... hay là điều gì bên dưới cú máy đầu phim?
Tôi không biết đây có phải là thời điểm thích hợp để phân tích phần mở đầu của bộ phim điện ảnh Trăng Nơi Đáy Giếng (TNĐG) hay không? Có lẽ là không nếu xét theo hiểu biết nông cạn của tôi lúc này. Nhưng cái gọi là “thời điểm thích hợp” có lẽ cũng không bao giờ có. Ứng với bao nhiêu tri thức tích lũy thì sẽ có bấy nhiêu hiểu biết phơi bày. Chờ cho đến “thời điểm thích hợp” thì chờ đến bao giờ?
Tuy vậy, tôi nhận thức rất rõ là nếu là tôi, trong ngày này 1 năm trước, thì có lẽ tôi cũng không thể viết được 1 câu nào về cú máy mở đầu phim. Có lẽ tôi đã tập trung quá lâu ở phần học hỏi về kịch bản. Trong khi hoạt ảnh, yếu tố về hình vẫn là đặc trưng bất nhị của điện ảnh thì tôi đã không đào sâu và có phần xao lãng. Thế nên, tư duy bắt đầu già cỗi và khô cằn. Cần một lần đào xới để nhận thức được hanh thông, mới tươi trở lại.
Cú máy mở đầu
Tôi đã có đĩa DVD Trăng Nơi Đáy Giếng (TNĐG) từ khoảng tháng 9.2017. Giá bán chỉ tầm 40.000 vnd. Có nơi còn giảm. Điều kiện để tiếp cận bộ phim này là không khó. Thế nên những bạn đang muốn trở thành 1 khán giả biết xem phim như tôi hoàn toàn có thể lấy bộ phim này để làm đối tượng nghiên cứu. Dẫu cho chất lượng hình ảnh không tốt nhưng tôi nghĩ những gì trông thấy là chấp nhận được.
Lý do cho việc nhất thiết phải sở hữu DVD là vì việc phân tích cần xem đi xem lại nhiều lần. Nôm na là “mổ băng” và chụp lại ảnh trên màn hình để thuận lợi cho việc đào sâu ý nghĩa. Hẳn nhiên với những ai có trí nhớ tốt và năng lượng thẩm thấu bén nhạy thì chỉ qua 1 lần xem thì đã thấy rõ tính điện ảnh đậm đặc hay là mờ yếu trong 1 bộ phim.
Do đang bận lòng suy nghĩ về sự xâm phạm bản quyền (sai về mặt luật pháp và bất chấp) hay là khai thác hình ảnh không một lời xin phép (sai về mặt đạo lý giang hồ và thiếu tôn trọng) nên tôi không thể đặt các tấm ảnh ở dạng công khai. Ai đã xem phim kỹ lưỡng thì chắc chắn hiểu những tình tiết mà tôi nhắc tới.
Tôi ngồi đếm số giây cho cú máy mở đầu thì ước chừng 51 giây. 51 giây, tôi không biết đây có đủ điều kiện thời gian để được gọi là cú máy dài chưa? Vì tôi thấy một số cú máy dài ở các phim đương thời, thời gian sẽ lâu hơn, tính bằng phút. Dẫu vậy, dõi theo những hình ảnh đầu tiên của TNĐG, tôi có phần chắc chắn dụng ý ở đây là muốn nhấn mạnh vào tính liên tục của thời gian. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn (NVS) muốn thể hiện 1 cảnh trông ngóng. Và qua đó, người xem có thể ngay lập tức chú tâm vào nhân vật.
Ống kính trưng ra hình ảnh chiếc bong bóng đầu tiên. Khung hình đặc tả vào chiếc bong bóng. Sau đó, máy quay lia trái, chuyển dời hồng tâm sang chiếc xe đạp mắc đầy đồ chơi trẻ con và bong bóng. Bóng một người nữ trong chiếc áo dài, đội nón thấp thoáng. Lia trái rồi lia phải trở về với chiếc bong bóng rồi lại lia trái. Nhân vật quay lưng với khung hình. Đây là gợi ý về góc nhìn là góc nhìn của nhân vật. Tuy nhiên, sự không dứt khoát trong dịch chuyển của máy quay hẳn là một điểm bất thường ngay từ khi vào phim. 1 cú máy dài 55 giây, có sự rung rinh nhất định, tốc độ chậm rãi, lừng khừng. Chậm, rung, không dứt khoát, những đặc tính này trong sự di chuyển của camera sẽ còn được duy trì trong suốt chiều dài của TNĐG. Cách thức quay như vậy chắc chắn là một lời ngầm của đạo diễn. Đó là gì? Phải chờ kết phim.
