Tôi đến với buổi chiếu "Thung Lũng Hoang Vắng" (TLHV) mà không để tâm nhiều lắm đến không gian chiếu và cái tên Vietnamese Language Studies (VLF).
Phải đến khi bước chân vào gian phòng, nhìn thấy toàn thể người xem đến từ hơn 10 quốc tịch thì mới hiểu đây là môi trường giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Màn hình nhỏ, âm thanh, ánh sáng chưa đạt, cùng nhiều yếu tố kỹ thuật khác trở thành những bất như ý nhỏ bé trước niềm trông chờ lớn lao: Được lắng nghe cảm nhận từ khán giả liên hiệp quốc về 1 tác phẩm điện ảnh Việt Nam.
Một anh người Mỹ gốc Việt hỏi về phát âm của thầy giáo Tành (thể hiện bởi diễn viên Nguyễn Hậu). Anh không hiểu nhiều câu chữ và không biết thầy Tành đến từ vùng miền nào. Chính nghi vấn này đã mở ra 1 khía cạnh vô cùng đặc biệt của bộ phim mà bản thân tôi sau nhiều lần xem đã có phần xem nhẹ. Đó là ngôn ngữ địa phương.
#ThungLũngHoangVắng là câu chuyện về ngôi trường tiểu học nhỏ nhất thế gian (chỉ có 2 lớp học) với 1 thầy và 2 cô giáo. Trường đặt tại Tả Giàng Phình, 1 địa điểm cách Sa Pa (Lào Cai) ước chừng 30km. Nơi đây chứng kiến sự xuyên qua gian khó về vật chất lẫn tinh thần của 2 cô giáo trẻ đơn thân miền xuôi trong ước vọng mang tri thức đến trẻ em và cả đồng bào vùng cao.
Xác định danh tính chính xác của từng ngữ âm trong phim đối với riêng tôi không phải là bài tập dễ dàng. Tôi hoàn toàn bỏ cuộc với trường hợp thầy Tành. Giọng thầy nghe như giọng Huế. Nhưng có đúng thế không? Hay là giọng Nghệ An, giọng Quảng Trị? Chưa cần phải xét đến đơn vị hành chính là tỉnh thành. Chỉ cần là Huế, giữa nội đô và vùng ven đã có nhiều sai khác, thậm chí chính người dân ở cách nhau chừng hơn chục km đã không thể hiểu một số lời ăn tiếng nói hằng ngày .
Từ thầy Tành, một loạt thắc mắc khác về tiếng nói của 2 cô giáo và lan đến cả tộc người xuất hiện trên phim. Là người H'mông hay người Dao? Có bao nhiêu người trong số họ là dân bản địa thực thụ? Còn một chi tiết nữa mà có lẽ nhiều người xem tối nay không biết đó là phim được ghi hình ở thời điểm chưa có việc thu tiếng đồng bộ. Âm phát từ diễn viên về sau được lồng tiếng và xử lý hậu kỳ. Chính vì vậy mà 2 diễn viên có giọng miền Nam (Nguyễn Hậu, Hồng Ánh) vẫn được chọn cho vai diễn là người miền Trung, miền Bắc.
Trong 1 bộ phim, chỉ riêng địa hạt ngôn ngữ đã khơi ra hàng loạt gợi mở. Và hẳn nhiên, việc chọn lựa tiếng nói và cách thức những dãy âm thanh xuất hiện trong 1 bộ phim không phải là 1 sự tình cờ. Chẳng hạn, như thầy Tành, 1 nhân vật không còn nơi nào để trở về (quê nhà không còn người thân thích) thì việc cho tiếng nói của ông bị pha tạp nhiều nơi sẽ là 1 lựa chọn khả dĩ (?). Tiếng nói, phát âm, khẩu hình vì vậy trở thành những nguồn biểu cảm hé lộ lý lịch, thái độ sống và những biến động trong tiến trình phát triển tâm lý nhân vật.
#TLHV với tính đa dạng trong ngôn ngữ trở thành 1 trong không nhiều phim điện ảnh Việt Nam đem lại sự kỳ thú đặc biệt. Với lòng yêu sâu nặng dành cho tiếng Việt (như bài thơ #TiếngViệt của Lưu Quang Vũ được trang trí ở khán phòng buổi chiếu phim) người xem có thể mở ra cánh cửa ngôn ngữ học và thâu nhặt nhiều tri thức từ bộ phim. Còn nếu có thêm lòng yêu điện ảnh các thêm, các thêm, thêm 1 cánh cửa, 1 cánh cửa được tung mở.
Kho báu hiểu biết luôn âm thầm sẵn đợi. Yêu đương càng sâu, lãnh thâu càng nhiều.
#Nhiên
13.12.2018