19.11.18

Viết cho người ở lại | TLHV#2

Thung Lũng Hoang Vắng, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Nghệ
Tôi vừa xem xong #ThungLũngHoangVắng. Đoạn đường tản bộ từ phòng chiếu về nhà trở nên mờ phai. Người, cảnh lướt qua khác gì mộng tưởng. Tôi vẫn đang ở trong thời tiết đó. Chưa dứt ra được! Có bao nhiêu là cảm xúc từ lần xem này!


1.
Đêm qua, trời mưa ở Tân An Thôn. Khi sáng, trời nhiều mây. Lúc cách Hà Nội 40km, trời lại lất phất. Khác gì mưa bụi, mưa phùn. Rồi sau đó cả 1 vùng trời phía trước là sương giăng mờ ảo. Lòng tôi thoáng lên suy nghĩ, "trời làm mù khơi hay là do khói bụi ô nhiễm mà tác thành?". 1 câu hỏi bật ra tự nhiên vậy thôi. Chứ tâm trí không có nhu cầu trả lời. Vì dù cho là gì đi nữa thì tôi cùng đã có xác quyết từ trước.

Thành phố này, đất nước này có ra sao, thực phẩm có bẩn độc thế nào thì tôi vẫn ở đây. Tôi không đi đâu hết. Tôi thuộc về những người như thầy Tành, cô Minh, cô Giao. Thung lũng có hoang vắng cỡ nào thì tôi sẽ không bỏ đi đâu hết.

2.
Tôi đến điểm chiếu lúc 18:50. Người xem đã gần kín không gian chỉ có sức chứa 50 người. Các thêm những bạn ở phòng ngoài nữa, tôi ước chừng tổng phải ở tầm 60. Đêm nay lại có thêm sự hiện diện của đạo diễn #PhạmNhuệGiang. Điều thú vị là ở #HANIFF2018, ít nhất 3 lần tôi đã lướt qua vị đạo diễn lẫn phó đạo diễn #NguyễnThanhVân của phim này. Cứ vào rạp là thấy. Cứ vào thang máy là chạm mặt. Và đêm nay tôi cảm thấy gần hơn bao giờ vì được xem phim trên 1 khung hình rộng và được đặt câu hỏi trực tiếp.

3.
Tôi có 3 câu hỏi. Theo đó câu quan trọng nhất là câu #2. Tôi hỏi về phản ứng của khán giả quốc tế với #TLHV và nguyên do giới chuyên môn lại trao giải cao cho phim. Một lần nữa, câu trả lời lại càng củng cố thêm cho tôi về chân giá trị của 1 bộ phim. Đó là ngoài yếu tố chuyên môn phải đáp ứng thì tính xã hội, va chạm vào những vấn đề đương thời (mà cụ thể ở đây là chính sách giáo dục, sự giao thoa văn hóa giữa các sắc dân) sẽ là một điểm cộng cho phim trên đấu trường quốc tế. TLHV vừa có tự sự cá nhân đặc sắc mà lại khéo léo mở ra tự sự vùng miền, tự sự quốc gia.

4.
Một điều tưởng như quá bình thường nhưng cạn nghĩ cần phải nhắc lại. Phim được trình chiếu trên 1 khung hình to rộng. Diễn tiến này đã tăng cường ấn tượng thị giác và đưa tôi về sự nguyên chất trong cảm thụ điện ảnh. Giám đốc hình ảnh phim này là Lý Thái Dũng và tôi thấy dù phim đã cách nay gần 20 năm nhưng phần hình ảnh vẫn có sự vượt hơn rất nhiều phim đương thời.

Dù đặt bối cảnh ở 1 nơi núi non trùng điệp, thiên nhiên xanh trong. Nhưng tôi không thấy 1 sự khoa trương hay lạm dụng thị giác nào trong các góc máy. Cảm xúc ở lại trong tôi về các cảnh toàn, trung, cận đều rất vừa mắt. Và con tim thì xao xuyến bởi nét diễn đặc tả của toàn bộ tuyến diễn viên chính phụ.

