẩm điện ảnh.
Về phần hình ảnh thì có khá nhiều cảnh đẹp lập đi lập lại khiến tôi có lúc nghĩ đây là phim quảng bá du lịch. Có một cảnh rất quan trọng, khoảnh khắc cho thấy nội tâm của nhân vật chính. Nhưng chuyển cảnh sau đó chỉ là một cảnh trên không, camera quét qua trời xanh, cát trắng. Chúng khiến tôi bị triệt tiêu cảm xúc. Mong chờ một sự diễn đạt đúng thời đúng chất nhưng đã không xảy ra. Chờ một điều gì đó thăng hoa nhưng rốt cuộc là sự trôi tuột. Về tiến trình tâm lý nhân vật, tôi nghĩ đã có một quãng dài thời gian tự sự mà người xem không hề thấy sự biến đổi sắc nét nào. Vẫn nỗi buồn đó, vẫn cơn trầm uất đó chỉ là kéo dãn ra, nối dài thêm. Không có sự đột biến trong tình tiết mà cũng không có sự đột biến trong hành trình nhân vật.
Theo cạn nghĩ của tôi, đạo diễn đã tự đưa mình vào một bài toán khó và không thể hóa giải. Như đã viết, tôi hoàn toàn ý thức sự gian khó trong một dạng cốt truyện như thế này. Thế nên, tôi thông cảm sâu sắc với người làm phim. Không hiểu động lực nào đã thúc đẩy? Yêu truyện gốc hay là yêu biển trời Hawaii?
Riêng tôi thì tôi chưa thể yêu được nhân vật chính. Nỗi buồn của cô tôi hiểu nhưng tôi không thâm nhập được. Như một câu nói đã thành quen thuộc, chỉ 1 lần xem thì chưa thể chắc chắn được điều gì. Nhưng trong 1 lần xem, ít nhất phải có một ấn tượng thị giác nào đó hay một cảm xúc nào đó. Hai điều vừa kể, thật tiếc tôi vắng thiếu cả hai.
#Nhiên
25.5.2019