Có nhiều khác biệt giữa 2 rạp, giữa lần #5, lần #6 với #Đảo, giữa ngày #1, ngày #2 #HANIFF2018. Tôi xin kể lần lượt:
1.
BTC sau khi thu thẻ vào rạp (giấy mời) thì đổi cho khán giả 1 thẻ có kích thước tương tự. Theo đó có 2 ô thích và không thích. Ai chọn ô nào thì xé ô đó và bỏ vào thùng. Đây là cách trưng cầu ý dân và cũng là cơ sở dữ liệu cho 1 giải thưởng có tính chất Dân Chọn (phim được khán giả yêu thích) tại #HANIFF lần V.
Tôi không làm theo mà lẳng lặng mang hết 2 thẻ về. Chuyện của tôi và #ĐảoCủaDânNgụCư không còn là thích hay không thích. Tình ấy là gì thì thật là vô ngôn. Niềm riêng không ngôn từ nào diễn bày trọn vẹn. Nếu tình nguyện viên nào (chẳng hạn như Minh Hải) muốn khai thác thông tin thì tôi nghĩ mình là một tài nguyên lộ thiêng. Nếu ý kiến của 1 khán giả và chỉ 1 được cho là cũng nên tham khảo thì mọi thứ đã được lưu trữ và ở chế độ công khai. Ai cần thì đều có thể đọc lại.
2.
Cơ sở vật chất của rạp #2 theo tôi là tốt hơn. Khác với hôm qua (hàng cuối), chiều nay tôi chọn hàng giữa. Màn chiếu to. Âm thanh tốt. Không như người lạ Ha Van NG đến muộn (ngày #1), chiều nay tôi không ở trong trạng thái thấp thỏm, đợi chờ. Tôi bỏ luôn suất chiếu trưa để ngủ 1 giấc cho lại sức. Đường đến rạp thong dong. Tôi an vị trong thế giới #bus35A trước khi bước những bước thầm thì vào phòng chiếu số 1. Tất cả các tăng thượng duyên đều là thuận để thêm lần nữa tôi sống hoàn toàn trong thời tiết của #TheWayStation.
Rạp #2 theo ghi nhận của tôi thì khán giả cũng có độ tuổi nhỏ hơn. Ban đầu chỉ thấy 5 hàng kín chỗ. Đến khi phim kết, tôi mới để ý đến lượng người đang dồn chứa trên cửa ra. Rất đông và theo tôi phải chiếm 3/4 tổng số ghế.
3.
Cảnh mở màn của Đảo với tôi thật tuyệt vời. Nói tuyệt vời và dùng từ "tuyệt vời" e rằng cũng đã mòn sáo. Chỉ cần 2 chuyển cảnh là đã đủ để thâu tóm toàn bộ nội dung. Đây là cảnh nếu tính theo dòng thời gian thì là phần giữa được đặt sắp lên đầu. Ở Đảo sẽ có thêm 2 cảnh nữa được đôn lên như vậy. Tất cả đều có tính dự báo về chung cuộc câu chuyện. Tôi không có 1 đòi hỏi nào về tính viên mãn, 1 kết thúc có hậu. Tôi không áp đặt cái muốn chủ quan của mình lên đạo diễn. Thay vì vậy tôi dò xét, tôi ngẫm suy thật kỹ, thật lâu vì sao lại có 1 sự xếp lọc như vậy. Hơn 1 năm đã qua và tôi biết mình vẫn chưa dừng lại.
Cái kết của tác phẩm với tôi không nằm ở việc ra biển hay là không ra tới biển. Mà là chính tác động của hành trình ra biển. Nỗ lực, những quyết định của Chu có giúp cô đến được với thế giới mới mà cô mong muốn hay không? Đây mới chỉ là 1 câu hỏi dẫn, đây chưa phải câu hỏi then chốt. Thử hỏi tiếp. Nỗ lực của Chu, quyết định của cô đã tác động thế nào đến thế giới cũ hay rõ hơn là khối liên minh ở thế giới cũ. Chệt Liếm - Xiếm Hoa - Miên - Phước, những con người tạo nên thế giới Đêm Trắng có còn trong 1 liên kết? Phe yếu có như Ahmed chỉ biết cam chịu, nhẫn nhục và nghe lời?
Đi theo câu hỏi này tôi thấy mình hoàn toàn mãn nguyện khi phim khép lại.
4.
Tác phẩm nguồn viết bởi 1 người tên Phước (Phước Tiến). Trái tim truyện ngắn cũng tên Phước. Đến phiên bản điện ảnh, hạt nhân chuyển giao cho Chu nhưng tuyến vai chính vẫn không thể thiếu Phước. Xét ở hệ thống nhân vật, Phước là vai nam chính, tạo nên tuyến chính diện để đối kháng với tuyến phản diện. Phước là 1 phần góp vào vế "tình yêu" trong tagline của tác phẩm cải biên. Về mặt cấu trúc, Phước giữ vai trò mở và khép truyện, tạo nên 1 vòng lập trong cách kể, là người dẫn truyện và cũng là 1 trong 2 điểm nhìn của bộ phim. Đảo có lúc là ánh nhìn của Chu, có lúc là ánh nhìn của Phước.
