3.2.19

Thèm sống như thèm chết | TTT#1

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, cảm nhận bài Phục Sinh, thơ Thanh Tâm Tuyền, Tôi không còn cô độc, Burning, Lee Chang Don
Với tôi, #PhụcSinh nói riêng và #TôiKhôngCònCôĐộc [1] nói chung là một trong những bài thơ, tập thơ yêu thích nhất.

Tôi tiếp cận tác phẩm có lẽ là vào khoảng 2004. Cách nay ước chừng 15 năm. Năm phát hành của tập thơ hẳn nhiên là tôi đã biết. Nghìn chín năm sáu. Tuy nhiên cái biết đó đã có phần nhòe nhạt đi qua năm tháng. Hôm xem phim Sansho tại Tổ Ong và bắt đầu phân tích phim này thì con số 1956 (phim phát hành 1954, tập thơ ra đời sau đó 2 năm, cùng trong 1 thập niên) lại được dịp đun nóng bằng ngọn lửa ý thức. Phân tích phim ngoài ý nghĩa chuyên môn cạn nghĩ không thể bỏ qua phần tác động của nó đối với xã hội đương thời lẫn thế đứng của phim trong dòng chảy lịch sử điện ảnh. Chuyện phim có lẽ sẽ viết trong dịp khác, tại 1 nơi khác.

Còn giờ là con số 1956 và bài thơ Phục Sinh. Tôi sắp thêm phần Anh ngữ song hành cho từng câu. Không phải ngẫu nhiên hay tình cảm chủ quan mà những người ở thế giới Anh ngữ đã chọn bài này để đưa vào cái gọi là #SourcesOfVietnameseTradition [2]. Tôi tin vậy! Trình độ hiện tại của tôi chưa đủ để bình về bài thơ này. Tôi chỉ có thể nói về nhạc tính. Một cảm giác mơ hồ về một bản-nhạc-thiêng-không-lời cứ ngân vang mỗi khi tôi đọc bài này cũng như nhiều bài khác của #TTT. Để rồi từ đó tôi đúc kết rằng thơ, nhất là thơ tự do, muốn hay, muốn để lại dư âm thì phải gieo vào lòng người một khúc ca. Truyền trao giữa nhà thơ và người đọc trong lần đầu gặp gỡ chính là gởi vào hồn nhau một tiếng đàn.

PHỤC SINH / RESURRECTION

tôi buồn khóc như buồn nôn 
I want to cry like I want to vomit
ngoài phố 
on the street
nắng thủy tinh 
crystal sunlight
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
I call my own name to soothe my longing, 
"thanh tâm tuyền" 
buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường 
evening a star breaks against a church bell
tôi xin một chỗ quỳ thầm kín 
I need a secret place to kneel
cho đứa nhỏ linh hồn 
for a little boy’s soul
sợ chó dữ 
of a fierce dog
con chó đói không màu 
a hungry dog without colors

tôi buồn chết như buồn ngủ 
I want to die like I want to sleep
dù tôi đang đứng trên bờ sông
although I’m standing on a river bank
nước đen sâu thao thức 
the deep dark water is restless
tôi hét tên tôi cho nguôi giận,
I scream my own name to slake my rage, 
"thanh tâm tuyền" 
đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi 
night falls onto a sinful whispering realm
em bé quàng khăn đỏ ơi 
O child wearing a red kerchief
này một con chó sói
Hey there wolf
thứ chó sói lang thang 
a wandering sort of wolf

tôi thèm giết tôi 
I crave suicide
loài sát nhân muôn đời 
an eternal sort of murderer
tôi gào tên tôi thảm thiết, 
I scream my own name in distress, 
"thanh tâm tuyền" 
bóp cổ tôi chết gục 
strangle myself into collapsing
để tôi được phục sinh 
so I could be resurrected

