Nhớ lần đầu xem phim Trăng Nơi Đáy Giếng, tôi không ấn tượng lắm với lần đầu đọc thơ của nhân vật Hạnh. Có lẽ sự diễn đọc ở thời điểm kết phim dễ gây ấn tượng tri giác hơn là đoạn đầu.
Về sau mới biết cả 2 bài thơ được sử dụng trong phim đều cùng một tác giả. Tìm kiếm trên mạng thì cũng chỉ có kết quả ở bài sau. Tựa “Vườn Xuân”. Còn bài đầu “Người đàn bà và tấm khăn choàng” thì không thấy. Kiên nhẫn hơn thì cũng tìm ra nhưng hẳn phải mất nhiều công sức hơn bài sau.
Dùng một bài thơ để khép lại một bộ phim theo tôi có lẽ không phải là một cách hay. Nhưng nghĩ lại thì bản thân cũng chẳng tìm được một cách nào khả dĩ hơn. Hơn nữa, do đã dùng 1 bài thơ đặt ở phần thiết lập vấn đề, thiết lập nhân vật, thiết lập câu chuyện thì việc đặt thêm 1 bài ở phần giải quyết vấn đề âu cũng là một sự dàn xếp hợp lý tuân theo quy luật mở - đóng.
Tôi cũng nảy nở một ý nghĩ đi tìm tập thơ nguyên gốc. Ý nghĩ đó xếp sau ý nghĩa đi tìm tập truyện ngắn cùng tên. Và thật đúng là như tựa đề, như thể tìm trăng, tìm trăng nơi giếng, tìm một thứ không thật, không có thật, tìm một sự bất khả.
Phải đi qua gần 2 năm sau lần xem đầu, tôi mới tìm thấy tập truyện ngắn. Và 2 tuần sau cột mốc đó là tập thơ. Khôn xiết vui mừng! Khó mà mô tả sự phấn khích nơi lòng.
Tháng hai, định rằng sẽ ngồi phân tích bài thơ như một em học sinh phổ thông trung học. Trí nhớ buổi học giảng văn ra sao thì thực thi y vậy. Tóm tắt tiểu sử tác giả. Tóm lược hoàn cảnh ra đời của bài thơ và bắt đầu đi vào phần đại ý, thủ pháp ngôn ngữ, phân tích nhân vật trữ tình, đối tượng trữ tình. Định chép tay bài thơ trước rồi bắt đầu việc phân tích tác phẩm. Đang giữ một ý nghĩ như thế thì tháng ba tìm thấy tập thơ. Sung sướng! Ngỡ ngàng!
Được biết người viết nên 2 bài thơ cũng là một cô giáo. Khác với nhân vật Hạnh trong phim dạy Văn, tác giả ngoài đời dạy môn Sinh Học. Làm thơ như một bất ngờ giáng hạ ở vào độ hơn nửa đời người.
Tập thơ tôi cầm trên tay in cách nay đã ¼ thế kỷ. Bìa là bức họa một người phụ nữ khỏa thân đang nắm giữ chiếc khăn choàng màu xanh. Dễ thấy bài thơ “Người đàn bà và tấm khăn choàng” là tiêu điểm của cả tập sách, không những chỉ là tình ý, tư tưởng mà còn là danh tiếng. Chẳng hiểu bài thơ ấy viết ở tháng năm nào. Nhưng căn cứ theo giải thưởng (giải ba cuộc thi thơ 1989 – 1990) của Tuần báo Văn Nghệ Hội Nhà Văn Việt Nam thì có lẽ bài thơ đầu được viết trong khoảng thập niên 1980.
NGƯỜI ĐÀN BÀ DO ĐÀN ÔNG SINH RA là tuyển tập của 3 tập thơ với nhan đề lần lượt: ĐÀN BÀ, GƯƠNG MẶT NGƯỜI TÌNH, KHÔNG ĐỀ BAN MAI.
“Người đàn bà và tấm khăn choàng” thuộc về tập thơ thứ nhất. “Vườn Xuân” nằm ở mục lục tập thơ thứ hai.
Sách in 1994 nên thời điểm sáng tác của cả hai bài có lẽ cũng cùng thuộc vào khoảng 10 năm trở về trước. Phần gáy sách đã bung lớp keo. Khi kiểm tra kỹ thì một lượng giấy vụn vỡ tuôn ra đầy tràn. Gom lại bằng cả một lóng tay. 2 lần rơi đổ như vậy. Chẳng hiểu thủ phạm to béo, no tròn, có đuôi đang ẩn nấp ở đâu? Vậy là trong khoảng cách xa giữa người và thơ đã có một hay nhiều thân phận đêm ngày ngụ cư không xin phép và khai thác triệt để nguồn tài nguyên gỗ giấy. Tôi có chút bực dọc và nghi kỵ nhưng rồi được giải tỏa và thăng bằng bởi ý nghĩ “thi ca vừa là thức ăn mà cũng vừa là nơi nương náu”.
Một niềm khác, gây chấn động không kém, không thể không thuật lại. Đó là ở trang đầu có chữ ký và lời đề tặng của chính tác giả. Người được tặng thơ giờ ra sao? Gìn giữ thế nào mà tặng phẩm gửi trao với bao nhiêu là mến quý phải lưu lạc?
Năm nay, 2019, Trăng Nơi Đáy Giếng kỉ niệm 11 năm ngày sản xuất. Thuở ấy, 2008, khi phim chính thức công chiếu, người đã đóng góp chất liệu văn học cho bộ phim đã không thể chứng kiến sự phục sinh của “Người đàn bà và tấm khăn choàng” và “Vườn Xuân” trên màn ảnh rộng. Ngay trong năm phim ra đời, tác giả đã ra đi vì bạo bệnh.
Giờ là 11 năm kể từ phim và 25 năm kể từ thơ, vẫn còn có một người muốn choàng khăn và đi tìm 1 mảnh vườn.
Khăn của Thảo Phương. Vườn của Thảo Phương.
#Nhiên
14.3.2019