8.4.19

ĐƯỜNG BIÊN PHÂN LY | a separation | iran#9

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, cảm nhận phim a separation, Jodaí-e Nadér az Simín, Asghar Farhadi, buổi chiếu phim a separation

Thế nào là một bộ phim hay? 


Tôi chưa từng bao giờ hỏi mình như vậy. Hoặc nếu đã có thì trong thời điểm này tôi cũng không còn thao thức truy cầu.  Vì một câu hỏi như vậy sẽ đẩy tâm tư đi muôn lối, thật khó có điểm dừng. Trong khi đó, tâm tư cần có một điểm tựa để cảm tính hòa cùng lý tính.

Có những phim đến rồi đi nhanh chóng. Có những phim dù những lời bên ngoài (được trả công hay bị ếm bùa yêu) điểm tô rực rỡ nhưng những lời ấy rồi cũng quy ngã trước cảm giác ngay tại rạp hay ngay lần đầu xem. Về sau, khi đã có thêm chút ít kiến thức về bộ môn nghệ thuật tổng hợp này, tôi vẫn đặt niềm tin rất lớn vào cảm giác ấy, cảm giác ban đầu. Có những phim ở lại với mình mãi. Xem 1 lần và ghi khắc. Xem những lần sau đó vẫn nguyên vẹn cảm giác ban đầu. 

Không biết với A Separation (Jodaí-e Nadér az Simín, 2011, đạo diễn Asghar Farhadi) ở các lần xem sau của tôi, cảm giác ban đầu có được nguyên vẹn không? Nhưng chỉ với một lần xem, phim để lại một ấn tượng rất mạnh. Không hẳn là về hình ảnh, âm thanh, cốt truyện hay diễn xuất mà là sức gợi. Độ gợi của phim rất lớn. Và vì vậy, phim không còn phim. Phim đánh động tư duy về thực tại, về những phân ly của lòng người, về sự chia rẽ giữa người với người, về khủng hoảng bề trong, về sự lựa chọn đi hay ở, về truyền thống hay hiện đại, về bảo thủ hay cách tân, về pháp trị hay đức trị. 

Mở đầu là cảnh phân xử một cặp đôi muốn ly hôn (Nader và Simin). Ống kính chỉ cho thấy biểu cảm, tiếng nói và hình thể của cặp vợ chồng. Bóng dáng người xét xử không hề được trình hiện. Chỉ có tiếng nói ngoài hình. Kết thúc cũng là hình ảnh phân xử tại tòa. Lúc này có thêm cô con gái xuất hiện. Ống kính lướt nhanh qua vị thẩm phán. Cũng chỉ là tiếng nói ngoài hình. Quyền lực, bề trên và lạnh lẽo. Hai hình ảnh ở 2 cột mốc quan trọng cộng thêm các lời thoại và diễn biến cho thấy rất rõ một ý chính ẩn ngôn của phim này. Đó là vai trò thứ yếu của luật pháp. Hay là người dân không có niềm tin vào cơ quan pháp luật. Hay là sự thiếu nhân tính trong các hành xử của hệ thống tư pháp.

Vì mất niềm tin nên vai trò của cơ quan công quyền không còn ý nghĩa. Công dân tự tìm ra cách giải quyết mỗi khi có một xung đột. Ở phim này, có 2 xung đột lớn. Xung đột giữa 2 gia đình và xung đột bên trong 1 gia đình. 

Về xung đột giữa 2 gia đình, vị thế giữa 2 bên tương phản rõ rệt. Bên là trí thức, cả 2 vợ chồng đều có việc làm ở khối ngành giáo dục, ngân hàng. Bên là người lao động, chồng thất nghiệp mắc nợ lớn, vợ nội trợ phải làm thêm để trả nợ. Xung đột tưởng như không thể hóa giải giữa 2 bên cuối cùng đã kết thúc nhờ vào sự xuất hiện của quyển kinh Quoran. Giữa người giàu người nghèo, giữa có học và thất học, vẫn tồn tại một quy chuẩn đạo đức được cả hai bên chấp nhận và dùng đó để làm vị quan tòa. Hẳn nhiên, câu chuyện vẫn để ngỏ, vẫn bất phân đến phút cuối cùng thông qua hình ảnh chiếc kính xe vỡ nát. Nhưng ít nhiều gì người xem vẫn thấy được trong đời sống của nhân dân Iran vẫn còn một điểm tựa của lương tri, của tính thiện. 

Nhưng đến khủng hoảng bên trong một gia đình thì chuyện lại hoàn toàn khác. Ở đây không còn là bạo lực, giết người, trộm cắp, tổn hại danh dự, không còn là thiện ác, công bằng, công lý. Đây không phải những gì đương-xảy-ra mà là quá khứ và tương lai. Người vợ muốn ra nước ngoài. Lý do là vì con gái. Anh chồng quyết ở lại. Nguyên nhân là vì cha già. Vợ đứng ở ô tương lai. Chồng đứng ở ô quá khứ. Giữa hai người đã không còn tiếng nói chung. Tại sao lại có hiện tượng di tản này? Một tầng lớp trung lưu, có học thức muốn rời khỏi đất nước? 

Thật quá rõ ràng, họ không thấy có tương lai ở đây. Họ muốn con cái trưởng thành trong một môi trường khác. Họ đã mất niềm tin. Hay là chính quyền hiện tại không tạo được cho họ niềm tin để vui sống, để lao động, để an cư. Đối ngược lại là thái độ kiên quyết của người ở lại. Muốn chăm sóc người cha tật bệnh. Người cha già và cô gái nhỏ ở đây với tôi đã vượt ra khỏi ý nghĩa của một cá thể. Thái độ ra đi hay ở lại của hai kẻ sĩ đã tạo nên một phân tách sâu thẳm. Đó không phải chuyện của không gian, của biên giới địa lý mà là chuyện của tư tưởng. Khủng hoảng giữa người với người trong xã hội, luật pháp có thể vắng bóng nhưng đức trị, niềm tin tôn giáo vẫn ít nhiều còn hiệu lực. Nhưng khủng hoảng bên trong một gia đình, khủng hoảng bề trong từng thành viên thì không còn quyển kinh nào xuất hiện nữa, không còn một hệ quy chuẩn chung nào được tìm thấy dù là pháp trị hay đức trị.

Hai con người từng là chồng vợ đứng cạnh nhau. Ngăn cách bởi những ô cửa. Một đường ngang, một trục hoành cách biệt được thiết lập. Giữa họ còn là một hành lang dài. Những chiếc đèn trần nối nhau như một cách nhấn nhá ánh sáng. Thêm 2 đường thẳng để tạo ra trục tung ly biệt. Và họ đứng mãi, ngồi mãi ở đó, trong những chắn che ngang dọc. Đó là một hoạt ảnh vô ngôn mà chuyên chở toàn bộ sức nặng của bộ phim. Hai đứa trẻ của hai gia đình là chứng nhân. Chúng thâu nhận hết, chúng là cái nhìn toàn tri. Những ánh mắt đã lưu trữ đường biên phân ly. Những ánh mắt muôn lời.

#Nhiên
7.4.2019