19.11.18

Đợi đến mùa hoa phượng | TLHV

thung lũng hoang vắng, đợi đến mùa hoa phượng, đạm nhiên, góc o, góc nghệ
Tôi mua tập truyện ngắn này vào tháng 10.2017. Tôi tìm ra truyện ngắn “Đợi Đến Mùa Hoa Phượng” và xác định đây là tác phẩm gốc, là nguồn cơn cho phim điện ảnh chuyển thể “Thung Lũng Hoang Vắng”. Tôi chưa đọc vội và chỉ mua để dành.

Lúc bấy giờ tôi đã có ý tìm hiểu một số phim tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam trong khoảng 20 năm gần nhất. Vẫn còn có thể mua được DVD nên tôi sưu tập đủ bộ. Ấn tượng với tôi nhất có Đời Cát, Trăng Nơi Đáy Giếng. Xa hơn chút nữa thì là Xích Lô. Thung Lũng Hoang Vắng chưa án chiếm trong tâm tư. Ấn tượng thị giác từ phim là có. Nhưng tình cảm giữ neo con tim thì chưa.

1 năm sau, tôi có dịp xem phim này tại Hà Nội. Buổi lắng nghe trực tiếp đạo diễn Phạm Nhuệ Giang và sự hiện diện của 50 khán giả thật sự là trải nghiệm thực tế rất đáng giá với tôi. Thông qua xác nhận từ đạo diễn tôi biết thêm phim còn lấy chất liệu ở một số truyện ngắn khác nữa cũng của nhà văn Nguyễn Quang Lập. 

Nguồn cảm hứng từ đêm thứ 7 tại phòng chiếu trên đường Trần Hưng Đạo, công thêm sự kiện phim lại được chiếu tiếp tại Sài Gòn vào ngày 19 khiến tôi đã ngồi đọc kỹ hơn truyện ngắn “Đợi Đến Mùa Hoa Phượng” trước lần xem thứ hai. Thật sự đây mới là lần đầu tiên tôi chú tâm tác phẩm gốc. Tôi nhận thấy vài điều sau đây:

Thứ nhất, bối cảnh thung lũng trong truyện đã được tái sử dụng và trở thành bối cảnh chính cũng như tiêu đề của bộ phim.

Thứ hai, xung đột giữa học trò (Mị) – cô giáo Diệp đã được giữ lại để tạo ra sự vận động cho câu chuyện. Giao lộ tình ái bao gồm mối tình si giữa thầy hiệu trưởng với cô giáo Diệp, chuyện tình của cô với chú bộ đội, tình cảm của Mỵ với anh bộ đội đã được phát triển thêm 1 bậc với sự xuất hiện của nhân vật thứ 4. 

Thứ ba, mốc thời gian của phim và truyện đã có sự sai khác. Bóng dáng của chiến tranh đã nhòa xóa trong khung hình điện ảnh. 

Thứ tư, truyện ngắn không đọng lại trong tôi điều gì cả. Có chăng chỉ là sự giản dị và đơn sơ của nó. Tư tưởng của truyện cũng chưa thật sự rõ ràng. Có chăng chỉ là một ánh chớp nhá lên trong lòng người đọc về đời sống tinh thần và tình cảm của một người giáo viên nơi miền ngược. 

Dẫu vậy, không thể phủ nhận tính chất cội nguồn của câu chuyện này. Điện ảnh vẫn là bậc thứ cấp, sanh sau. Tác phẩm nguồn vẫn là tác phẩm nguồn. Tác phẩm cải biên vẫn là tác phẩm cải biên. Liên hệ giữa văn học và điện ảnh luôn cần có nhau, là nhân, là quả, là sự khởi tạo ban đầu, là sự tái sanh về sau.

Đến với phim những khoảng trống vừa nêu đã được lấp đầy. Và hẳn nhiên cách kể, kỹ thuật kể là khác nhau hoàn toàn.  Để hiểu về cấu trúc tự sự của văn học lẫn điện ảnh có lẽ tôi còn phải mất thêm một thời gian trao dồi nữa. Trước mặt khi so sánh giữa giữa phiên bản chuyển thể, có một sự sáng tạo rất đáng giá cần phải kể tới. Đó chính là xung đột trong nếp nghĩ về giáo dục mà cụ thể là việc học chữ quốc ngữ của các dân tộc thiểu số đối với lực lượng giáo viên đến từ miền xuôi. Theo tôi, đây chính là động thái đã tạo nên chiều sâu cho tác phẩm và thực tế đó cũng là chính nét hấp dẫn kỳ thú của phim đối với khán giả và giới chuyên môn ở phương Tây.

Bộ phim Thung Lũng Hoang Vắng tập trung vào chất tình, tình với nghề giáo, tình với học trò trong hình tượng giáo viên người Kinh. Hiện thực của nghề giáo thông qua đó cũng được hong khô trước mắt nhìn khán giả. Hiện thực này mới chỉ dừng lại ở khía cạnh tinh thần (đối diện với nỗi cô đơn, đối diện với nhu cầu tình cảm yêu đương, đối diện với thái độ chống đối việc học của người dân vùng thượng). Còn một hiện thực khác đang vây bủa và vẫn còn là cơn đau nhức nhối chưa biết bao giờ là lần cuối cho đến tận thời điểm này (tháng 11.2018, tức gần 20 năm nếu so với thời điểm phát hành phim) là khía cạnh vật chất (tiền lương thấp, sự mất quyền tự chủ trong không gian lớp học, kiêm nghiệm nhiều công việc ngoài chuyên môn) cũng như những căn bệnh trầm kha (chạy theo thành tích thi đua ảo vọng mà bỏ quên giá trị cốt lõi của giáo dục) thì chưa thấy có một kiến giải bằng ngôn ngữ điện ảnh nào. Tuy vậy tôi rất hiểu 1 bộ phim không thể ôm giữ quá nhiều mạch dẫn. Thời lượng là giới hạn và khả năng đón nhận cũng giới hạn. Với những gì đã thưởng thức tôi nghĩ rằng phim đã thành công trong cách kể và dẫn truyền chất tình muốn nói với người hâm mộ điện ảnh.

Kho dữ liệu dồi dào và phong phú của nghề giáo rất cần tiếp tục được khai thác. Hy vọng trong thời gian tới đây sẽ có thêm nhiều những hóa hiện điện ảnh khác, chạm tới sâu hơn những khủng-hoảng-đang-là của lĩnh vực này, một lĩnh vực mà ảnh hưởng của nó đến thân tâm xã hội là quyết định và toàn cục.

#Nhiên

***

- 4 đúc kết sau khi đọc tác phẩm gốc (truyện ngắn) 
- Xung đột chính của phim 
- Khía cạnh tình (tình nghề, tình thầy trò)
- Mâu thuẫn nội tại của nhân vật 
- Đoạn thoại mấu chốt (chủ đề tác phẩm)

- Không khí buổi chiếu 19.11
- Yếu tố khiến phim đoạt giải quốc tế
- Ấn tượng thị giác từ các cú máy
- Nhân vật trung tâm
- 2 vế tương phản trong tâm lý nhân vật
- Trình độ nằm trong cách đặt câu hỏi
- Khán giả dòng phim này
- Cái kết và vĩ thanh

 - Tương phản sáng tối trong phần kết phim 

Yêu tiếng nước tôi (buổi chiếu 12.2018)
- Về việc thu âm đồng bộ
- Ngôn ngữ vùng miền trong phim

(6 năm nhìn lại - trước buổi chiếu 22.3.2024)