26.4.19

KHÔNG CẢM XÚC | Shoplifters#3

 Shoplifters, cảm nhận phim Shoplifters, Gia đình trộm vặt, Burning, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Nghệ, Vũ Đạm Nhiên

Lần thứ 2 xem Shoplifters, ấn tượng nổi bật và xuyên suốt của tôi là trạng thái không cảm xúc. Hay có thể nói là vô cảm. Đây là một diễn tiến kỳ quặc và khiến tôi suy nghĩ trong suốt 1 tuần lễ.


Lần đầu và lần hai

Tôi xem phim lần đầu tại rạp BHD Phạm Ngọc Thạch. Xem ban đêm, giờ chiều tối, thời điểm rất đẹp. Rạp kín chỗ và khán giả thì ngồi tràn ra cả bậc tam cấp. Vé phát miễn phí nên quả là không dám chắc về sự mến chuộng thật sự của khán giả Hà Nội. Nhìn quanh thì tôi nghĩ 90% là độ tuổi dưới 30. Có đến 2 suất chiếu trong những ngày này, những ngày tháng 10, những ngày HANIFF2018. 

Cảm giác của tôi khi ấy là bàng hoàng. Sự bàng hoàng xảy ra ở thời điểm cây xẻng xuất hiện và hành động đào đất diễn ra. Tôi thấy lựa chọn hình ảnh rất mạnh trong sự biểu đạt. Đây vừa là một bước chuyển trong cấu trúc tự sự. Một sự kiện xảy ra khiến cho tất cả nhân vật đều phải hành động và bộc lộ thái độ, cảm xúc. Đó cũng là một bước chuyển trong sự cảm thụ của khán giả. Xem đến đoạn này, họ biết rằng câu chuyện đã nhấn thêm một tầng sâu trong nội dung. Và hẳn nhiên sẽ có một cao trào đang chờ ở phía sau.

Hình ảnh kết thúc phim tạo ra sự suy ngẫm lớn lao. Xung lực chính của câu chuyện là liên hệ cha – con, tình cha con và rộng ra là tình cảm gia đình, tính cần thiết về sự hiện hữu của một gia đình. Người xem (là tôi) thấy một gia đình không chính danh, thậm chí là một gia-đình-không-phải-gia-đình, tan rã để rồi nhận ra gia đình ấy mới thực là gia đình. Cái giả, cái tà đồng hiện cùng cái thực, cái chánh để rồi bao nhiêu định nghĩa của tôi về thực, về giả, về chánh, về tà sụp đổ.

Đến lần xem thứ hai, tôi xem ở một điểm chiếu nhỏ vào buổi sáng. Không gian trình chiếu phải san sẻ với một quán cà phê. Số lượng bạn xem cùng ước chừng dưới 20. Chẳng hiểu ngoại cảnh thay đổi có tác động gì đến sự ráo hoảnh của tôi không? Dĩ nhiên tình tiết đã nằm lòng cho nên sự bàng hoàng của tháng 10 không thể nào lập lại. Có lẽ trong trải nghiệm lần này, tôi đã xem hoàn toàn bằng trí óc phân tích. 


Câu chuyện hay và không gì khác

Ngay sau buổi xem này, tôi đã lục tìm danh sách những người đã trao giải Cành Cọ Vàng 2018 cho phim này. Có 2 diễn viên tôi quen tên. Đây có lẽ mới là lần đầu tiên tôi dò kỹ thành phần ban giám khảo của một liên hoan phim. Trong 9 người thì số lượng diễn viên đã chiếm hơn phân nửa tỉ lệ (4/9). Tôi không hiểu là một diễn viên khi chấm phim họ sẽ xét trên yếu tố nào. Theo lẽ tự nhiên, tôi phán đoán họ sẽ nhìn vào diễn xuất đầu tiên. Nếu thực vậy, ở phương diện này, Shoplifters với tôi không có gì quá đặc biệt. Các diễn viên chỉ là đã hoàn thành vai trò của mình. Họ không quá xuất sắc hay nổi trội. Mà ở điểm này, nếu cần phải so sánh thì tôi có ngay một cái tên. Đó là Burning (đạo diễn Lee Chang-Dong). Nếu đặt 2 phim này cạnh nhau thì với cá nhân tôi, Burning không thua kém ở diễn xuất và có phần trội hơn ở hình ảnh, âm nhạc.

Chỉ cần dõi theo cú máy dài ở đầu phim Burning thì tôi đã thấy ngay phim này tỏ rõ thế mạnh về cách dựng hình và di chuyển camera so với Shoplifters. Nhắc đến 2 phim thì với Burning tôi có nhiều nhung nhớ hơn về mặt hình ảnh. Hẳn nhiên, đó không chỉ là những hoạt ảnh đẹp về sắc màu, bố cục mà còn là vì tính ẩn ngôn của nó.

Burning mô tả chân xác về tuổi trẻ và đã khai thác vô cùng hiệu quả nguồn tài nguyên óng ánh trong 2 tác phẩm văn học của William Faulkner và Haruki Murakami. Tôi chưa từng thấy một bộ phim nào (có lẽ là trong khoảng 10 năm gần đây) lại có vừa có tính hiện thực mà đồng thời lại có tính dự báo về hiện trạng xã hội thông qua góc nhìn về những người trẻ trong độ tuổi 25-35. Vừa hiện thực mà lại vừa dự báo. Vừa đẹp lộ thiêng mà lại trầm tích những niềm vô ngôn. Và câu chuyện mà Burning kể cũng không mang tính địa phương cục bộ. Xung đột của giàu – nghèo là xung đột có thể nhìn thấy ở bất kỳ quốc gia nào, chẳng hạn như Việt Nam. Thật khó tin khi Burning sẽ là một trải nghiệm điện ảnh khó khăn với khán giả trẻ! Nhưng đó là sự thật! Càng khó hiểu hơn khi Burning không thể có doanh thu tốt tại quê nhà Hàn Quốc. Trong khi Shoplifters lại vừa có giải cao, vừa thắng ở nhiều rạp chiếu xuyên biên giới, chẳng hạn như tại thị trường Trung Quốc. Tôi không muốn trích đăng lại những nguồn cấp về doanh thu vì tâm trí của tôi lúc này hoàn toàn chôn chặt vào nội dung 2 tác phẩm.

Cả hai đều hay. Câu chuyện mà 2 phim muốn kể đều giàu chất liệu tự sự và phóng chiếu rất nhiều sự phản tỉnh vào tình trạng xã hội. Nhưng có lẽ Shoplifters dễ cảm thụ hơn chăng, dễ gây mủi lòng hơn chăng? Và đơn giản trong sự lựa chọn những khung hình hơn chăng? 

Tôi vẫn chưa thể đo lường được chân giá trị khi xếp 2 phim này cạnh nhau. Nhưng có một điều tôi chắc chắn, với Burning, cảm xúc của tôi vẫn không đổi sau lần đầu. Còn Shoplifters thì như đã nói, không có gì. Có lẽ điểm mạnh nhất của bộ phim này là câu chuyện, một câu chuyện hay, không gì khác, một câu chuyện dễ hiểu và lay động lòng người?

#Nhiên
26.4.2019