Mong muốn bề trong
Phim khởi đầu bằng một cảnh đặc tả. Sau đó là nhân vật nữ xuất hiện, lúc này khung hình chuyển sang toàn hẹp rồi trung cảnh. Tựu chung đây vẫn là một cảnh trung khi cỡ cảnh bắt đầu từ khoảng thắt lưng của nhân vật trở lên. Ánh nhìn vẫn hướng về phía trường mầm non. Cú lia trái dần đưa điểm đứng của nhân vật dời về góc phải và chừa ra một khoảng không lớn để người xem có thể thấy được hoạt động nơi cổng trường. Bấy giờ có phụ huynh đang chở đưa con em mình vào lớp. Nhân vật bất động. Còn dòng người thì chuyển động. Một bên lẻ loi, đơn độc. Một bên đông đủ, vui vầy. Họ chuyển động theo 2 phương. Phương ngang và phương dọc. Ngang là qua lại trước mặt nhân vật. Dọc là đi vào cánh cổng trường. Hai luồng di chuyển này, cách đặt một bố cục như vậy có lẽ là muốn tạo ra chiều sâu cho khung hình?
Không có thoại, chỉ có nhạc và tiếng nền. Hiện trường quay là phía trước cổng trường, có phụ huynh, có trẻ con. Đạo cụ được nhấn mạnh là bong bóng, chiếc xe đồ chơi. Tất cả đều này phải chăng là một lời mời để ngỏ của NVS? Ông muốn mượn cảnh để nói tình? Ông muốn mở một lối nhỏ để người xem rón rén bước vào nội tâm của nhân vật?
Cú lia máy giúp tôi thoáng thấy một nụ cười chớm mỉm của nhân vật nữ. Đó là nỗi hân hoan gì, khao khát gì?
Tập hợp hết tất cả, tôi gọi tên mong muốn sâu kín, mong muốn bề trong:
- Muốn có con!
Cô gái ở cạnh chiếc xe bong bóng (ẩn ý về hình tượng bong bóng sẽ được phân tích trong 1 dịp khác) muốn hưởng được hạnh phúc (mà cũng có thể là trách nhiệm, gánh nặng, nỗi lo) được đưa rước con, muốn được sống trong bộn bề lo lắng buồn vui nhìn ngắm đứa con lớn lên từng ngày.
Tự do trong khuôn khổ
Sau cổng trường, cú máy dài kết thúc để có chuyển cảnh đầu tiên. Tôi thấy cô đang đạp xe. Chuyển cảnh thứ hai tôi thấy cô trong lớp học. Vẫn là 1 bộ áo dài. Suy luận 3 chuyển cảnh diễn ra trong cùng 1 ngày và đây là buổi sáng. Giờ cô đứng ở cổng trường chắc chắn là buổi sáng sớm. Sau đó, cô đạp xe đến sở làm. Cô làm nghề giáo viên.
Cảnh đạp xe được ghi hình ở một chiếc cầu mà ai nhìn qua cũng có thể nói ngay, “cầu Trường Tiền”. Như cảnh một, cảnh thứ hai cũng là một cảnh đeo bám. Máy quay bám theo nhân vật. Nhưng ở lần chuyển cảnh này, nhân vật đang đạp xe. Tốc độ thay đổi rõ rệt. Độ dài của cảnh quay là 18 giây. Bố cục tạo cảm giác nghiêng nghiêng vì những thanh sắc của thành cầu. Cảm giác chao đảo ở cảnh một trở nên rõ ràng hơn ở cảnh 2. Cỡ cảnh giờ là toàn cảnh như muốn xác định rõ tên gọi của không gian mà nhân vật hiện hữu. Đó là Huế.
Dù là cảnh toàn nhưng dáng hình vành lược nối nhau của chiếc cầu khiến cho thị giác không thể tận hưởng sự lớn rộng của thiên nhiên xung quanh. Bầu trời bị che chắn. Dòng sông bị ngăn cách. Con đường bị chia tách. Máy quay bám sát theo nhân vật. Ban đầu tôi nghĩ đây có thể là một cú dolly in. Nhưng rồi quan sát và kết luận không thể nào có chuyện đặt đường ray trên cầu thế nên tôi bằng lòng với suy nghĩ là người quay phim chỉ đơn giản là nâng máy quay trên vai và ngồi lên xe máy có 1 người chở. Xe máy bám theo nhân vật để ghi hình. Đó là kết luận của tôi. Máy quay có lúc tiến gần, có lúc tiến xa chủ thể nhưng vẫn bám sát ở một khoảng nhất định. Theo tôi, đây vẫn đang là thủ pháp dùng cảnh để tả tâm.