Phước được thể hiện bởi Phước (Hồng Phước). Chất hồn nhiên của nhân vật được chuyển tải tròn trịa. Nét cười tỏa nắng. Khuôn mặt đầy tính tự sự. Đài từ hợp chuẩn. Biểu cảm cơ mặt, nhất là đôi mắt chớm lệ. Không có gì thắc mắc vì sao Phước được trao #1 Đông Nam Á. Sự hóa thân đúng chất điện ảnh của Phước chắc chắn đã làm nên hiệu ứng kích hoạt cho tính chân thực trong diễn xuất của toàn bộ tuyến nhân vật của Đảo. Cái hay không rơi vào cá nhân mà là cái hay của cả 1 tập thể.
Xem những phim hay nhất của Iran và Ba Lan, tôi cũng có 1 cảm giác tương tự khi thâu nhận nét diễn của các diễn viên. Thu vén vào trong nhiều hơn, giảm thiểu thoại, cơ mặt linh động, động tác nhất quán với tính cách và nhất là ánh mắt, 1 ánh mắt thay cho muôn lời.
Lần #6 là lần tôi nhớ Phước nhiều nhất. Một phần là màn hình rất tốt khiến cho mọi biến đổi trên môi mắt đều sáng trong vô ngần. Long lanh và chớm lệ, chàng trai trước khi đến cái thế giới biệt lập ấy và sau khi rời khỏi #TrạmDừng là 2 tâm thức khác nhau hoàn toàn. Về cao độ (trệt lên gác), về thân phận (người ở lên người yêu), về tình cảm (khờ dại lên biết đau biết buồn, biết không bao giờ có thể hạnh phúc trở lại). Sau Đảo, tôi hy vọng vào những lần đăng cao tiếp theo nữa của Phước.
5.
Đâu là hình ảnh ấn tượng của Đảo? Đó là cảnh mở màn. Đó là cảnh Miên rượt dê. Đó là đôi mắt của Miên cũng trong cảnh rượt dê. Đó là cảnh Phước và Miên "luận kiếm". Đó là cảnh Chệt Liếm chèo ghe đưa Chu ra biển. Đó là cảnh Chệt Liếm cõng Chu đi trên cát. Tôi thấy từng ấy cảnh là quá nhiều vì thường phim chỉ để lại 1, 2 hay tối đa là 3. Ở trên đều là các cảnh vô ngôn. Không thoại, âm nhạc, tiếng ngoài hình phát huy hết hiệu lực, hữu thanh có mà đôi khi vô thanh lại còn đem tới cảm xúc mãnh liệt hơn.
Từng ấy ghi nhận khiến tôi tin rằng sự giàu có của Đảo là sự thật. Giàu ở đây là giàu chất điện ảnh, giàu ngôn ngữ điện ảnh. Những phim thế này tôi không biết giá trị đến đâu, trị giá bao nhiêu. Nhưng chắc chắn phim giúp tôi giữ gìn những tin yêu vào nghệ thuật thứ 7.
6.
Lần #1 xem phim, tôi đã ráng cố đi tìm ẩn ngôn. Tôi đi tìm giá trị xã hội. Tôi nỗ lực đào sâu vào tính đa diện, đa nghĩa trong hệ thống nhân vật và nội dung chủ đạo.
Đến lần thứ #6, nhìn lại thuở ban đầu, tôi biết mình sai, hay cũng có thể nói là tôi đã đi vòng ngoài. Chẳng hạn như hình tượng con dê chắc chắc phải phân tích sau hình tượng đôi chân. Thay con dê bằng 1 con khác chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến phim. Nhưng nếu thay 1 chấn thương khác ngoài đôi chân thì tác phẩm phá sản hoàn toàn. Dê là ẩn dụ xa gần. Chân là 1 phần trong toàn phần. Đôi chân là đại diện cho Chu. Chân vì vậy không phải ẩn dụ mà là hoán dụ. Phân tích vào ý nghĩa hoán dụ của đôi chân, sau đó là hành trình mơ ước ra biển của Chu với tôi là trọng yếu.
Tất cả những truy lùng khác như nữ quyền, tự do tình dục, xung đột sắc tộc, bạo hành gia đình, âm thịnh dương suy trong kịch bản phim Việt đều là vòng tròn xa khỏi hồng tâm. Xuyên thấu vào trái tim của Chu đủ lâu, đủ dài thì thiết tưởng vẻ đẹp nguyên khôi của tác phẩm sẽ hiển bày.
Liệu sẽ còn lần thăm Đảo #7 không? Tôi luôn sẵn sàng và chờ đợi đồng minh. Bao giờ nữa và sẽ là ai chung đường?
#Nhiên