1.
Năm ngoái, đã có 1 bạn nhắc tôi về bộ phim này. Nhưng tôi chưa sẵn lòng ra rạp. Năm trước, có bạn đã tham gia 1 sự kiện vẽ tranh. Nghe bạn kể, tôi không lưu tâm lắm. Năm nào đó, tôi đã thấy 1 quán café trứng tại Hà Nội. Tôi không hề để ý đến địa chỉ. Mọi điều trong đời dường như phải chờ đến 1 điều kiện trùng phùng nào đó. Với tôi là đêm nay, 19.12, xem 1 bộ phim về Vincent Van Gogh (VVG) tại 1 nơi chỉ có tranh và hoạt động vẽ tranh với 1 ly café trứng trong tay cầm. 3 trải nghiệm lần đầu tiên nhập thành 1.
2.
Trước giờ đến, tôi vội đọc vài thông tin ngắn về Tipsy Art và nhớ tên 2 đồng sáng lập. Ngân và Trang. Khi bước vào, gặp ngay 1 cô gái, nghe đâu đó có tiếng gọi “Trang”. Vậy là tôi đã diện kiến cả cảnh và hồn của cảnh đồng thời. Bạn chọn vàng làm sắc áo. Phòng chiếu có đặt sẵn ghế và gối lười. Màu chủ đạo rõ ràng là vàng xanh. Vàng từ áo, đến ghế và rồi nhân vật chính trong phim cũng ướm diện 1 chiếc áo vàng. Từ đầu đến cuối, trong đời và cả trong phim, nhất quán một sắc vàng dẫn tôi vào vùng trời của mỹ thuật, thế giới riêng và cũng chỉ riêng mình Vincent.
3.
Như bao người, khi đối thoại riêng tư, tôi đều xưng năm sinh để tiện trao đổi. “Em nhỏ hơn anh nhiều lắm!”, Trang trả lời bằng chất giọng miền Bắc. Chẳng rõ là Hà Nội hay địa phương nào? Tôi thầm đáp trong tâm, “Ừ thì nhỏ nhưng làm hơn anh bao nhiêu chuyện! Anh chỉ chờ được học bao nhiêu điều từ em”. Tôi dự cảm giữa 2 bên sẽ có rất nhiều hòa điệu. Nhưng thì giờ và không gian là không hợp để trò chuyện dài hơi và cũng vì là lần đầu gặp gỡ nên tôi nghĩ chừng ấy thiện cảm âm thầm khởi sinh là đã đủ. Được biết đây cũng là lần đầu nơi này tổ chức 1 buổi chiếu phim. Khoảng 3 tháng gần nhất, tôi đã dự không đếm xuể bao nhiêu buổi chiếu tương tự. Hình thức dùng các buổi chiếu để gầy dựng tính cộng đồng hay một ước nghĩ phi thương mại nào đó có lẽ đang là một xu hướng. Tôi có bao nhiều điều muốn trao đổi về cách thức trù bị cho những buổi thế này. Nhiệt tâm tỏ bày cần lắm một nhiệt tâm lắng nghe. Và có lẽ là cần một hoàn cảnh phù hợp.
4.
“#LovingVincent” (#LV) theo sự ghi nhận của tôi là được trích nguyên văn từ hàng chữ mỗi khi khép lại lá thư mà họa sĩ viết gửi cho em trai của mình. Tôi cũng là người ưa viết thư. Mỗi khi khởi đầu hay kết thúc, có khi tôi sẽ biên giản dị. “Chị của em” là hàng đầu. Hàng cuối cùng là “em của chị”. Mở thư là gọi tên người nhận. Đóng thư là xưng tên người gửi. Nếu thân mật hơn sẽ thêm tính từ sau chủ ngữ. Nhưng cũng chỉ thường là theo kèm khi nhắc đến người nhận. Câu khép lại của họa sĩ có lẽ là hơi khác. Với bao nhiêu người Việt thì tôi không biết. Nhưng chắc chắc là khác với tôi. “Vincent yêu dấu của em”. Ngẫm sâu vào tư duy viết thư và cách hành văn là 1 trong nhiều phương cách để hiểu hơn 1 người, 1 tâm hồn. Đây có lẽ cũng là chủ ý của nhà làm phim. Hay chính ra ban đầu họ đã dùng cách đó và về sau cũng muốn mời gọi những người xem phim đi theo lối này. Tìm hiểu một người nghệ sĩ từ cách ông viết thư, tình cảm của ông với người nhận thư, nội dung lá thư và hoàn cảnh ra đời của từng lá.
