IDA và COLD WAR (CW) là cùng một bàn tay dàn dựng. Dù rất tôn trọng nhưng sự thật là tôi vẫn chưa kịp nhớ tên của người ở vị trí đạo diễn.
Với sắc đen trắng xuyên suốt, với thường xuyên có những khung hình trung cận nhưng lại đặt chủ thể án giữ khoảng chỉ 1/3 chiều cao, với tuyến thời gian hậu chiến WWII, dường như cách khoảng giữa 2 phim chỉ là một sợi tóc. Suối nguồn tâm tình Ba Lan nay với CW lại các thêm chất nhạc óng ánh, tinh khiết và mê hoặc.
Chuyện tình giữa chàng nghệ sĩ dương cầm Wiktor và ca nhân Zula được kể bằng một điệu ca dân gian Ba Lan cứ thấp thoáng ẩn hiện trong suốt dòng chảy cuộc đời. Dẫu vậy, phim không rơi vào bẫy sập “nhạc át hình” để rồi biến dạng trở thành phim ca nhạc. Âm nhạc không ở thế thống trị mà khiêm nhường lui về sau. Thay vì hát, trưng trổ tự sự trong lời hát, những giây phút kề môi vào chiếc micro của Zula được thu vén, đặt để đúng vào những nhịp đắt giá nhất trong vòng cung tâm lý của nàng.
Tiếng hát của một nông dân, say mê, thống khoái là thế để rồi một sớm mai phải trở thành chiếc loa ngợi ca lãnh tụ. Phương ngữ dân gian Slavic Đông Phương thơ ngây, trào dâng yêu đương là thế để rồi một đêm tối trời giữa bản hòa âm và lời ca được Tây Phương hóa ngân lên lạc nghĩa, vô hồn.
Đối lập với IDA là đôi mắt của thiếu nữ, CW là ánh nhìn của một người đàn ông đã qua tuổi thanh niên. Đôi mắt trầm tư, khát khao tự do sáng tạo. Nhưng khung trời đó, không gian nghệ thuật đó (trong một chiều kích dường như là 4:3, tựa như một hộp chứa giam cầm chât hẹp) không cho Wiktor dưỡng khí đủ đầy. Thứ duy nhất níu kéo anh chỉ còn là tình yêu với Zula. Em chỉ cần 1 trái tim. Còn anh, anh cần 1 bầu trời. Hai thân phận ấy đã rượt đuổi nhau trong men say ái tình cùng lúc với cuộc thoát ly, di tản bằng nhiều cách.
CW tràn ngập sắc thái của tình cảm lứa đôi. Không có gì khó khăn để bắt lấy tương giao giữa nhân vật trữ tình và đối tượng trữ tình. Nhưng không vì vậy mà CW nhòa xóa đi thế lực hắc ám. Tuyến phản diện của bộ phim chỉ cần một tiếng đập cửa xe cực mạnh ở đầu phim của anh “cán bộ văn hóa” là đã đủ. Ngoài trời, tuyết phủ. Chiếc xe trơ trọi giữa một màu trắng xóa. Hai nghệ sĩ chôn chân trong xe. Chỉ một cơn dư chấn về âm thanh nhưng đủ để hiểu tương lai 2 người. Họ lên đường bằng một bầu nhiệt huyết lớn lao, ghi âm sưu tầm những lời hát dân gian của đồng bào. Và họ chỉ cần vậy. Họ chỉ muốn văn nghệ phục vụ quần chúng, là tiếng lòng của quần chúng. Họ đâu hay rằng tất cả đều đã được định hướng. Con chim đâu thể nào ngứa cổ hát chơi. Con chim phải hát lời ơn Stalin, ơn Cách Mạng.
Mà mình thì muốn tự do hát ca. Cho nên mình đập cánh. Mình bay đi. Nhưng rồi để được gì? Ở một vùng trời mới, mình cũng phải thỏa hiệp, mình cũng phải biến đổi, mình cũng phải sinh tồn. Và kết quả?
Không phải người Pháp cũng chẳng còn là người Ba Lan. Chúng ta là kẻ phản bội Tổ quốc. Đứa con của chúng ta không có nguồn cội. Xa nhà. Xa quê hương. Đứa con hoang. Không quê hương. Không nhà.
Phim chỉ 90 phút dung lượng mà sao khi xem tưởng như rất dài, dài ngang những bộ phim 120 phút. Dài như một thế kỷ. U uất, lưu lạc, giằng xé hơn cả trăm cơn đấu tố, tra tấn, khủng bố, tù đày. Phải chăng cũng là vì nỗi lòng ấy? Nỗi lòng của những trái tim…
... không biết nơi nào là quê hương!
#Nhiên
23.2.2019