20.12.18

TRONG TỔ NGOÀI TỔ | AME#1

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, cảm nhận phim A Man Escaped, A Man Escaped, Robert Bresson
“Chúng ta đều đồng ý là đây là 1 bộ phim tuyệt vời phải không?”, đó là câu hỏi mà tưởng như cũng là khẳng định của đạo diễn Trần Anh Hùng (TAH) khi phim vừa kết thúc.

Tôi không chắc đó là nguyên văn nhưng chắc chắn có tính từ “tuyệt vời” đã bật ra từ môi anh. Xung quanh có khoảng hơn chục người. Và cũng tương ứng từng đó ở đầu cầu Hà Nội. Cả hai nơi đều có chung 1 tên gọi là Tổ Ong hay là Toong tóm thành. Tôi nghĩ hôm nay có nhiều khán giả đang là học trò chính thức của đạo diễn. Hoặc là người yêu phim anh cuồng nhiệt. Hoặc yêu mến địa điểm này và đã đến nhiều lần. Tôi là lần đầu và cảm giác xa lạ tăng thêm sau câu hỏi ấy. Tôi tưởng như xung quanh tất cả đều hòa cùng với kết luận “tuyệt vời”. Tôi khác. Tôi chưa thấy hay. Có một nghĩ cảm bất ổn nào đó đang diễn ra trong tâm tư. Thường sau 1 lần xem phim thật khó để khẳng định điều gì. Kinh nghiệm của tôi là thế. Và không phải lúc nào cảm giác được gọi rõ là “tuyệt vời” cũng xuất hiện. Phim hôm nay là phim nói tiếng Pháp. Tựa tiếng Anh là #AManEscaped (#AME). Dường như nó còn có 1 tiêu đề thứ hai nữa, tạm dịch là “Gió theo lối gió” (hiểu sát theo câu chữ thì là “Gió thổi nơi nào thì thổi”. Đó là thông tin nền của tôi. Và cảm giác sau khi xem thì chưa thấy gì là tuyệt vời.

Trước khi xem phim, anh TAH đã gợi ý về cách thức xuất hiện của đôi bàn tay hay là cách quay bàn tay trong phim. Tôi neo giữ gợi ý đó xuyên suốt chiều dài tác phẩm. Đến khi phim kết thúc, anh dành thêm 40 phút để nói về AME. Tôi không thể nhớ trình tự nhưng những nội dung chính yếu nhất có lẽ bao gồm: chỉ đạo diễn xuất, cách thu âm lời thoại, ẩn ngôn nhà tù và 3 giai đoạn trong hành trình vượt ngục, kịch bản, bố cục khung hình, tuyển lựa vai diễn, phong vị của phim, ẩn ngôn tôn giáo trong hình tượng nhân vật, bối cảnh ra đời, vòng cung tâm lý nhân vật và sau cùng là phép màu trong cấu trúc kể chuyện. Khi nghe hết những lời từ 1 người mà theo tôi là đã đạt tới biện tài ngôn ngữ (đạt mà không hề có tâm ý muốn đạt) thì tôi tưởng như phim hay hơn rất nhiều so với đúng phút giây phim khép lại. Trước và sau 40 phút rõ ràng là đã có một quá trình tôi trở nên thuần dưỡng, được thuần dưỡng bởi dòng thanh âm mang tên TAH. Nhưng tôi vẫn chưa thấy phim tuyệt vời. Và tôi vẫn bảo lưu, vẫn cẩn thận với khối tình nguyên chất của tôi ở 40 phút trước đó.

Định hỏi mấy câu trong phần trao đổi nhưng tôi dằn lòng. Muốn lắng nghe nhiều hơn, nhìn ngắm kỹ hơn vào tư duy đặt câu hỏi của các bạn khác. Lấn cấn lớn nhất của tôi sau đêm chiếu này có lẽ là phần thoại. Liệu chăng trong vài phân đoạn có thể cắt bỏ phần thoại được không? Tôi vẫn tưởng như rất nhiều hành động phô bày trên khung hình là đã đủ. Không nhất thiết phải có độc thoại của nhân vật song hành. Một nỗi niềm khác khiến cho tôi cảm thấy không thỏa có lẽ là quá trình vượt ngục của nhân vật quá bình lặng. Dường như thiếu chất kịch tính ở đây, thiếu một cú lật nào đó trong tình tiết.