5.
Nhân vật trung tâm của phim theo tôi là cô Giao. Đây là hồn cốt của TLHV. Tình cảm chính yếu, tâm lý chủ đạo của tác phẩm rơi vào nhân vật này. Nhưng cô Minh, thầy Tành cũng có 1 thời lượng đáng kể và gây nhung nhớ. Đó là chưa kể đến Mỵ và bố của Mỵ. Theo tôi, tuyến nhân vật này dẫu chỉ là phụ nhưng sẽ tạo ra xung đột không những là ở tiểu tự sự mà còn là đại tự sự. Và chính từ đây mà phim đã thu hút lại càng tăng thêm thu hút. Chính họ tạo ra thế đối kháng giữa dân tộc Kinh và Mông. Và diễn tiến cũng như kết quả từ mối xung đột này chắc chắn đã tô đượm thêm vẻ lấp lánh cho tác phẩm.

6.
Câu nói của ông bố về sự khôn sự dại, về sự ở sự về theo tôi chính là cánh cửa ẩn ngôn của bộ phim. Kẻ khôn rời thung lũng. Người dại trụ nơi này. Và kết phim tôi thấy rất nhiều người dại, đúng hơn là những người đã từng muốn khôn nhưng rồi vẫn chọn sự dại. Tôi yêu những con người này, những người ở lại. Tình yêu của tôi cạn nghĩ cũng không có gì là ảo mộng. Không phải là tiện nghi vật chất hay tiện nghi tình cảm, hạnh phúc của những con người nơi TLHV là được lao động, được làm nghề. Vấn đề không phải đi hay ở mà là được theo đuổi đam mê.

7.
Buổi hôm nay có rất nhiều các câu hỏi. Như chính đạo diễn có nhắc lại. Khi phim sang Đức, các câu hỏi của khán giả Tây Đức cho thấy sức cảm thụ và hiểu phim vượt hơn phần Đông Đức. Đây là 1 sự thật đúng trong mọi hoàn cảnh. Câu hỏi hé lộ nội tâm người hỏi. Thế nên 1 buổi Q&A chắc chắn là 1 ánh chiếu tỏ tường về trình độ của khán giả đang có mặt. Trải nghiệm hôm nay vì vậy rất quý báu với tôi vì tôi đã có thêm 1 lớp thông tin chân thực về khán giả thủ đô với dòng phim hay thể tài mà TLHV theo đuổi.

8.
Đạo diễn trong những lời sau chót có tri ân và nhấn mạnh vai trò của khán giả đã hiện diện. Còn tôi, 1 khán giả muốn nói lại rằng. Tôi luôn chờ những câu chuyện, những ánh nhìn như thế này. Tôi không biết có bao nhiêu người như tôi và tôi cũng không biết phải làm gì để tạo ra 1 lớp khán giả đông đảo ưa thích lối kể và thể loại phim như thế này. Tôi chỉ biết tình cảm của mình vẫn thuộc về những thước phim Việt Nam. Và tôi luôn trong thế sẵn sàng mua vé để có thể nhìn thấy những thân phận này, những thân phận thuộc về số đông quần chúng.

9.
Tưởng như khi cô Giao được dân bản cõng về trường đã là 1 cái kết viên mãn thì phim lại tạo nên thêm 1 vĩ thanh đậm tràn xúc cảm hơn nữa. Chiếc đèn manchon từ tay thầy Tành đã chuyền sang tay cô Giao, cô Minh. Từ 1 đã thành 2. Đâu còn hoang vắng! 2 ánh vàng trong đêm tiến về phía thung lũng. Nhỏ nhưng đẹp. Ít nhưng đầy.

Đất nước tôi sở dĩ xứng đáng để không rời xa, xứng đáng để dấn thân xây dựng là chính bởi những bóng hình như thế.

Yêu lắm Việt Nam, yêu những người ở lại, yêu những người đã chọn sự dại khờ!

#Nhiên