hay Trăng Nơi Đáy Giếng (TNĐG)
là câu chuyện được kể qua đôi mắt của ai?
Đây là bài nhật ký nhắc đến một từ vựng điện ảnh quan trọng. Đó là góc nhìn nhân vật (point of view, thường được ghi vắn tắt là POV).
Góc nhìn của ai?
Thuật ngữ trước tiên thuộc về mảng quay phim, dựng hình. Cảnh đầu tiên của TNĐG, tôi thấy một nhân vật nữ đứng trước cổng trường mầm non. Cô xoay lưng lại so với máy quay. Trước mặt cô là ngôi trường vào lúc ban sáng với dòng người bao gồm phụ huynh và trẻ nhỏ. Khung cảnh đó nếu hoàn toàn là cảnh ngôi trường thì tôi tin rằng mình có thể gọi đó là POV. Hay rõ hơn, đó là “góc máy hiển thị góc nhìn của một nhân vật”. [1]
Tuy nhiên ở cảnh này, là một cú máy không cắt, diễn tiến từ hình ảnh chiếc bong bóng rồi đến nhân vật nữ và ngôi trường. Không một chuyển cảnh. Nhân vật nữ vẫn ở trong khung hình và ngôi trường trước mặt. Không có sự phân tách. Đây là điểm cần phân tích về sau. Ở bài này, tôi tạm thời nhìn nhận đó là POV.
Tuy nhiên ở cảnh này, là một cú máy không cắt, diễn tiến từ hình ảnh chiếc bong bóng rồi đến nhân vật nữ và ngôi trường. Không một chuyển cảnh. Nhân vật nữ vẫn ở trong khung hình và ngôi trường trước mặt. Không có sự phân tách. Đây là điểm cần phân tích về sau. Ở bài này, tôi tạm thời nhìn nhận đó là POV.
Trong một bộ phim, có thể sẽ rất nhiều lần xuất hiện POV. Nhưng POV đó có thể thuộc về một nhân vật phụ, không phải là POV của nhân vật chính. Tức là POV của nhân vật chính sẽ xuất hiện nhiều hơn, có tổng lượng thời gian dài hơn POV của nhân vật phụ. Tuy vậy, vẫn có trường hợp có phim độ dài hay tần suất POV giữa các nhân vật là ngang nhau. Thế nên từ đây, từ ý nghĩa ghi hình, tôi chuyển sang ý nghĩa ở khâu kịch bản. Suy xét POV trong bài này vì vậy là suy xét ở cả 2 phương diện.
Một câu hỏi rất quan trọng cần đặt ra với phim này và cũng có thể lập lại để hình thành 1 thói quen trong việc thưởng thức tất cả các bộ phim khác. Đó là, “TNĐG là câu chuyện được kể lại với góc nhìn của ai?”
Một số câu hỏi tương tự:
- Phim là câu chuyện được kể với góc nhìn của 1 nhân vật hay luân phiên qua nhiều nhân vật?
- Có phải phim được kể bằng góc nhìn của nhân vật chính?
- Phim đi theo lối kể thông thường (qua 1 nhân vật trung tâm) hay phim có một sự sáng tạo khác lạ nào đó trong cách kể, cách chọn góc nhìn?
Nếu chưa ý thức, hoặc không hề muốn tạo ý thức để lập nên đường hướng tư duy này, theo tôi, việc cảm thụ điện ảnh sẽ mãi mãi đóng băng. Xem ngàn phim như một. Không có một sự tiến bộ nào. Hay còn gọi là “xem phim mù”. Giống như nghe nhạc mà chỉ phân tích phần lời, diễn giải ca từ theo tình ý chủ quan mà bỏ qua hoàn toàn sự phát triển của giai điệu. Nghe như vậy là “nghe điếc”, bình nhạc như thế khác nào bình bằng trái tim đui, bằng một trí óc lệch lạc.
Hẳn nhiên, chỉ với một câu hỏi thì vẫn không đủ để thông đạt hoàn toàn ngôn ngữ điện ảnh. Nhưng chắc chắn, sự thẩm thấu tác phẩm sẽ không còn ở dạng bản năng, hời hợt, nông cạn và tùy hứng. Kể từ đây, nhận định của người khán giả sẽ mở ra một phương trời mới, riêng biệt, lấp lánh ánh sáng chứ không bị dẫn dắt bởi phương tiện truyền thông hay bất kia ai khác, không bị rơi vào phép trung bình cộng trừ nhân chia với số đông.