5.
Kịch bản phim xếp đặt 1 nhân vật áo vàng (tôi tạm gọi là Vàng) phải thực thi 1 nhiệm vụ. Đó là chuyển tiếp lá thư của Vincent cho người em trai của ông có tên là Theo. Vì đây là mong muốn của bố (người từng chuyển rất nhiều thư của Vincent) nên Vàng dù ban đầu chống đối nhưng cuối cùng cũng phải thuận theo. “Thư 1 người chết gửi cho 1 người chết”, đó là 1 câu thoại trong phim. Nhận xét về hành trình của Vàng là một đúc kết vô cùng tinh gọn cho nội dung và cũng là hành trình của người hùng trong tác phẩm. Diễn tiến tâm lý chính yếu của nguyên ảnh anh hùng trong LV là sự thờ ơ với cuộc đời của VVG ở đầu phim chuyển dần sang sự quan tâm, đồng cảm và thật sự thể nhập vào trái tim, vào thế giới quan của VVG ở cuối phim. Bắt đầu từ việc chuyển thư miễn cưỡng để rồi đi tới thắc mắc về cái chết bí ẩn và những bước chân khởi chạy quyết tìm ra sự thật.
6.
Dựa trên bối cảnh tôi cạn nghĩ có thể kết luận LV là phim lịch sử, chính xác hơn là phim tiểu sử. VVG đã có những người dành cho ông những mến thương chân thật, yêu dấu nồng nhiệt ấy không thể dấu che mà đã tràn lấp đến hơn 100 người hậu thế. Đều là những bàn tay hoa hướng dương, họ tập hợp lại và cùng nhau vẽ nên hàng vạn bức tranh sơn dầu để làm nên 1 bộ phim hoạt hình độc nhất vô nhị. Ngoài việc choáng ngợp trước hiệu ứng thị giác, tôi chuyển hết từ cơn hồi hộp này sang hồi hộp khác khi đồng hành với Vàng trong việc phục dựng lại ký ức tuổi thơ, tuổi tráng niên, 6 tuần cuối và nhất là ngày cuối cùng của VVG. Nội dung là tiểu sử. Phương cách là hoạt hình. Và phong vị của LV là bí ẩn. Theo chân Vàng, tôi lần lượt nhận lãnh bao nhiêu ánh nhìn, bao nhiêu nghĩ cảm của những đại diện cho các giai tầng xã hội xung quanh VVG. Có những tưởng nhớ quý kính. Có những niềm riêng xung khắc. Có cả bàng quan ơ hờ. Có cả phóng đại dệt thêu. Cứ như lạc vào mê trận. Hết xoay vần này đến xoay vần khác. Để rồi chung cuộc, tôi nhận ra 1 điều, có lẽ chẳng ai HIỂU VVG. Chẳng ai BIẾT ông. Kể cả Vàng, người nắm giữ nhiều thông tin nhất, người khát HIỂU, người khác BIẾT nhất, người có nhiều thông tin về ông nhất. Và có lẽ sẽ không có ai hiểu được ông.