Ấn tượng rõ nét nhất ở cảnh này theo tôi là sự giam cầm. Nhân vật có tự do nhưng đó là thứ tự do trong khuôn khổ và không có một lối thoát thật sự.
Đường đời chông chênh
Lần chuyển cảnh tiếp theo, tôi đúng như một đứa học sinh, cũng đang ngồi giữa lớp học. Theo tôi, đây là cảnh trung. Động tác lia phải, độ rung vẫn tương tự cảnh 1, tốc độ nhanh ở cảnh 2 đã được trả về đúng kiểu dịch chuyển như cảnh 1, độ dài của cú máy là 54 giây, tương đương cảnh 1. Nhân vật đọc 1 bài thơ, khởi đầu là câu “đường đời chông chênh”. Tôi không hiểu bài thơ. Chỉ nghe thấy câu “đường đời chông chênh” là điệp ngữ được lập lại nhiều lần để tạo ra tính nhạc cho bài thơ. Cái ý “chông chênh” này rõ ràng là để nối liền với cảnh 2. Âm nhạc, tiếng nền lúc này đã nhường chỗ cho câu thoại đầu tiên. Tuy nhiên, đây chỉ là đọc thơ, chưa phải là một câu thoại, tức lời nói hằng ngày của nhân vật. Phần mở đầu phim như vậy là chỉ dùng hình, dùng thanh (nhạc, tiếng nền, tiếng ngoài hình) để mô tả nhân vật, hoàn cảnh, nội tâm. Đạo diễn rõ ràng có ý không muốn sử dụng độc thoại để kể chuyện hay giới thiệu.
Đến lúc này là lần chuyển cảnh thứ 3. Và cảnh thứ 4 là một nhân vật nam đứng ở ngoài lớp học. Bất ngờ có một học sinh nhìn ra và báo động. Lớp học mà trước đó cô trò quây quần theo kiểu 1 giờ học ngoại khóa ở công viên thì nhanh chóng trở lại đúng trật tự chính quy. Từ cảnh toàn giới thiệu nhân vật thứ hai trở thành cảnh trung khi nhân vật đứng xoay lưng so với máy quay và nhìn vào trong. Khi tôi thấy cậu học trò thò đầu ra ngoài rồi quay vào trong báo động thì với tôi cảnh này có phần dàn dựng lộ liễu. Không được tự nhiên lắm. Ở cảnh 3 và cảnh 4 có lẽ tính chất giới thiệu đã chiếm phần nhiều. Tính báo chí lúc này nhiều hơn, tính điện ảnh lúc này kém hơn so với cảnh 1, 2.
Nội tâm nhân vật đã hé lộ ở cảnh 1, 2. Đến 3, 4 thì người xem được giới thiệu kỹ hơn về lai lịch nhân vật cũng như một thoáng ẩn ý nào đó về liên hệ giữa người nữ và người nam.
Cảnh mở đầu kết thúc (hay đúng hơn được xác nhận chỉ bao gồm 4 cảnh đầu tiên với 3 lần chuyển cảnh) bằng âm thanh nền là tiếng tụng kinh của Phật Giáo Bắc Truyền trong đêm tối và dòng chữ TRĂNG NƠI ĐÁY GIẾNG xuất hiện.
Qua phần mở đầu, một số thuật ngữ chuyên môn về việc dựng hình có thể tôi viết sai, tôi cũng không ngại điều này. Cái ngại lớn nhất là sự cảm thụ của mình về nhân vật hoàn toàn sai trật. Với chừng ấy những gì nhìn thấy, phim nhiều phần sẽ lấy người nữ làm nhân vật trung tâm. Những thông tin về cô như sau:
- giáo viên trung học phổ thông, dạy văn
- sống tại Huế, ước chừng trên dưới 30 tuổi
- chưa có con (hay là nóng lòng có con)
- nội tâm hay là đời sống tinh thần có một nỗi bất an, chông chênh, chao đảo, kìm nén nào đó không rõ và phải chờ những thước phim tiếp theo người xem mới có thể thấu tận ngọn nguồn
#Nhiên
15.2.2019