“Chị Bê ạ, đừng luyến tiếc quá khứ. Có thể chính sự lưu luyến ấy làm chị buồn. Việc gì xảy ra đã xảy ra rồi, còn làm lại sao được nữa. Hãy gắng sức hoàn thành công việc của ngày hôm nay và hưởng những niềm vui của ngày hôm nay.”
- đoạn trích thứ ba -
Đoạn trích trên có nguồn từ quyển "Con Voi Xa Rừng” (CVXR) của Vũ Hùng. Câu thoại khuyên nhủ của chú ngựa đầu đàn và cô chó Nhật dành cho chú voi cái tên Bê trong gánh xiếc lưu động đã được trích nguyên văn, trở thành một đoạn diễn ngôn trong bộ phim điện ảnh Song Lang (SL).
Không dừng lại ở đó, tác phẩm kể về hành trình của một chú voi (được định rõ là dành cho các em từ 9 đến 12 tuổi) xuất bản năm 1987 với số lượng in lên đến 4 vạn trở thành một đạo cụ được sử dụng trong bản phim trình chiếu trên màn ảnh rộng vào năm 2018. Tập sách xuất hiện ở một phân đoạn rất quan trọng. Đó là cảnh nội đêm trong góc phòng của Dũng (thể hiện bởi Liên Bỉnh Phát). Quyển sách là tác phẩm yêu thích của cả 2 nhân vật chính (trong tuổi ấu thơ). Từ điểm chung trùng phùng này mà diễn tiến tâm lý trong liên hệ giữa Dũng và Linh Phụng (thể hiện bởi Isaac) có một cột mốc được xác lập.
Hình tượng một con voi mang thân phận lưu lạc, không thật sự hạnh phúc với kiếp diễn xiếc mua vui cho thiên hạ mà dù có trở về với bầy đàn nơi núi rừng thì cũng không được chấp nhận. Một chú voi sống đời nghệ sĩ lang thang không biết nơi nào là quê hương có tính nhất quán trong cả tạo hình thể lý và cả ẩn ý tâm lý khi đặt cạnh nhân vật chính trong phiên bản điện ảnh. Ở đây, tính liên văn bản giữa văn học và điện ảnh được tạo lập rất sắc nét, hợp lý và hợp tình. Thoại kể, đạo cụ đóng vai trò thiết yếu trong cấu trúc của bộ phim lẫn đường dây tâm lý nhân vật.
Quyển sách giữ vai trò đạo cụ xuất hiện ít nhất 3 lần và cũng là hình ảnh đặc tả cuối cùng của bộ phim. Từ đây, người xem hiểu rằng đạo diễn Leon Quang Le (LQL) muốn đặt một dòng tâm ý, một tư tưởng, một triết lý nhân sinh vào trong nội tâm của nhân vật trung tâm (Dũng). Tạo chiều sâu cho nhân vật trung tâm nghĩa là cũng đồng thời tạo chiều sâu cho tác phẩm, cho phần linh hồn của nó. Đây cũng là nỗ lực chung của giới làm phim. Không ai không mong muốn bộ phim của mình có một sức nặng nội hàm, có một độ gợi khơi triết học. Vấn đề là cách thể hiện như thế nào? Họ có thành công hay không thì tùy thuộc vào tổng thể dàn dựng của bộ phim và sẽ có thêm một lần kiểm định nữa qua các đánh giá của giới chuyên môn và khán giả đại chúng.
Ở đây, chỉ xin phép nêu thêm một chi tiết.
Giai đoạn trong khoảng 10 năm cách nay về trước, trong lĩnh vực Phật giáo xuất hiện một phương pháp hành trì được tuyên giảng và rất được ưa chuộng gọi là “Hiện Pháp Lạc Trú”. Giải thích e dông dài và cũng không đủ tư cách. Nhưng xin dùng nguyên trích đoạn của CVXR (1987) để làm một bản diễn giải ngắn gọn cho từ khóa vừa kể. Từ sách lên phim, đã có vài điều chỉnh nhỏ nhưng cấu trúc ngữ pháp, tình ý đều nguyên vẹn và được chuyển tải qua chất giọng trầm chậm rãi của nhân vật Dũng:
“…đừng luyến tiếc quá khứ. Có thể chính sự lưu luyến ấy làm ta buồn. Việc gì xảy ra đã xảy ra rồi, còn làm lại sao được nữa. Hãy gắng sức hoàn thành công việc của ngày hôm nay và hưởng những niềm vui của ngày hôm nay.”