Xem phim như một người ngoại quốc
Tôi tiếp cận bộ phim Trăng Nơi Đáy Giếng theo đúng sự mô tả bên trên. Không khác đàn gãy tai trâu là bao. Không hề tự đặt ra một câu hỏi nào. Không hề có một sự chuẩn bị nào. Vậy nên phim ngang qua tôi như dòng xe ở ngã tư đường. Đèn đỏ dừng. Đèn xanh đi. Vết dấu đọng lại chỉ là chút cảm xúc hoang dã, bộc phát rồi cũng dần phai nhạt.
Thật may là có một sự kiện mà theo đó tôi đã nhận được gợi ý về “con mắt thứ ba” hay là “con mắt âm dương” [2]. Quay về, mở đĩa, một cách nhìn mới và một thế giới hình ảnh hoàn toàn khác xuất hiện.
Tuy vậy, ở lần xem gần nhất này (tháng 2.2019), tôi đặt tâm thế như một người ngoại quốc. Nghĩa là tôi xóa hết ký ức. Trở thành ngây ngô. Tôi cố gắng đóng cho thật tròn vai. Tôi có thể tắt hẳn nhạc để không bị thời tiết dàn dựng trong phim ảnh hưởng. Tôi không cần phải nghe lời thoại. Tôi chỉ xem hình. Tôi nỗ lực “nặn não” để suy xét những người chịu trách nhiệm pháp lý và chuyên môn ở phần hình ảnh của TNĐG đã sử dụng những chất liệu nào. Tôi bỏ qua hình ảnh cầu Trường Tiền. Người nước ngoài thì rất có thể chưa bao giờ có ý niệm về Trường Tiền, sau nữa là Huế. Thế cho nên, với một kiểu xem phim như vậy, tôi thích cảnh 1 và cảnh 2 nhiều hơn.
Đến cảnh 3 tức là ở lớp học, nhân vật nữ đã lần đầu diễn ngôn. Cô đọc 1 bài thơ. Tôi đâu có hiểu tiếng Việt. Mà ở đây còn là thơ. Ngôn ngữ hằng ngày còn chưa hiểu thì làm sao có thể hiểu ngôn ngữ thơ. Và tôi tin là một người ngoại quốc chính hiệu (phải xem qua phụ đề) thì họ cũng có thể như tôi, hoàn toàn không hiểu gì. Nếu tinh ý họ có thể cảm được nhịp điệu, âm sắc, còn ngữ nghĩa sẽ rất khó khăn.
Khi xem lại, tôi bỏ qua phần đọc, tôi cũng không kịp ghi nhận nhịp điệu trong giọng đọc, tôi chỉ thấy câu “đường đời chông chênh” được lập lại. Điều này gắn kết với hình ảnh đạp xe trước đó. Nhưng nếu theo lối này thì tức là tôi không còn là người ngoại quốc, cho nên tôi xóa luận giải này. Tôi để ý nhiều hơn đến quang cảnh của lớp học. Học sinh ngồi cả lên bàn. Theo suy luận, đây là giờ ngoại khóa hay là một kiểu dạy học ngẫu hứng, không theo truyền thống. Rồi đến cảnh 4, khi một người chưa biết là thầy giám thị hay một nhân vật quyền lực nào nhưng khi ông xuất hiện, lớp học trở lại hình thái thông thường. Cô nền nã trên bục giảng. Trò nề nếp ngay bên dưới.
Diễn tiến này hẳn nhiên khi đặt ở phần mở đầu tức là có giá trị ngầm chứa cho một thông tin mà cũng là điềm báo về sau.