Theo tôi, mong muốn trên chính là thứ đã bủa vây đưa tôi vào một tâm thế bị sập bẫy. Vì cứ chờ, cứ chờ và cuối cùng không có gì nên thất vọng. Nhưng chung cuộc thì tôi nhận ra đây không phải là phim theo tư duy kể chuyện kiểu Mỹ. Đây là 1 phim Pháp. Và tôi cạn nghĩ mạch phim đi theo tâm hồn của nhân vật nhiều hơn. Và vì vậy không thể dùng trí phán đoán mà tôi cần dùng hồn để đối hồn, dùng tâm để ứng tâm.

Bên cạnh bàn tay đã được gợi ý, ấn tượng thị giác của tôi trong AME còn có sợi dây. Đây cũng là vật dẫn trung tâm trong kế hoạch vượt ngục. Phần lớn thời gian của nhân vật là ngồi bện dây, một tập hợp của bao nhiêu áo quần, khăn trải, kẽm, lò xo v.v… Hình ảnh cuối phim cũng là nguyên ảnh anh hùng đang đu mình trên sợi dây để đào thoát. Xâu chuỗi lại các sự kiện thì tôi thấy ngay từ đầu phim cũng là phân đoạn nhân vật tuồn dây ra ngoài cửa ngục để lấy vào thư từ và vật dụng. Những hoạt ảnh như thế khiến cho hình ảnh sợi dây trở nên kiên cố trong tâm tư của tôi. Ban đầu nó rất nhỏ bé, sơ sài, chỉ được kết bằng chiếc khăn tay về sau thì kỹ thuật đan bện càng ngày càng phức tạp với rất nhiều vật liệu xiên quàng. Có kim loại để làm trục cố định, có vải mềm uyển chuyển xoắn quanh. Sợi dây tựa như ẩn ngôn về tư duy vượt thoát. Càng về sau càng sáng tỏ, bén sắc và vững chắc. Cuộc đời tưởng như không khác. Cũng là 1 sợi dây mà tôi sẽ phải đu mình, cố không để ngã, cố để vượt tường thành này để băng qua một tường thành khác. Mà tường thành lớn nhất là sự hoài nghi, sự hoài nghi từ bên ngoài và sự hoài nghi của chính tôi. Sợi dây cũng như 1 tư tưởng sống. Sau giai đoạn kết sợi lập ngôn là giai đoạn quăng mình thể nghiệm. Dây trong tâm, dây tư tưởng, dây đan kết từ tay sau cùng cũng chính là nẻo thoát, là con đường.

Khi theo dõi bộ phim này, tôi có thêm một phát giác. Những lính canh trong tù đều tuần tra theo một tập quán. Lập đi lập lại. Những tù nhân cũng di chuyển theo một tập quán. Lập đi lập lại. Tư duy giờ tưởng như đã đóng băng. Trí óc đã thành cỗ máy. Ngay cả những con người đại diện cho sự trợ giúp mà cụ thể là 3 nhân vật đã có những tương trợ đầu tiên, họ cũng di chuyển theo một tập quán. Họ đi tới rồi lại đi lui. Hình ảnh tới lui đó lập lại một cách bất thường. Trong quá trình vượt ngục, những quỹ đạo tương tự lại xuất hiện. Phải chăng đây cũng là thâm ý của đạo diễn #RobertBresson? Ông đang muốn đặt vào bộ phim 2 tiến trình tâm ý.

Thứ nhất, đó là tư duy khô cứng, đã thành ra những tổ hộp logic.
Thứ hai, đó là tư duy công phá, nằm ngoài mọi tổ hộp.

Bàn tay của ông phải chăng ở ý nghĩa tinh khiết nhất chính là đã đặt xuống 2 dòng tư duy và xếp chúng cạnh nhau? Hiển bày trong tổ và ngoài tổ. Và một sợi dây nối liền hai thế giới đã được bện kết thế nào.

#Nhiên
18.12.2018