Qua việc xếp cạnh các từ khóa, chúng ta nhận ra: Điều mà nhiều người ở địa hạt tôn giáo đang mến quý, đang hành theo, đang ngỡ như mới lạ, đang tưởng là cách tân thật ra đã được trân trọng và giới thiệu dưới nhiều hình thức tự sự khác nhau từ trên dưới 30 năm trước đó. Vậy nên cũng có thể nói rằng, quá khứ tuy đã qua nhưng cũng cần xét tới, cần truy tìm, cần nhớ nghĩ. Vì không có quá khứ thì không có hôm nay, không có quá khứ thì không còn điểm tựa để tạo nên căn cước trong nếp sống hướng thượng.
Trở lui thêm khoảng 30 năm nữa, năm 1962, ấn bản Thử Hòa Điệu Sống (Võ Đình Cường viết tại Huế từ năm 1945) in lần thứ 6 do Hùng Khanh xuất bản cũng đã dành hẳn một chương có chung một ý hướng với CVXR và SL. Thử đọc một trích đoạn ở trang 33, chương III: Sống Với Hiện Tại với những câu mở đầu:
“Mong ước một tương lai không dựa vào thực tế, tiếc nuối một quá khứ hư huyền, ôi! những sai lầm đã gây ra bao mầm đau khổ! Quanh ta, từng phút giây, triều sống tưng bừng réo dậy. Phải sống sao cho ăn nhịp hải hà”.
Dẫn thêm một nguồn cấp để thấy rằng, thiện tâm, điều bộ phim SL đang muốn tỏ bày thực chất là một đóa hoa trong một tràng hoa đã được đan kết từ nghìn chín bốn mươi, nghìn chín sáu mươi, nghìn chín tám mươi. Khác chăng là hương xưa được chắt chiu, ôm ấp, ướp giữ trong một dáng hình mới.
Nhưng câu chuyện giờ không còn ở là những gì xảy ra ở quốc nội. Bộ phim này vừa được chọn vào danh sách rút gọn (29 phim) để tranh giải tại Liên Hoan Phim Đông Nam Á (Asean International Film Festival & Awards) gọi tắt là #AIFFA2019. Một giải thưởng tuy chưa có truyền thống lâu đời nhưng thực sự là một sân chơi vừa tầm với và thiết thực với các nhà làm phim trẻ của Việt Nam và mang theo đó là ước vọng đáng khích lệ của ban tổ chức: tạo ra tình đoàn kết và tính liên đới trong hoạt động phim ảnh giữa cộng đồng làm phim Đông Nam Á.
Vậy là với diễn tiến mới nhất này, SL cũng đã mang một phần tinh anh của quá khứ đất nước nối dài đến hiện tại để cùng đến, cùng sẻ chia với đồng nghiệp và khán giả điện ảnh của 11 quốc gia và một vùng lãnh thổ mà xét ở phương diện nhân học có diện tích rộng khắp, kéo dài từ “xứ vạn đảo” vượt hẳn sang cả biên cương của Trung Quốc và Ấn Độ, với số lượng dân cư được ước tính khoảng 660 triệu người.
Cùng mong cho tác phẩm đầu tay của đạo diễn LQL có thêm những thành tích mới. Nhờ những kinh nghiệm thu hái qua phản hồi chân tình và trung thực từ ban giám khảo các cuộc tranh tài điện ảnh và từ khán giả về SL, hy vọng rằng LQL sẽ tiếp tục cho ra thêm nhiều bộ phim nữa, mà phim sau có phẩm chất hơn phim trước, góp thêm một phần công sức tạo nên phẩm cách của điện ảnh Việt Nam vốn đang rơi quay trong vòng xoáy của hoài nghi, ta thán và tuyệt vọng.
#Nhiên