Khác ở chỗ là sẽ có người không chấp nhận với những hiểu biết hiện có mà khởi hành, mà lên tàu, mà ra khơi. Thâu nhặt hôm nay. Thâu nhặt ngày mai. Từng ngày, từng ngày, liên tục thâu, liên tục nhặt. Để khác với hôm qua, để có tri thức về VVG nhiều hơn hôm qua. Để bớt đi những mê mờ. Đi dứt trừ một vọng tưởng này để đi tới một vọng tưởng khác. Và tiếp tục dứt trừ, để lìa xa bóng tối nhiều hơn, để đến gần ánh sáng thêm chút nữa, ánh sáng của HIỂU Vincent, của BIẾT Vincent.
7.
Một bộ phim tiểu sử được dựng bằng tay vẽ và kể bằng thể dạng bí ẩn có lẽ sẽ không thể làm vừa lòng những trái tim yêu mến điện ảnh đơn thuần. Đến vì phim, mong chờ một chất phim đích thực. Tâm thế đó có lẽ sẽ hơi thất vọng với những gì thấy trông. Tôi không có sự thất vọng nào. Lý do tôi đến là vì phim, nhưng không có trông mong nào. Đến bằng thái độ học hỏi và cũng vì đã hàm tàng sẵn chứa 1 cảm tình đối với hội họa nên tôi không thấy có một cảm xúc không tích cực nào nảy nở. Những bức tranh sơn dầu, những hoạt ảnh tiếp nối nhau trên màn hình thật sự quyến rũ. Đôi mắt được chảy trôi trong một vùng trời sắc giới kỳ ảo. Trí óc chạy dài theo vòng cung đường trường và phải vượt qua hết hàng rào nghi vấn này đến nghi vấn khác. Con tim tang tình xao xuyến theo những dòng thư dào dạt. Và lá thư cuối, những dòng thư được tuyên đọc để khép lại tác phẩm nâng cánh tâm tư đến màu xanh của bầu trời, đến ánh sáng lấp lánh của những vì sao. Không thể hiểu! Không ai có thể cùng đồng hành! Nhưng tôi nghĩ VVG không cô độc. Kẻ đã nhìn thấy con đường thì đâu thể nào cô độc. Ông đã nhìn thấy 1 nẻo về ánh sáng. Và trước, ông dùng mắt, tay, dùng 6 giác quan. Sau, ông dùng chính thân mạng mình. Để thử, để chạm vào cõi bất diệt.
8.
Bộ phim dùng bài nhạc mang tiêu đề “Vincent” hay có 1 tiêu đề khác là “Starry, starry night” của Don McLean để khép màn. Bài hát được phổ biến vào thập niên nghìn chín bảy mươi giờ được hát bởi 1 giọng nữ trong một bản hòa âm đương thời. Giãn cách 50 năm giữa tác phẩm gốc và tác phẩm phái sinh là những lần nghe của tôi vào năm hai nghìn. Có lẽ là sớm hơn 1 chút. Tôi vẫn nhớ cảm giác của thuở ban đầu đó. Nghe qua radio, sau đó là nghe trong đĩa tuyển tập mp3. Luôn luôn có bài này trong danh sách yêu thích dù chưa hề đọc một quyển sách nào Vincent và cũng chưa hề nhìn thấy kiệt tác Starry Night. Không khí yên ả, cuộc đối thoại bằng âm thanh dậy hương tình bạn, tình tri kỷ là nguyên cớ khiến cho nhĩ thức bị thôi miên. Khối tình đó, thời tiết của ngày xưa đó nhờ có LV mà hôm nay được phục sinh. Nhưng tôi không dám phát ngôn hay diễn ca như bài hát. Tôi chưa hiểu gì cả. Hiện tại, tôi chưa hiểu gì VVG. Tôi chưa thể thấu tận sự thật chôn dấu trong những bức tranh. Chưa hiểu nỗi niềm riêng mang. Chưa hiểu cách ông đã nâng cánh những nỗi niềm đó, bay về ánh sáng sao, bay về trời.
Chưa hiểu gì! Nhưng hôm nay, ngày mai, chỉ cố tiến thêm, nhích thêm, chỉ một chút để dần xa với ngu si và gần hơn chút nữa với nguồn dấu yêu tràn trề.
#Nhiên