20.7.19

VỌNG LANG | CLTNNC#16

Nhiên, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Nghệ, Vũ Đạm Nhiên, Cải Lương Trăm Năm Nguồn Cội, Vọng Lang, Dạ Cổ Hoài Lang, Hành Vân, Vọng cổ, Nguyễn Vĩnh Bảo, Trần Văn Khê, Nguyễn Lê Tuyên, Nguyễn Đức Hiệp, Huỳnh Khải, Leon Azoulay, Chanson populaire d’Amour, Cao Văn Lầu
Mấy ngày chương trình “Cải lương – Trăm năm nguồn cội” (CLTNNC)  diễn ra, tôi nghĩ đến việc kết nối 2 tác giả của quyển “Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX). 

Anh Nguyễn Đức Hiệp thì tôi đã được nhận lời kết bạn. Anh Nguyễn Lê Tuyên thì tôi tìm không thấy. Có lẽ anh không dùng mạng facebook. Đối với một người chuyên vào nghiên cứu, có khi đó lại là một điều tốt. Trong lúc chưa biết nguồn cấp thông tin từ Nguyễn Lê Tuyên nằm ở đâu thì sáng hôm nay tôi nhìn thấy trang bìa của tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 27 – 2019. 1 tấm ảnh người Nam bộ xưa với cây đàn kìm trên tay cùng dòng tiêu đề TRĂM NĂM DẠ CỔ. Người viết bài thật như một sự trùng phùng! Là Nguyễn Lê Tuyên!

Nói về năm ra đời của Dạ Cổ Hoài Lang (DCHL), có rất nhiều thuyết. Trong bài này, anh Tuyên đồng thuận với mốc điểm 1919. Nghĩa là 2019 là chẵn tròn 100 năm. Con số 100 ăn khớp với tấm vé màu xanh chương trình CLTNNC mà tôi đang lưu giữ. Trong số các trích dẫn tôi thấy có sự xuất hiện của Huỳnh Khải. Rõ là bài báo ra rất đúng thời vì anh Khải cũng là giám đốc âm nhạc của CLTNNC.

Trong bài viết chia thành 2 phần, phần thứ nhất anh Tuyên đề cập đến DCHL với 2 trích dẫn đáng chú ý. Thứ nhất là của thầy Trần Văn Khê “nét nhạc của bài DCHL có mấy chỗ giống như nét nhạc của bài Hành Vân (HV)”. Thứ hai là của anh Khải, “DCHL là sự hòa quyện âm nhạc cung đình miền Trung và âm hưởng các điệu lý Nam bộ”. 

2 dẫn trích này tương thích với những gì tôi đã đọc trong quyển “Nguyễn Vĩnh Bảo, những giai điệu cuộc đời” ở trang 133-135. Theo đó, anh Nguyễn Thuyết Phong có dẫn lại lời của thầy Bảo về bài DCHL với 3 ý chính. Thứ nhất, “việc sáng tác bài DCHL tựa vào bài HV làm căn cứ, nếu không nói nó chính là dị bản của HV đã thông dụng trước đó.”. Thứ hai, “DCHL bây giờ đàn và ca không đúng với cái gốc. Ngày xưa, lúc còn nhỏ ông đã quen với cách đàn bài này theo hơi bắc chứ không phải hơi ai như bây giờ”. Thứ ba, “DCHL mang đậm phong cách Huế”. Từ 3 điểm này mà có thể kết luận, “DCHL không phải là một sáng tác toàn diện. Nó có tính cách truyền thừa từ cái đã có trước đó. Vọng cổ không phải là sáng tác của Cao Văn Lầu mà là một sáng tác tập thể, gần như vô danh, lấy cơ sở 20 câu trong bài HV và DCHL.”

Có thể nói rằng, bài báo này cộng với các quyển sách và nhất là màn trình diễn bản DCHL chuẩn (bản nhận được đồng thuận từ Hội thảo 90 năm DCHL tại TPHCM 2009) của Ngọc Đợi trở thành vốn liếng tri thức ít ỏi mà tôi tích lũy về từ khóa “Dạ cổ hoài lang”. Hẳn nhiên, tôi sẽ không dừng lại với bấy nhiêu. Không bao giờ là đủ và không bao giờ có sự thật. Chỉ có gần đủ và gần sự thật!

Ở phần hai của bài, anh Tuyên đề cập đến cái gọi là “Dạ cổ phiên bản năm 1900”. Đó là một bản nhạc được ghi âm trích xuất từ bộ sưu tập được thực hiện vào năm 1900 tại Paris của nhà nhân chủng học Leon Azoulay. Bản này có tên Chanson populaire d’Amour. Anh Tuyên và anh Khải đã ký tự và tạm đặt cho bài này là “Vọng lang”. Tôi cũng đã tìm nghe bản này. Đọc lời hát, nghe điệu ca và thật lý thú khi có một điểm tựa để so sánh với DCHL! Vậy là tôi có thêm một dữ liệu quan trọng nữa để khám phá nguồn cội của cải lương mà cũng là đờn ca tài tử.

Tôi sẽ giữ tờ báo này như một kỷ vật làm thành chuyên đề “Trăm năm nguồn cội”, cái tên “trăm năm” như vậy đã thành ra tương đối. Và thật ra khi mới bắt đầu với chuỗi ngày CLTNNC tôi cũng đã tập nhìn theo con số 200, 300. 

Cũng cần loan báo là ngay trong tối nay (20.7), anh Tuyên và anh Khải có một buổi nói chuyện chuyên đề về Dạ Cổ Hoài Lang tại quận 3 Sài Gòn. Như vậy theo phán đoán của tôi, tờ báo này là một ấn phẩm được tính toán ra đời sao cho ăn khớp với sự kiện liên quan. Từ giấy in đến đối thoại, từ con chữ đến lời ca minh họa, tất cả dù có tính toán hay không tính toán thì cũng đã xuất hiện và làm thành một phần hữu ích trong hệ sinh thái mang tên CLTNNC.

#Nhiên
20.7.2019