Đây là cảnh 3, cảnh 4, nội cảnh, có sự tương tác giữa các nhân vật. Còn ở cảnh 1, cảnh 2 đều là ngoại cảnh, nhân vật hoặc là bất động, hoặc là chuyển động, tuyệt nhiên không hé một lời nào. Với tôi, đó là những mỏ vàng tiềm năng mà ngôn ngữ điện ảnh có thể đang cất dấu. Tôi tập trung tâm trí mình ở đó nhiều hơn. Và cũng vì được xếp trước cho nên tôi ưu tiên hơn. Chắc chắn đó không phải là một sắp đặt vô lối. Tính quan trọng của cảnh sẽ tạo ra một trật tự như vậy. Ít nhất là tôi thấy một liên hệ từ ngoại đến nội.
Việc xem phim của tôi là xem trên đĩa, không phải ở rạp. Vậy nên tôi hoàn toàn có thể dừng bất kỳ lúc nào. Tôi dừng thật. Phần sau đó tôi khoan vội theo dõi. Tôi chỉ xét cảnh mở đầu. Thời gian xem mới chỉ khoảng 2 phút. Vô cùng ngắn ngủi! 2 phút! Nhưng cũng vô cùng quan trọng! Nếu qua 2 phút mà một bộ phim không đủ gây hiệu ứng thị giác và khiến cho người xem tập trung thì tôi nghĩ đó đã là một thất bại.
Tách rời tiểu phần khỏi đại thể thật ra là một lối không nên. Không thể nào làm được điều này nếu xem ở rạp. Nhưng nếu không luyện tập khi có điều kiện như thế này thì tôi thấy những lần đến rạp của mình về sau sẽ rất vô ích, lãng phí bao nhiêu tiền của và thời gian. Tách rời phần mở đầu để có một sơ kết. Rồi chờ đến khi xem hết bộ phim, tôi sẽ so sánh giữa sơ kết và tổng kết sau cuối để tìm hiểu nhận định ban đầu đã sai, đã đúng như thế nào.
Góc nhìn qua 4 cảnh
Cảnh 1 là một cảnh có phần gây bối rối. Có một điều gì đó đáng ngờ ở đây. POV là của nhân vật nữ nhưng cũng đồng thời là của người khác. Tâm tư tôi có thiên hướng đi sâu vào nội tâm của nhân vật nữ nhiều hơn là để ý đến cảm giác đáng ngờ đó.
Cảnh 2 một cảnh toàn rộng, không phải là POV của nhân vật nữ, tôi đã liên hệ đến ý nghĩa của nhân vật với môi trường. Đây là hình ảnh ẩn dụ cho vị thế xã hội của nhân vật.
Cảnh 3 có thể là POV của một học sinh đang ngồi trong lớp. Với tôi, cảnh này thiên về giới thiệu, giới thiệu môi trường làm việc. Còn các ẩn ý tôi chưa kịp phân tích ngay trong lúc xem.
Cảnh 4 là POV của một học sinh vừa ló đầu ra ngoài lớp. Tôi vẫn nghĩ đây là cảnh sắp đặt lộ liễu. Đang ngồi trong lớp tại sao lại có thể bất chợt ló đầu ra. Phải có một cảnh trước đó cho thấy có 1 em học sinh đã ló đầu ra vài lần để giúp tôi hiểu rằng việc canh chừng đã được phân công, chứ không phải một dạng ngẫu hứng. Dẫu vậy, theo tôi đây cũng không phải là chi tiết hệ trọng. Tầm quan trọng đã rơi rụng dần dần từ cảnh 1 đến cảnh 2 sang cảnh 3, cảnh 4.
Cảnh 5 khi nhân vật nam nhìn vào thì đây là POV của nhân vật nam. Nhưng lối dùng hình vẫn y khớp cảnh 1. Người xem chắc chắn thấy rằng có một điều gì đó bất thường.
Qua cả 5 cảnh với 4 lần chuyển, phần mở đầu của TNĐG rõ ràng cho thấy một điều. Câu chuyện đang được kể không phải qua góc nhìn của nhân vật nữ. Vậy POV của TNĐG là ai? Câu hỏi này sẽ chỉ được giải đáp ở phần còn lại của bộ phim.
#Nhiên
18.2.2019
Phần ghi chú:
[1] đọc thêm hàng thứ 8, trang 94, quyển Từ Vựng Điện Ảnh, trang 94, NXB Tổng Hợp, in năm 2011
[2] đọc lại bài nhật ký Trăng Nơi Đáy Giếng #6, “Mắt Nhìn”