17.11.18

13 GIỜ 30 | ĐCDNC#59

Đảo của dân ngụ cư, The way station, Haniff 2018, đạm nhiên, góc o, góc nghệ
Tâm điểm hôm nay với tôi là #Đảo, #ĐảoCủaDânNgụCư. 


Thật tiếc nhưng đành phải gạch tên #ThePianist vì trùng giờ. Không có ưu tiên nào đứng trên Đảo, mối tình đầu tiên và vẫn còn tươi son đến bây giờ. 

Có ít nhất 3 đồng minh sẽ cùng tôi dõi theo hành trình ra biển của cô Chu nên đây là nhật ký riêng cho đồng minh. 

Câu chủ đề của Đảo là “tình yêu đôi khi là sự tàn phá”. Khi tôi đọc truyện ngắn (tác phẩm nguồn), hàng viết lưu vết sắc nét trong tâm trí là “sự thăng hoa nội tại mới thực là bước đi trong cuộc đời”. 

Khi so sánh giữa tagline và poster thì tôi thấy poster bản tiếng Anh của Đảo (#TheWayStation) có tính tương sinh với câu vừa nêu hơn là tagline chính thức. Hình ảnh bàn chân tương sinh với “bước đi”, hình ảnh biển khơi có liên hệ nhân quả với “thăng hoa nội tại”. 

“Chúa Đảo” đã chọn 1 câu khác để cô đọng tác phẩm này. Chọn “tình yêu”, chọn “tàn phá”, những hiện thực này rơi vào tuyến phản diện (Chệt Liếm - cha) nhiều hơn là tuyến chính diện (Chu - con). Hẳn nhiên, yêu và tự hoại cũng có thể nhìn thấy ở Chu nhưng không mạnh và sắc như ở Chệt Liếm. 

Dầu sao, sự lựa chọn tagline cũng không phải là yếu tố quyết định phẩm chất của bộ phim. Điều đó chỉ cho thấy trái tim của “chúa Đảo” chứ không phải là nhịp đập của Đảo. 

Đảo đầy sức sống. Nguyên do là vị xung lực áp đảo của bóng âm (shadow) lên phía người anh hùng (hero). Phim hay là vì vài phản diện đủ mạnh để tạo ra đủ bức bách, dồn ép và chính diện phải bộc lộ mình. Thứ nữa là phim quá đẹp, cái đẹp giàu có ngôn ngữ điện ảnh và ẩn tàng tính đa diện, đa nghĩa. 

Tôi dừng tại đây vì phải thu xếp để đến rạp. 

#Nhiên