từng chuỗi cuộc đời tiếp nối 
into an ongoing string of life
nhân loại không tha thứ tội giết người 
mankind doesn’t forgive the crime of murder
bọn đao phủ quỳ gối 
the executioners kneel
giờ phục sinh
the time of resurrection

tiếng kêu là kinh cầu 
a shout is a prayer
những thế kỷ chờ đợi
for the waiting centuries

tôi thèm sống như thèm chết 
I want to live like I want to die
giữa hơi thở giao thoa 
among intersecting breaths
ngực cháy lửa 
a flaming chest
tôi gọi khẽ, 
I call softly, 
"Em 
dear
hãy mở cửa trái tim 
open the door to your heart
tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ 
my living spirit has turned into a child
trong sạch như một lần sự thật" 
as pure as the truth one time."

#ThanhTâmTuyền #NhómSángTạo #LịchSửThơCaViệtNam

Để tiếp cận với những lớp nghĩa cơ bản và bề mặt của văn bản này, cạn nghĩ ít nhất cũng đã từng 1 lần ngồi ở nhà thờ. Nếu ai đó đã thường xuyên hít thở không khí của giáo đường tôi tin rằng không có gì khó khi tiếp cận với tiêu đề “phục sinh” cũng như vài hình ảnh trình hiện trong tác phẩm này như là “một chỗ ngồi thầm kín”.

Bố cục của bài thơ tựa như 1 ánh chớp của Thần Khúc khi mà đưa mắt nhìn dõi theo hành trình vào địa ngục, sâu tận từng lớp rồi vút bay lên vùng sáng của thiên đàng. Giọng tự sự ở ngôi thứ nhất phản chiếu một nỗi giận dữ không rõ nguồn cơn, một nỗi buồn đau giằng xé mờ nhạt gốc rễ và cái muốn được hủy hoại, được tự mình tàn phá chính mình. Tâm trạng này tôi e rằng đã không chết theo văn bản và cũng đã được phục sinh trong rất nhiều hình hài khác. Ngay bây giờ. Ngay thời nay.

Nỗi oán hờn, nỗi phiền muộn, nỗi mong chờ được chết không khó để nhận diện trong tuổi trẻ hôm nay, tuổi trẻ Việt Nam hay là tuổi trẻ thế giới. Thế nên, bài thơ sẽ vì vậy mà sống mãi.

Bất chấp mọi quy luật.

#Nhiên
3.2.2019

T/B:
Tôi vừa thấy CLB Điện ảnh (ĐHKHXH&NV HN) có bàn luận về bộ phim #Burning (2018, đạo diễn #LeeChangDong, câu chuyện gốc #HarukiMurakami). Theo cạn nghĩ của tôi, để phân tích một tác phẩm điện ảnh, điều đầu tiên cần truy xét là chất liệu điện ảnh (từ trải nghiệm thực tế của đạo diễn, từ chất liệu văn học trong tác phẩm gốc). Nếu đi theo hướng này thì tôi tin rằng các bạn sẽ khám phá ra tính liên văn bản giữa bộ phim mà các bạn đang rất yêu thích và một bài thơ của Việt Nam được viết cách nay xấp xỉ 70 năm.

Tự hỏi: Chừng nào những phim như Burning mới được trình chiếu tại rạp chiếu Việt Nam? Và chừng nào bàn tay mới có thể chạm vào bìa của tập thơ Tôi Không Còn Cô Độc?

:::Nguồn cấp dữ liệu:::
[1] Thanh Tâm Tuyền, Tôi không còn cô độc, Người Việt xuất bản, in tại nhà in Hợp Lực xong ngày 15-10-1956

[2] George Dutton + Jayne Werner + John Whitmore, Sources Of Vietnamese Tradition (Introduction to Asian Civilizations), NXB Đại Học Columbia, in 2009.


Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, cảm nhận bài Phục Sinh, thơ Thanh Tâm Tuyền, Tôi không còn cô độc, Burning, Lee Chang Don